Các hành vi nào bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động trong quan hệ lao động với người lao động là người giúp việc trong gia đình?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:51 (GMT+7)

Bài viết này giải thích về các hành vi nào bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động trong quan hệ lao động với người giúp việc trong gia đình

Các hành vi nào bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động trong quan hệ lao động với người lao động là người giúp việc trong gia đình? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày vấn đề này.

Theo Điều 165 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, có 03 hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động trong quan hệ lao động với người lao động là người giúp việc trong gia đình.

1. Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình

Cưỡng bức lao động là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác khiến người lao động phải làm trái ý muốn của họ (Theo Khoản 7 Điều 3 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019). Ví dụ: Các hành vi đánh đập, gây thương tích để người lao động phải làm thêm giờ. Các hành vi này được thực hiện với mục đích ép người lao động thực hiện hành động mà người lao động không muốn làm, tùy theo mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó chấp thuận (Theo Khoản 9 Điều 3 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019). Các hành vi này có thể bằng hoạt động thể chất hoặc bằng lời nói, ngôn ngữ cơ thể. Ví dụ: Các hành vi xàm sỡ, tiếp xúc chân tay mang tính tình dục. Các hành vi này dễ xảy ra tại nơi làm việc của người lao động là người giúp việc trong gia đình hơn vì địa điểm làm việc của nhóm người lao động này là nhà của người sử dụng lao động và gia đình của người sử dụng lao động. Đây là môi trường kín và khó bị phát hiện nếu có hành vi quấy rối tình dục. Cũng như với hành vi cưỡng bức lao động, tùy vào mức độ, người thực hiện hành vi quấy rối tình dục có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Việc ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với người lao động đều bị cấm trong lĩnh vực lao động (Theo Điều 8 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019) nhưng đối với người lao động là người giúp việc tại gia đình, do môi trường làm việc cũng như công việc của người lao động là người giúp việc tại gia đình, người lao động khó có khả năng phản kháng với người sử dụng lao động. Những hành vi này không chỉ bị cấm trong lĩnh vực lao động, mà có thể trở thành hành vi khách quan cấu thành tội phạm hình sự, vì vậy việc thực hiện các hành vi này dù trong môi trường lao động hay không cũng vô cùng nghiêm trọng.

2. Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động

Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận rõ ràng công việc mà người lao động phải thực hiện khi giao kết hợp đồng lao động. Đối với hợp đồng lao động với người lao động là người giúp việc, càng cần phải thỏa thuận chi tiết về công việc của người lao động vì giúp việc bao gồm rất nhiều công việc như chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh,... chi tiết các công việc này cũng phải được thỏa thuận rõ ràng. Trong trường hợp này, nếu người sử dụng lao động giao việc cho người giúp việc gia đình không theo trường hợp, có thể là giao công việc không nằm trong nhóm các công việc giúp việc cho gia đình, hoặc là các công việc giúp việc cho gia đình nhưng không được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Nếu người lao động phải thực hiện các công việc khác so với những gì quy định trong hợp đồng lao động, thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước (Theo Điểm a Khoản 2 Điều 35 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019).

3. Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động

Người sử dụng lao động thường mong muốn biết rõ danh tính của người lao động, nhưng không được giữ giấy tờ tùy thân của người lao động, đặc biệt là người giúp việc gia đình. Giấy tờ tùy thân bao gồm Thẻ căn cước nhân dân/ Chứng minh thư nhân dân, Hộ chiếu, là những giấy tờ cơ bản để thực hiện một số giao dịch như chuyển tiền tại ngân hàng, dự thi,… Vì vậy người sử dụng lao động không được phép giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

Người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ  20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng nếu giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động (Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/03/2020).

Như vậy, các hành vi bị nghiêm cấm của người sử dụng lao động đối với người lao động là người giúp việc trong gia đình đều là các hành vi bị pháp luật lao động nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung nghiêm cấm.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư