2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Người lao động được nghỉ hằng năm trong số ngày quy định của pháp luật. Ngày nghỉ hằng năm là một trong các khoảng thời gian nghỉ quan trọng đối với người lao động không chỉ bởi thời gian được nghỉ dài mà còn bởi chế độ cho người lao động liên quan đến ngày nghỉ hằng năm. Vậy chế độ cho người lao động liên quan đến nghỉ hằng năm như thế nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
Các ngày nghỉ hằng năm là ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động. Khi người lao động nghỉ hằng năm trong số thời gian mà pháp luật cho phép (Tham khảo: Các trường hợp nghỉ hằng năm được quy định như thế nào trong pháp luật về lao động?) thì người lao động vẫn được hưởng lương như các ngày làm việc thông thường. Vì điều này, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 có quy định về 02 trường hợp hưởng lương đặc biệt hơn so với các trường hợp nghỉ hằng năm bình thường như sau:
Theo Khoản 3 Điều 113 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.”
Đây là trường hợp người lao động chưa nghỉ đủ số thời gian mà pháp luật quy định về nghỉ hằng năm trong trường hợp của mình hoặc chấm dứt quan hệ lao động một cách bất ngờ khi chưa nghỉ đủ số thời gian mà mình được nghỉ. Vì ngày nghỉ hằng năm là ngày nghỉ có hưởng lương, vì vậy khi người lao động không nghỉ đủ số ngày này thì vẫn được hưởng lương như khi đi làm. Đối với trường hợp người lao động thôi việc, bị mất việc làm, trong quá trình làm việc, họ được chọn thời gian nghỉ hằng năm, nhưng họ đã không nghỉ, việc trả lương vào những ngày không nghỉ nhằm đảm bảo quyền lợi vốn có của những người này.
Về số tiền lương mà người lao động được hưởng trong trường hợp này. Đối với người chưa nghỉ đủ số ngày nghỉ hằng năm, họ được hưởng lương như thời gian làm việc bình thường. Đối với người thôi việc, bị mất việc, Khoản 3 Điều 67 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ:
“3. Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo khoản 3 Điều 113 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.”
Theo đó, số tiền lương cho các ngày chưa nghỉ của người lao động thôi việc, bị mất được tính theo tiền lương theo hợp đồng lao động tháng liền kề trước đó. Ví dụ: Tháng trước khi người lao động thôi việc, tiền lương trung bình mỗi ngày của người lao động là 100.000 Việt Nam Đồng. Tháng này người lao động thôi việc mà chưa nghỉ hết 09 ngày tên tổng số 12 ngày nghỉ hằng năm. Vậy người lao động được hưởng 900.000 Việt Nam Đồng cho những ngày chưa nghỉ.
Theo Khoản 5 Điều 113 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.”
Mà theo Khoản 3 Điều 101 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.”
Trường hợp này là khi người lao động nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ thanh toán lương, người lao động được tạm ứng số tiền lương ít nhất bằng số tiền lương mà người lao động được hưởng vào ngày nghỉ hằng năm (bằng với tiền lương người lao động trong ngày làm việc bình thường).
Theo Khoản 6 Điều 113 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.”
Người lao động sử dụng ngày nghỉ hằng năm của mình cho các hoạt động cá nhân, chủ yếu là đi xa và cần thiết, di chuyển bằng các phương tiện đường bộ (xe ô tô, xe gắn máy,…), đường sắt (tàu hỏa), đường thủy (thuyền, phà). Thời gian di chuyển của các phương tiện này có thể dài. Nếu cả đi cả về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở lên thì được coi thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng ngày và chỉ được tính cho 01 lần trong năm. Hai bên tiến hành thỏa thuận về tiền lương cho thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ, tức là thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ vẫn được tính tiền lương.
Theo Khoản 1 Điều 67 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ:
“1. Tiền tàu xe, tiền lương những ngày đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm theo khoản 6 Điều 113 của Bộ luật Lao động do hai bên thỏa thuận.”
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc người sử dụng lao động trả tiền tàu xe cho người lao động cũng như trả lương những ngày đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm. Quy định này cũng cho thấy người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc không trả tiền tàu xe, tiền lương những ngày đi lại.
Như vậy, pháp luật về lao động quy định khá rõ về chế độ cho người lao động liên quan đến ngày nghỉ hằng năm, đảm bảo các quyền lợi cho người lao động liên quan đến ngày nghỉ hằng năm.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh