Các trách nhiệm liên quan đến hồ sơ tai nạn lao động như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:59 (GMT+7)

Bài viết giải thích về trách nhiệm liên quan đến hồ sơ tai nạn lao động

Hồ sơ tai nạn lao động là một loại hồ sơ rất quan trọng trong quá trình quản lý của người sử dụng lao động và cơ quan quản lý Nhà nước. Vậy các chủ thể này có trách nhiệm gì liên quan đến hồ sơ tai nạn lao động? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

1. Lập hồ sơ tai nạn lao động

1.1. Chủ thể có trách nhiệm lập hồ sơ tai nạn lao động

Theo Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, chủ thể có trách nhiệm lập hồ sơ tai nạn lao động là người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động là cũng là chủ thể có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý người lao động, đồng thời, người sử dụng lao động có nghĩa vụ quản lý, điều hành, giám sát người lao động cũng như phải đảm bảo điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động đang làm việc tại cơ sở làm việc của mình hoặc người lao động của người sử dụng lao động. Vì vậy, việc lập hồ sơ tai nạn lao động vừa giúp người sử dụng lao động quản lý người lao động, vừa giúp người sử dụng lao động thực hiện theo dõi, kiểm tra các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để xây dựng biện pháp khắc phục, tránh xảy ra tai nạn lao động lần nữa. Ngoài ra, việc thực hiện lập hồ sơ tai nạn lao động cũng thể hiện nghĩa vụ đối với cơ quan quản lý Nhà nước của người người sử dụng lao động.

1.2. Nội dung của hồ sơ tai nạn lao động

Cũng theo Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, hồ sơ tai nạn lao động bao gồm 10 nội dung:

- Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có)

- Sơ đồ hiện trường

- Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân

- Biên bản khám nghiệm tử thi hoặc khám nghiệm thương tích, trừ trường hợp mất tích theo tuyên bố của Tòa án

- Biên bản giám định kỹ thuật, giám định pháp y, kết luận giám định tư pháp (nếu có)

- Biên bản lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động

- Biên bản Điều tra tai nạn lao động

- Biên bản cuộc họp công bố biên bản Điều tra tai nạn lao động

- Giấy chứng thương của cơ sở y tế được Điều trị (nếu có)

- Giấy ra viện của cơ sở y tế được Điều trị (nếu có).

Các nội dung cho thấy hồ sơ tai nạn lao động phải được người sử dụng lao động lập sau khi đã có hoạt động Điều tra tai nạn lao động từ phía Đoàn điều tra tai nạn lao động. Thậm chí có thể được lập sau khi người lao động đã điều trị xong, hồi phục để xác định mức độ ảnh hưởng sức khỏe của người lao động một cách chính xác nhất. Nói cách khác, các nội dung của hồ sơ tai nạn lao động phải thể hiện rõ chi tiết về nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động, diễn biến của vụ tai nạn lao động, trách nhiệm của các chủ thể đối với tai nạn lao động đó, hậu quả, thiệt hại đến người lao động bị tai nạn và chế độ dành cho người lao động, xác định mức độ hồi phục và khả năng quay trở lại làm việc của người lao động. Nhờ các nội dung này, khi có hoạt động kiểm tra, thanh tra từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có thể đảm bảo thông tin khách quan, rõ ràng nhất về vấn đề an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người sử dụng lao động, đồng thời hỗ trợ trong hoạt động theo dõi, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động.

1.3. Tính cá nhân của hồ sơ tai nạn lao động

Theo Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, mỗi hồ sơ tai nạn lao động chỉ tương ứng cho một người lao động. Nếu trong một vụ tai nạn lao động có nhiều người lao động bị thương, nhiều người lao động chết, thì mỗi người đều được người sử dụng lao động lập một bộ hồ sơ tai nạn lao động riêng. Vì ngoài các nội dung liên quan đến diễn biến, nguyên nhân của vụ tai nạn lao động, hồ sơ tai nạn lao động còn ghi lại cả thiệt hại cá nhân cũng như ghi nhận thời gian điều trị của người lao động. Mỗi cá nhân trong vụ tai nạn có mức độ thiệt hại khác nhau, cũng có thời gian, quá trình điều trị khác nhau. Do đó, không thể gộp chung nội dung của nhiều người lao động bị tai nạn vào chung một hồ sơ tai nạn lao động.

Tuy nhiên, trong các bộ hồ sơ tai nạn lao động, có thể có các nội dung giống nhau như: Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có); Sơ đồ hiện trường; Biên bản Điều tra tai nạn lao động; Biên bản cuộc họp công bố biên bản Điều tra tai nạn lao động;…

2. Lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động

Theo Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, có 02 nhóm chủ thể có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động:

2.1. Người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động là chủ thể lập ra hồ sơ tai nạn lao động, do đó cũng là chủ thể có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động không phải lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động mãi mãi, do sau thời gian dài, giá trị của hồ sơ tai nạn lao động đối với hoạt động quản lý của người sử dụng lao động cũng như cơ quan quản lý Nhà nước không còn cao nữa.

Theo Khoản 8 Điều 18 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, người sử dụng lao động phải lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động trong thời hạn như sau:

- Đối người lao động bị chết do tai nạn lao động: Hồ sơ tai nạn lao động phải được lưu trữ 15 năm kể từ khi tai nạn xảy ra.

- Đối với các trường hợp tai nạn lao động khác: Hồ sơ tai nạn lao động phải được lưu trữ đến khi người bị tai nạn lao động nghỉ hưu (có thể là nghỉ hưu trước tuổi, hoặc nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định của pháp luật).

2.2. Cơ quan thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, cấp trung ương

Cơ quan thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh và trung ương là: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Bộ khác có chức năng chuyên môn gắn liền với vụ tai nạn lao động. Đây cũng là 02 chủ thể tham gia quá trình Điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động ở mức nghiêm trọng: chết người, nhiều người bị thương nặng, có khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động Điều tra tai nạn lao động của các cấp Điều tra cơ sở (hoặc đối với cấp trung ương là hoạt động Điều tra của cấp tỉnh). Do vậy, các chủ thể này cũng là những chủ thể có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động, để thực hiện chức năng quản lý của mình.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư