2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Trong lĩnh vực lao động, người lao động luôn được nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm. Nhiều người nhầm rằng nghỉ hằng năm là nghỉ lễ, tết. Trên thực tế, nghỉ hằng năm khác với nghỉ lễ, tết, và cũng có các trường hợp nghỉ hằng năm rất khác nhau. Vậy, các trường hợp nghỉ hằng năm là gì? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
Theo Khoản 1 Điều 113 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.”
Đối với người lao động làm việc từ đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động, có 03 trường hợp với các khoảng thời gian nghỉ khác nhau:
Đây là nhóm người lao động phổ biến nhất, là thành niên, không khuyết tật, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Nhóm người này cũng làm việc trong môi trường bình thường, không độc hại, nguy hiểm. Số ngày nghỉ hằng năm được quy định đối với nhóm người này là 12 ngày trong năm.
Nhóm lao động này bao gồm những người lao động có khả năng lao động thấp hơn người lao động bình thường và những người lao động làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm có khả năng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, được nghỉ hằng năm 14 ngày.
- Người lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi (Theo Khoản 1 Điều 145 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019). Đây là nhóm lao động chưa đủ năng lực hành vi dân sự, không thể tự mình giao kết hợp đồng lao động nếu không có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp hoặc không có người đại diện hợp pháp tham gia ký kết cùng. Nhóm người này đang trong quá trình phát triển thể chất lẫn tinh thần, cần phải dành thời gian học tập, vui chơi, vì vậy cần thời gian nghỉ nhiều hơn so với người lao động bình thường.
- Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. (Theo Khoản 1 Điều 3 Luật người khuyết tật số 51/2010/QH12 ngày 17/06/2010). Suy ra người lao động là người khuyết tật khi thực hiện các công việc sẽ gặp khó khăn hơn so với người lao động bình thường vì sự khiếm khuyết hoặc suy giảm chức năng các bộ phận của cơ thể, dẫn đến người lao động không thật sự có thể tham gia được vào tất cả các công việc như người lao động bình thường, cũng như có sức khỏe yếu nên cần nhiều thời gian nghỉ ngơi, chữa trị hơn so với người bình thường.
- Người làm nghề công việc nặng nhọc, nguy hiểm là người lao động thực hiện các công việc được quy định trong danh mục các công việc nặng nhọc, nguy hiểm kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Các công việc này chủ yếu là các công việc làm trong môi trường độc hại như khai thác khoáng sản, vận hành các thiết bị nguy hiểm, thí nghiệm hóa học, vật lý,… Trong quá trình lao động, người lao động có khả năng rất cao bị ảnh hưởng sức khỏe, nhiễm các bệnh nguy hiểm do tiếp xúc với môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc do công việc nặng nhọc gây kiệt quệ thể lực. Vì vậy những người này cần được nghỉ ngơi nhiều hơn người bình thường.
Những người này làm các công việc được quy định danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Các công việc này thậm chí còn nguy hiểm hơn các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vì vậy tỉ lệ ảnh hưởng sức khỏe cũng cao rất nhiều so với các công việc khác, cũng như làm việc trong môi trường độc hại lâu có thể ảnh hưởng nặng nề tới tinh thần của người lao động. Vì thế thời gian nghỉ hằng năm trong trường hợp này là dài nhất, 16 ngày.
Theo Khoản 2 Điều 113 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.”
Người lao động làm việc cho người sử dụng dưới 12 tháng được tính tỷ lệ ngày nghỉ tương ứng với số tháng làm việc dựa trên các trường hợp ngày nghỉ của người lao động làm việc từ 12 tháng trở lên.
Mà theo Khoản 1 Điều 66 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ:
“1. Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 113 của Bộ luật Lao động được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm.”
Ta có công thức:
Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động chưa đủ 12 tháng làm việc = Số ngày nghỉ hằng năm (dựa trên 03 trường hợp trên)/12 x số tháng làm việc thực tế
Ví dụ: Người lao động bình thường làm việc cho người sử dụng 06 tháng, không có số ngày nghỉ được tăng thâm niên. Nếu làm đủ 12 tháng thì thời gian nghỉ hằng năm của người lao động này là 12 ngày.
Vậy số ngày nghỉ hằng năm mà người lao động được hưởng là: 12/12 x 06 = 06 (ngày)
Tương tự như vậy đối với các trường hợp người lao động chưa thành niên; người lao động là người khuyết tật; người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Như vậy, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 quy định rất rõ ràng về các trường hợp người lao động nghỉ hằng năm. Về cơ bản, người lao động nào cũng được nghỉ hằng năm, nhưng tùy theo thời gian làm việc, yếu tố con người và môi trường làm việc dẫn đến số ngày nghỉ hằng năm của các nhóm lao động trở nên khác nhau.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh