Chế độ cho trọng tài viên lao động như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:53 (GMT+7)

Bài viết này giải thích về chế độ cho trọng tài viên lao động

Trọng tài viên phải đạt các tiêu chuẩn rất khắt khe, cũng như phải thông qua quá trình đề cử, bổ nhiệm gắt gao để thực hiện công việc giải quyết tranh chấp lao động phức tạp. Vậy, chế độ cho trọng tài viên lao động như thế nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

1. Hưởng tiền bồi dưỡng

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 103 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, trọng tài viên được hưởng số tiền bồi dưỡng ít nhất bằng 5% tiền lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho mỗi ngày thực tế nghiên cứu hồ sơ, thu thập bằng chứng và tiến hành cuộc họp.

Mà theo Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ, có 4 vùng tương ứng với 04 mức lương tối thiểu vùng khác nhau là vùng I (4.420.000 Việt Nam Đồng/tháng), vùng II (3.920.000 Việt Nam Đồng/tháng), vùng III (3.430.000 Việt Nam Đồng/tháng), vùng IV (3.070.000 Việt Nam Đồng/tháng). Như vậy, bình quân tiền lương tối thiểu các vùng đối với người lao động là 3.710.000 Việt Nam Đồng/tháng.

Suy ra, số tiền tối thiểu trọng tài viên được hưởng số tiền bồi dưỡng cho 01 ngày thực tế nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ và tiến hành cuộc họp là 185.500 Việt Nam Đồng.

Tuy nhiên, đây là số tiền tối thiểu mà trọng tài viên có thể nhận được cho 01 ngày nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ, và tham gia cuộc họp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét và trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức bồi dưỡng cao hơn so với mức bồi dưỡng 185.500 Việt Nam Đồng.

2. Hưởng công tác phí

Theo Điểm c Khoản 1 Điều 103 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, trọng tài viên được hưởng chế độ công tác phí trong thời gian tham gia Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp lao động. Ban trọng tài lao động được thành lập sau khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cụ thể, tức quãng thời gian này không phải là toàn thời gian trọng tài viên hoạt động trong Hội đồng trọng tài lao động mà chỉ là một quãng thời gian phát sinh từ yêu cầu giải quyết tranh chấp cụ thể.

Công tác phí ở đây trọng tài viên được hưởng, theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 của Bộ Tài chính bao gồm chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ nơi đến công tác, cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc (nếu có). Có thể nói đây hầu hết là các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nên nếu trọng tài viên không thuộc các trường hợp này thì không được hưởng công tác phí.

3. Được bố trí thời gian thích hợp để thực hiện nhiệm vụ của trọng tài viên

Hầu hết các thành viên của Hội đồng trọng tài lao động (trừ thư ký Hội đồng) làm việc tại Hội đồng theo chế độ kiêm nhiệm. Do đó, ngoài thực hiện các công việc, nhiệm vụ của một trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài lao động thì các thành viên còn phải thực hiện các nhiệm vụ chính tại cơ quan, nơi làm việc của mình như cơ quan chuyên môn về lao động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Công đoàn cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Vì vậy, thành viên của Hội đồng trọng tài lao động được chính cơ quan, tổ chức của mình tạo điều kiện, bố trí thời gian làm việc phù hợp để cùng lúc thực hiện các công việc tại cơ quan, tổ chức của mình, vừa thực hiện các nhiệm vụ tại Hội đồng trọng tài lao động một cách hợp lý nhất.

4. Được tham gia tập huấn, bồi dưỡng trình độ chuyên môn

Theo Điểm d Khoản 1 Điều 103 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, trọng tài viên, bất kể trong quá trình hoạt động tại Hội đồng trọng tài lao động hay không, được tham gia các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao tình độ chuyên môn về giải quyết tranh chấp để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Các hoạt động này không chỉ có ý nghĩa trong quá trình trọng tài viên còn ở trong Hội đồng trọng tài lao động mà còn có hiệu quả đối với các trọng tài viên từng là thành viên của Hội đồng trọng tài lao động khi thực hiện các công việc của mình tại cơ quan chuyên môn về lao động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Công đoàn cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động.

5. Được khen thưởng theo quy định Luật Thi đua

Theo Điểm đ Khoản 1 Điều 103 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, trọng tài viên được khen thưởng về thành tích trong thực hiện nhiệm vụ của trọng tài viên lao động theo quy định. Tức là nếu trọng tài viên thực hiện các nhiệm vụ của mình tốt thì được khen thưởng, nhưng khen thưởng ở đây không bằng tiền mặt.

6. Chế độ khác theo quy định của pháp luật

Ngoài các chế độ trên, trọng tài viên còn được hưởng các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội bố trí địa điểm, phương tiện làm việc, tài liệu, văn phòng phẩm và các điều kiện cần thiết khác, các khoản chi phí cho các vấn đề này trọng tài viên không phải chịu mà do Ngân sách Nhà nước bảo đảm.

Hoặc đối với trường hợp trọng tài viên là thư ký của Hội đồng trọng tài lao động, thì trọng tài viên được hưởng thêm phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,5 so với mức lương cơ sở theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Như vậy, trọng tài viên được hưởng tương đối nhiều quyền lợi khi thực hiện nhiệm vụ.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư