Các trường hợp nghỉ lễ, tết như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:01 (GMT+7)

Bài viết giải thích về các trường hợp nghỉ lễ, tết

Người lao động được nghỉ lễ vào một số ngày trong năm được pháp luật quy định. Vậy theo pháp luật về lao động, người lao động được nghỉ lễ, tết trong các trường hợp nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày vấn đề này.

I. Đối với người lao động Việt Nam

Theo Khoản 1 Điều 112 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch: 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Như vậy, đối với người lao động Việt Nam, có 05 trường hợp người lao động được nghỉ lễ, tết. Các trường hợp đó là:

- Tết Dương lịch: Là ngày đầu năm dương lịch 01/01. Đây là ngày người dân, người lao động trên toàn thế giới được nghỉ, không chỉ riêng tại Việt Nam. Hết ngày 01/01, tức sang ngày 02/01, người lao động quay lại làm việc như bình thường.

- Tết Âm lịch: Là những ngày đầu tiên của năm âm lịch, được xác định theo lịch mặt trăng theo văn hóa của một số nước châu Á nói chung và của Việt Nam nói riêng, mà thời gian làm việc của người lao động được sắp xếp theo lịch dương, vì vậy không thể xác định chính xác ngày nghỉ lễ Tết Âm lịch vào ngày nào. Mỗi năm, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể 05 ngày nghỉ Tết Âm lịch và công khai trước toàn dân (Theo Khoản 3 Điều 112 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019). Trong các ngày này diễn ra các lễ, hội và các hoạt động văn hóa của người Việt, vì vậy thời gian nghỉ Tết Âm lịch dài hơn so với Tết Dương lịch.

- Ngày Chiến thắng: Ngày Chiến thắng là ngày 30/04 dương lịch hằng năm. Đây là 01 ngày kỷ niệm lịch sử hằng năm cho sự kiện 30/04/1975 chính thức kết thúc chiến tranh chống Mỹ cứu nước (hay quốc tế gọi là Chiến tranh Việt Nam), sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng của dân tộc Việt Nam, giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước. Người lao động nghỉ lễ Ngày Chiến thắng trong 01 ngày.

- Ngày Quốc tế lao động: Ngày quốc tế lao động có nguồn gốc từ ngày diễn ra cuộc bãi công tại thành phố Chicago, nước Mỹ (01/05/1886), sau này được Đại hội I của Quốc tế Cộng sản II và Liên hợp quốc công nhận là Ngày quốc tế lao động. Nghỉ lễ Quốc tế lao động trong 01 ngày là ngày 01/05, sau ngày này người lao động làm việc bình thường.

- Quốc khánh: Quốc khánh là ngày lễ quan trọng, đánh dấu sự khai sinh của quốc gia. Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ấn định vào ngày 02/09 dương lịch, kỷ niệm ngày 02/09/1945, ngày chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập thiết lập Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Trước đây, Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/06/2012 chỉ quy định thời gian nghỉ Quốc khánh là 01 ngày (tức ngày 02/09), nhưng Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 đã có sự thay đổi khi quy định thời gian nghỉ lễ Quốc khánh là 02 ngày, trong đó có 01 ngày trước hoặc sau ngày 02/09. Do quy định như vậy, nên tương tự trường hợp của Tết âm lịch, Thủ tướng Chính phủ mỗi năm phải quyết định ngày nghỉ lễ Quốc khánh.

- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được biết là ngày 10/03 Âm lịch do ngày này xuất phát từ văn hóa thờ cúng của người Việt Nam dựa theo Âm lịch. Ngày Giỗ Tổ xuất phát từ ngày cố định trong lịch sử để Giỗ Vua Hùng từ thời nhà Nguyễn do vua Nguyễn quyết định, từ đó đến nay được coi là ngày lễ quan trọng của đất nước. Người lao động được nghỉ ngày lễ 01 ngày là ngày 10/03 Âm lịch, sau ngày này người lao động làm việc như bình thường.

II. Đối với người lao động nước ngoài tại Việt Nam

Theo Khoản 2 Điều 112 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng được nghỉ lễ, tết như người Việt Nam. Ngoài ra, nhóm người lao động này còn được nghỉ thêm 02 ngày:

- 01 ngày là Tết cổ truyền dân tộc

- 01 ngày là Quốc khánh nước người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Ví dụ: Người lao động Campuchia ngoài được nghỉ lễ, tết giống người lao động Việt Nam còn được nghỉ 01 ngày Chol Chnam Thmay và 01 ngày Quốc khánh của Campuchia là ngày 09/11

Như vậy, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 có quy định rất rõ ràng về ngày nghỉ lễ, tết cho người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và có cũng có sự thay đổi so với Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/06/2012.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư