2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Người lao động và người sử dụng lao động không còn xa lạ với khái niệm làm thêm giờ. Người lao động cũng rất quan tâm về tiền lương làm thêm giờ, vì tiền lương làm thêm giờ luôn cao hơn tiền lương làm cùng công việc trong thời gian làm việc bình thường của người lao động. Vậy, cách tính tiền lương làm thêm giờ như thế nào? Tại sao tiền lương làm thêm giờ lại nhiều hơn tiền lương làm việc bình thường? Sau đây Luật Hoàng Anh xin được trình bày về vấn đề này.
- Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 ( Bộ luật Lao động năm 2019);
- Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.
Theo Khoản 1 Điều 90 Bộ luật lao động năm 2019:
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Theo đó, tiền lương là tổng số tiền người lao động nhận được khi thực hiện công việc theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Số tiền này bao gồm 03 thành phần là mức lương theo công việc, chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, cụ thể:
a. Mức lương theo công việc và chức danh là số tiền lương cơ bản mà người lao động có thể nhận được khi tham gia vào quan hệ lao động, được thỏa thuận dựa trên năng lực, năng suất làm việc của người lao động và công việc, chức danh mà người lao động thực hiện. Ví dụ mức lương của người công nhân được quy định trong hợp đồng lao động, dựa trên công việc của người công nhân đó làm. Mức lương cho chức danh tổng giám đốc của công ty, được quy định rõ trong hợp đồng lao động. Mức lương dựa trên công việc và chức danh được tính dựa trên bảng lương, thang lương rõ ràng do người sử dụng lao động xây dựng hoặc nếu là lương khoán thì dựa trên sản phẩm hoặc lương khoán theo thời gian các bên đã thỏa thuận. (Theo Điểm a, Khoản 5, Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020).
b. Phụ cấp lương là khoản tiền bổ sung vào tiền lương cơ bản nhằm bù đắp các yếu tố không ổn định về điều kiện lao động mà khi xác định tiền lương cơ bản chưa tính được. Nói cách khác, phụ cấp lương được sinh ra không phải để hỗ trợ thêm cho người lao động mà để người lao động được hưởng những lợi ích đúng với những gì mình bỏ ra trong quá trình lao động, gắn liền với công việc của người lao động đó. Do vậy, phụ cấp lương không bao gồm thưởng, phụ cấp xăng xe, đi lại, tiền ăn giữa ca,... do đây là các khoản tiền hỗ trợ, ưu đãi thêm dành cho người lao động. Theo điều 10 Bộ luật lao động năm 2019, phụ cấp lương cũng được các bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các quy định khác của người sử dụng lao động.
c. Các khoản bổ sung khác: Các khoản bổ sung khác theo Điểm c Khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH bao gồm: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể, cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và các khoản bổ sung không được xác định mức tiền cụ thể cùng với mức lương trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung này nếu không xác định được mức tiền cụ thể và được trả thường xuyên thì không được tính vào lương để đóng bảo hiểm xã hội, tương tự như trợ cấp đi lại hay trợ cấp tiền ăn giữa các ca làm.
Như vậy, quy định của Bộ luật lao động năm 2019 về định nghĩa tiền lương không có nhiều thay đổi so với Bộ luật lao động năm 2012. Tuy nhiên, Bộ luật lao động năm 2019 không còn quy định “Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc” bởi trên thực tế, tiền lương được thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, người sử dụng lao động mới là người cân nhắc nên dựa vào yếu tố nào để trả tiền lương cho người lao động. Việc loại bỏ quy định này thể hiện Bộ luật lao động năm 2019 giảm thiểu sự áp đặt của nhà nước lên quan hệ lao động.
Người sử dụng lao động là một trong hai chủ thể của hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ trả lương cho người lao động khi người lao động thực hiện các công việc được quy định trong hợp đồng lao động và pháp luật. Tuy nhiên, ở vị trí chủ thể có tiền và trả tiền cho người lao động, người sở hữu lao động luôn có nhiều ưu thế hơn trong quan hệ lao động, do đó pháp luật phải có nhiều quy định để hạn chế ưu thế của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động nói chung và vấn đề tiền lương nói riêng. Người sử dụng lao động phải trả lương theo nguyên tắc nhất quán, công khai, minh bạch, rõ ràng, thể hiện qua bảng lương, thang lương. Đồng thời người sử dụng lao động phải tuân thủ hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, mức lương tối thiểu theo quy định của pháp luật, được ghi rõ trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động.
Người lao động là một trong hai chủ thể của hợp đồng lao động. Thực hiện các công việc để được lợi ích chính là tiền lương theo hợp đồng lao động. Khoản tiền lương này người lao động dùng để tri trả cho hoạt động sống của bản thân và gia đình. Chính vì điều đó, tiền lương đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống xã hội, nếu người lao động không nhận được tiền lương đúng thời hạn, không chỉ chính họ không thể duy trì cuộc sống, xã hội cũng không thể duy trì cân bằng. Mối quan hệ lao động tồn tại lâu dài, nên người lao động cần phải được trả lương theo kỳ, theo giai đoạn hoặc vào thời điểm đúng mà người lao động cho rằng có thể đủ để họ trang trải cho bản thân và gia đình. Điều đó dẫn đến sự khác biệt giữa tiền lương và các khoản tiền giao dịch khác.
Việc trả công lao động tồn tại nhiều hình thức, nếu theo dân sự thì bên trả công có thể trả bằng hiện vật, đổi công, tiền mặt. Tuy nhiên, người sử dụng lao động chỉ có thể trả công bằng tiền lương, dưới hình thức tiền mặt. Theo điều 95 Bộ luật lao động năm 2019, tiền lương được trả cho người lao động được xác định là Việt Nam Đồng và có thể là ngoại tệ trong trường hợp người lao động là người nước ngoài. Do đó, đối với công dân Việt Nam, tiền lương không thể là ngoại tệ.
Trước đây, khi chưa có sự phát triển về công nghệ, hình thức thanh toán duy nhất là tiền mặt, nhưng ngày nay khi dịch vụ thanh toán trở nên phổ biến, có hai hình thức thanh toán là tiền mặt và qua tài khoản cá nhân, điều này được quy định tại cả Bộ luật lao động năm 2012 và Bộ luật lao động năm 2019.
Căn cứ theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Điều 91. Mức lương tối thiểu1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Theo đó, người lao động sẽ được chi trả với mức lương tối thiểu được quy định như trên. Quy định tiền lương tối thiểu không chỉ áp dụng cho lao động giản đơn mà còn là khung pháp lý quan trọng, là nền tảng để trả công cho người lao động trong toàn xã hội, là mức lương mang tính chất bắt buộc người sử dụng lao động phải trả ít nhất bằng chứ không được thấp hơn. Bên cạnh đó, quy định này còn là cơ sở để xác lập các mức lương khác trong hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp trong so sánh tương quan giữa các vị trí, hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng, chuyển đổi thành các chế độ phụ cấp, trợ cấp thiếu tính ổn định, gắn với các điều kiện ràng buộc thực thi khác, gây khó khăn cho việc xác lập các điều kiện lao động thuận lợi trong quan hệ lao động ở doanh nghiệp.
Như vậy, khái niệm và đặc điểm của tiền lương quy định tại Bộ luật lao động năm 2019 không có nhiều thay đổi so với Bộ luật lao động năm 2012. Điều này thể hiện một phần sự ổn định của pháp luật lao động Việt Nam trong việc định nghĩa tiền lương.
Theo Khoản 1 Điều 98 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.”
Thời giờ làm việc bình thường của một người lao động không quá 08 giờ một ngày, và 48 giờ trong một tuần, đó là quãng thời gian phù hợp để người lao động không làm tổn hại đến sức khỏe mà vẫn có thể phát huy tối đa khả năng làm việc của mình. Nếu làm việc tối đa 08 giờ đồng hồ, người lao động cũng đã tiêu hao sức khỏe, trí lực trong một ngày làm việc. Thời gian làm thêm giờ người lao động tiêu hao thêm nhiều sức lực, cũng như trong khoảng thời gian này, người lao động có thể đã mệt mỏi và việc thực hiện công việc sẽ khó khăn hơn khi người lao động không còn 100% khả năng, năng lượng như trong 08 giờ làm việc bình thường của một ngày và 48 giờ làm việc trong một tuần. Vì vậy, lương làm thêm giờ luôn phải cao hơn lương làm trong thời gian làm việc bình thường. Dựa vào quy định trên, có 03 trường hợp làm thêm giờ được hưởng các mức lương làm thêm giờ khác nhau ở các mức khác nhau là ngày thường; ngày nghỉ; ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.
Thời gian làm thêm vào ngày thường có tỷ lệ % lương thấp nhất trong các trường hợp lương làm thêm giờ vì thời gian làm thêm giờ vào ngày thường là khoảng thời gian tiếp nối thời gian làm việc bình thường trong ngày. Người lao động không phải di chuyển từ nhà đến địa điểm làm việc, cũng như thời gian làm thêm của một ngày làm việc không dài.
Công thức:
Lương làm thêm giờ ngày thường = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% x Số giờ làm thêm
Trong đó tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, được xác định bằng tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà người lao động làm thêm giờ (không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương; tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động) chia cho tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng hoặc tuần hoặc ngày người lao động làm thêm giờ (không quá số ngày làm việc bình thường trong tháng và số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, 01 tuần theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn và không kể số giờ làm thêm). (Theo Khoản 1 Điều 55 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ)
Ví dụ: Người lao động có thời gian làm việc ban ngày là 08 giờ, mỗi tháng làm việc 22 ngày, khi được sắp xếp làm việc thêm giờ vào ngày thường là làm việc 02 giờ, làm việc thêm giờ 10 ngày trong tháng. Tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng là 3.000.000 Việt Nam Đồng. Hai bên thỏa thuận lương làm việc thêm giờ cao hơn lương làm việc vào giờ làm việc bình thường là 150%.
Suy ra:
Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường
= 3.000.000 / (22 x 08) = 17.046 (Việt Nam Đồng)
Tiền lương làm thêm giờ = (17.046 x 150%) x (02 x10) = 511.380 (Việt Nam Đồng).
Như vậy, số tiền lương làm thêm giờ của người lao động đó trong tháng là 511.380 (Việt Nam Đồng)
Ngày nghỉ là số ngày người làm việc không phải đi làm, không được hưởng lương trong một tuần làm việc theo quy định của người sử dụng lao động. Mỗi tuần người lao động có ít nhất 24 giờ liên tục (tức 01 ngày) nghỉ. Ngày nghỉ này được xác định là thời gian phục hồi, nghỉ ngơi của người lao động sau 01 tuần làm việc (có thể làm thêm giờ trong tuần). Làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần khiến người lao động tiêu hao thời gian phục hồi cả về sức khỏe và tinh thần của mình, đồng thời đây là thời gian mà người lao động có thể sắp xếp để thực hiện các công việc cá nhân của mình. Vì vậy, tiền lương khi làm thêm vào ngày nghỉ trong tuần được tính % cao hơn tiền lương làm thêm ngày thường. Công thức tính tiền lương làm thêm vào ngày nghỉ hẳng tuần cũng tương tự với công thức tính lương làm thêm vào ngày thường.
Công thức: Lương làm thêm giờ ngày thường = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 200% x Số giờ làm thêm
Ví dụ: Người lao động có thời gian làm việc bình thường là 08 giờ, mỗi tháng làm việc 22 ngày, khi được sắp xếp làm việc thêm giờ vào một ngày nghỉ hàng tuần (Chủ nhật) là làm việc 08 giờ, làm việc thêm giờ 04 ngày trong tháng. Tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng là 3.000.000 Việt Nam Đồng. Hai bên thỏa thuận lương làm việc thêm giờ cao hơn lương làm việc vào giờ làm việc bình thường là 200%.
Suy ra:
Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường
= 3.000.000 / (22 x 08) = 17.046 (Việt Nam Đồng)
Tiền lương làm thêm giờ = (17.046 x 200%) x (08 x 04) = 1.090.944 (Việt Nam Đồng).
Như vậy, số tiền lương làm thêm giờ của người lao động đó trong tháng là 1.090.944 (Việt Nam Đồng).
Các ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương là thời gian mà người lao động thường dành thời gian cho các công việc cá nhân xuất phát từ ý chí nguyện vọng của người lao động cũng như phong tục, tập quán của Việt Nam về lễ, tết (xum họp gia đình, thực hiện các công việc của gia đình vào ngày lễ, tết,...). Vì vậy, một khi người lao động chấp nhận làm thêm giờ vào những ngày này, tức là người lao động đã bỏ đi quỹ thời gian để thực hiện những công việc cá nhân quan trọng của bản thân, nên số % lương làm thêm giờ trong khoảng thời gian này là cao nhất trong các loại lương làm thêm giờ. Công thức tính lương làm thêm giờ trong khoảng thời gian này cũng tương tự như 02 trường hợp trên.
Công thức:
Lương làm thêm giờ ngày thường = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 300% x Số giờ làm thêm
Ví dụ: Người lao động có thời gian làm việc ban ngày là 08 giờ, mỗi tháng làm việc 22 ngày, khi được sắp xếp làm việc thêm giờ vào 01 ngày Giỗ tổ Hùng Vương và làm việc 08 giờ. Tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng là 3.000.000 Việt Nam Đồng. Hai bên thỏa thuận lương làm việc thêm giờ cao hơn lương làm việc vào giờ làm việc bình thường là 300%.
Suy ra:
Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường
= 3.000.000 / (22 x 08) = 17.046 (Việt Nam Đồng)
Tiền lương làm thêm giờ = (17.046 x 300%) x (08 x 01) = 509.104 (Việt Nam Đồng).
Như vậy, số tiền lương làm thêm giờ của người lao động đó trong tháng là 509.104 (Việt Nam Đồng).
Người hưởng lương theo sản phẩm được trả lương làm thêm giờ khi làm quá số giờ bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Trên thực tế, trường hợp này cũng không có quá nhiều khác biệt so với các trường hợp người lao động hưởng lương làm thêm giờ theo thời gian, vì căn cứ làm thêm giờ vẫn là thời gian.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, công thức tính lương làm thêm giờ trong trường hợp này như sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% (dựa vào thời gian làm thêm vào ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần hay ngày nghỉ có hưởng lương) x Số sản phẩm làm thêm
Trong đó:
- Đơn giá tiền lương của ngày làm việc bình thường là đơn giá tiền lương mỗi ngày mà người lao động nhận được cho mỗi sản phẩm làm việc vào thời gian làm việc bình thường của ngày làm việc bình thường.
- Số sản phẩm làm thêm là số sản phẩm mà người lao động làm ra trong quãng thời gian làm thêm giờ.
Ví dụ: Đơn giá tiền lương của ngày làm việc bình thường là 30.000 Việt Nam Đồng. Người lao động làm việc thêm giờ 10 ngày, và làm được 10 sản phẩm mỗi ngày. Hai bên thỏa thuận lương làm việc vào ban đêm cao hơn lương làm việc vào ban ngày 150%.
Suy ra:
Tiền lương làm việc vào ban đêm = (30.000 x 150%) x (10 x 10) = 4.500.000 (Việt Nam Đồng)
Như vậy, số tiền lương làm thêm giờ của người lao động đó trong tháng là 4.500.000 (Việt Nam Đồng).
Như vậy, tiền lương làm thêm giờ được pháp luật về lao động quy định tương đối rõ ràng, chi tiết, đảm bảo cho người lao động được hưởng những quyền lợi thiết yếu nhất khi làm thêm giờ, thể hiện sự quan tâm của nhà làm luật đối với người lao động.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh