An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:02 (GMT+7)

Bài viết giải thích về vấn đề an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Theo Khoản 1 Điều 67 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm:

- Người lao động Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài do người sử dụng lao động cử đi. Ví dụ: Người lao động A làm việc cho một doanh nghiệp Việt Nam B, doanh nghiệp này có hoạt động đàm phán ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với một doanh nghiệp nước ngoài, người lao động A được người sử dụng lao động (tức doanh nghiệp B) cử đi thực hiện nhiệm vụ đàm phán, ký kết hợp đồng dưới sự chỉ đạo của người sử dụng lao động trong 01 năm, thực hiện xong A phải trở về Việt Nam. A thuộc trường hợp người lao động Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài do người sử dụng lao động cử đi.

- Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Quy định trong Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài). Hiện nay, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài số 72/2006/QH 11 ngày 29/11/2006 vẫn còn hiệu lực và Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài số 69/2020/QH14 ngày 13/11/2020 sắp có hiệu lực vào ngày 01/01/2022 có quy định các trường hợp người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng rất khác nhau. Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài số 72/2006/QH 11 ngày 29/11/2006 quy định chủ yếu trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động Việt Nam (doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sự nghiệp) theo hợp đồng. Trong khi đó, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài số 69/2020/QH14 ngày 13/11/2020 có quy định rõ ràng về trường hợp người lao động Việt Nam làm việc cho người sử dụng lao động nước ngoài. Tuy nhiên tác động của pháp luật Việt Nam đến người sử dụng lao động nước ngoài không thật sự rõ ràng.

2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Theo Khoản 2 Điều 67 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người sử dụng lao động của người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có 03 trách nhiệm sau:

2.1. Đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động; chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các trách nhiệm của người sử dụng lao động

Theo Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài số 72/2006/QH 11 ngày 29/11/2006 thì người sử dụng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là người sử dụng lao động Việt Nam. Khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động cũng không chấm dứt, nên người sử dụng lao động vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ với người lao động của mình như với các trường hợp người lao động trong nước. Tuy nhiên, cách thức thực hiện các nghĩa vụ này có thể không giống như khi ở Việt Nam.

Ví dụ: Tiền bồi thường, trợ cấp của người sử dụng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động; bồi dưỡng bằng hiện vật được trả cho người lao động tại thời điểm và địa điểm phù hợp với lịch trình hoạt động, làm việc của người lao động. Khi người lao động bị tai nạn lao động, người sử dụng lao động được báo tin cũng không thể tự thực hiện tổ chức điều tra tai nạn lao động mà còn phụ thuộc vào quy định của quốc gia sở tại nơi người lao động làm việc.

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 67 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, đối với trường hợp pháp luật nước sở tại nơi người lao động làm việc có quy định về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có lợi hơn cho người lao động thì thực hiện chế độ theo quy định nước sở tại. Quy định này nhằm đảm bảo người lao động được hưởng chế độ tương ứng với môi trường, điều kiện lao động mà người lao động làm việc.

2.2. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại trong việc tiến hành điều tra tai nạn, bệnh tật xảy ra cho người lao động

Đối với trường hợp tai nạn lao động tại Việt Nam, người sử dụng lao động có thẩm quyền tổ chức điều tra tai nạn lao động đối với các tai nạn lao động khiến người lao động bị thương nhẹ, có 01 người lao động bị thương nặng, cũng như tiến hành khai báo cho các cơ quan có thẩm quyền về tai nạn lao động nghiêm trọng (chết người, tù 02 người lao động bị thương nặng). Tuy nhiên, khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở nước ngoài, nơi xảy ra tai nạn lao động, nơi người lao động phát hiện ra bệnh nghề nghiệp không thuộc địa bàn quản lý của người lao động cũng như cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam. Muốn tiến hành điều tra tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để tiến hành điều tra tai nạn, bệnh tật xảy ra cho người lao động.

2.3. Cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan về người lao động chết, bị tai nạn lao động dẫn đến bị thương nặng cho Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh ở Việt Nam tại nơi có trụ sở chính của người sử dụng lao động

Như đã nêu trên, người sử dụng lao động có trách nhiệm với người lao động làm việc tại nước ngoài của mình giống với người lao động ở trong nước. Theo Điểm b Khoản 1 Điều 34 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm khai báo ngay với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh (Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) nơi xảy ra tai nạn khi xảy ra tai nạn lao động dẫn đến chết người hoặc khiến từ 02 người lao động bị thương nặng. Tuy nhiên, nếu tai nạn lao động xảy ra tại nước ngoài, thì người sử dụng lao động phải khai báo đến cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh tại nơi có trụ sở chính của người sử dụng lao động (do nơi xảy ra tai nạn lao động không ở trong lãnh thổ Việt Nam). Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận khai báo, cũng như tổ chức điều tra tai nạn lao động. Vì thế, người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến người lao động bị chết, bị thương nặng do tai nạn lao động cho Thanh tra để phục vụ cho công tác điều tra.

3. Trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về an toàn, vệ sinh lao động

Theo Khoản 3 Điều 67 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người lao động Việt Nam khi làm việc tại nước ngoài phải tuân thủ quy định của:

- Pháp luật Việt Nam

- Pháp luật nước sở tại

Tuy nhiên, nếu Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác so với pháp luật nước sở tại (hoặc pháp luật nước Việt Nam) thì người lao động thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Điều ước quốc tế.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư