Chế độ cho người lao động nữ trong thời gian hành kinh được thực hiện như thế nào?

Thứ năm, 29/06/2023, 09:48:26 (GMT+7)

Bài viết về chế độ trong thời gian hành kinh của người lao động nữ

Hiện nay vẫn còn nhiều người e ngại đề nghị với người sử dụng lao động về thời gian nghỉ trong thời kỳ hành kinh. Bởi vậy pháp luật lao động hiện hành đã có những quy định cụ thể về chế độ đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh. Việc quy định chế độ nghỉ cho lao động nữ mang ý nghĩa tích cực, là chính sách nhân văn bù đắp nhiều thiệt thòi của của lao động nữ, tạo điều kiện giúp họ có thể tự lựa chọn thời gian nghỉ phù hợp. Vậy, chế độ trong thời kỳ hành kinh của người lao động nữ được thực hiện như thế nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý

- Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019 (Bộ Luật lao động 2019);

- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17 tháng 01 năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Lao động nữ là gì?

Lao động nữ là một trong các loại lao động đặc thù hiện nay. Lao động nữ được hiểu là người lao động có giới tính nữ, từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động. Đối tượng lao động nữ có các đặc điểm riêng như:

Thứ nhất, thông thường lao động nữ có sức khỏe yếu hơn so với lao động nam. Lao động nữ là người lao động có đặc điểm sinh học nữ, cấu tạo thể chất yếu hơn so với lao động nam về cơ bắp, sức bền,...Vì vậy những công việc đòi hỏi hao phí sức lao động với cường độ cao, nặng nhọc, môi trường độc hại, nguyên hiểm lao động nữ thường khó đáp ứng được yêu cầu so với lao động nam.

Thứ hai, lao động nữ phải đảm nhiệm thiên chức làm mẹ và làm vợ. Song song với nghĩa vụ lao động cống hiến cho xã hội, lao động nữ còn phải gánh vác, chăm sóc cho gia đình. Bởi vậy họ cần có sự bố trí về thời gian phù hợp. Lao động nữ cũng cần thời gian cho việc sinh đẻ và nuôi dạy con bởi vậy mà họ thường phải chịu áp lực trong cơ hội tuyển dụng và sử dụng lao động cũng như việc phát triển và nâng cao năng lực.

Thứ ba, lao động nữ chịu ảnh hưởng về sự bất bình đằng giới trong lao động. Hiện nay vẫn tồn tại tình trạng trọng nam khinh nữ, người phụ nữ phải đối mặt với sự ngược đãi, hạn chế về học tập, phát triển bản thân.

Theo đó, đối với các đặc điểm này, lao động nữ nói chung hay lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi nói riêng cần sự điều chinh của quy định pháp luật nhằm thực hiện quyền bình đẳng trong lao động, từ đó phát huy được nguồn lực lao động tiềm năng này.

Thời gian nghỉ của lao động nữ trong thời kỳ hành kinh

Căn cứ theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ:

Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động.

Dựa vào quy định trên, lao động nữ trong thời gian này được một quãng thời gian nghỉ hưởng lương. Tuy nhiên thời gian nghỉ này ngắn, có thể diễn ra vào đầu giờ, giữa giờ, cuối giờ làm việc nếu người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận. Ngoài ra, điều luật trên có ghi “30 phút tính vào thời giờ làm việc” nhưng không có quy định về tính “liên tục” trong “30 phút” này. Tức người lao động có thể nghỉ ngắt quãng trong thời giờ làm việc. Ví dụ: Lúc 8 giờ nghỉ 10 phút, lúc 9 giờ nghỉ 10 phút, lúc 10 giờ nghỉ tiếp 10 phút. Quy định như vậy xuất phát từ sự quan tâm của nhà làm luật đến người phụ nữ và các đặc điểm sinh lý của phụ nữ. Trong thời kỳ hành kinh, phụ nữ thường hay bị đau bụng. Cơn đau có thể chỉ diễn ra một lúc hoặc kéo dài dai dẳng trong một khoảng thời gian dài của ngày. Vì vậy, thời gian nghỉ của lao động nữ đang hành kinh có thể không diễn ra liên tục, tùy vào tình trạng sức khỏe của từng người.

Số ngày nghỉ trong thời kỳ hành kinh của người lao động nữ được thỏa thuận với người sử dụng lao động căn cứ vào 02 yếu tố:

- Tình trạng, môi trường làm việc của lao động nữ: Nếu lao động nữ làm công việc nhẹ nhàng, ít áp lực có thể không chịu nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu lao động nữ làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm thì các ảnh hưởng về sức khỏe của người lao động nữ đó có thể thể hiện ra ngay trong thời kỳ hành kinh.

- Cơ địa, tình trạng sức khỏe của người lao động nữ (nhu cầu đảm bảo sức khỏe trong thời kỳ hành kinh): Mỗi người lao động nữ có thời gian hành kinh khác nhau, cũng có cảm giác về sức khỏe đối do tác động của thời kỳ này khác nhau. Do vậy, phải đánh giá thời gian nghỉ thông qua ý kiến, nhu cầu của người lao động.

Cũng vì lý do đó, lao động nữ có thể yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ cần người lao động có thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Lao động nữ trong thời gian hành có không có nhu cầu nghỉ có được hưởng tiền lương không?

Theo quy định trên, người lao động nữ khi nghỉ do hành kinh vẫn được hưởng lương theo hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, điểm c khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

Theo đó, nếu người lao động nữ không nghỉ trong thời gian này, người lao động được hưởng thêm một khoảng tiền lương bằng với khoản tiền mà người lao động nữ nhận được trong cùng một đơn vị thời gian khi người lao động nữ thực hiện công việc của mình.

Ví dụ: Người lao động nữ A có thời gian nghỉ hành kinh là 06 ngày, mỗi ngày 30 phút. Tổng 01 tháng người lao động này được nghỉ 180 phút, tức 03 giờ. Lương 01 ngày làm việc 08 giờ của người lao động là 400.000 Việt Nam Đồng. Suy ra số tiền người lao động có thể nhận thêm cho thời gian được nghỉ hành kinh mà không nghỉ là 150.000 Việt Nam Đồng. Một tháng người lao động nhận được mức lương là 10.400.000 Việt Nam Đồng cùng với khoản tiền 150.000 Việt Nam Đồng, tổng là 10.550.000 Việt Nam Đồng.

Như vậy, người lao động nữ được hưởng tương đối nhiều quyền lợi trong thời gian hành kinh. Người lao động nữ nên tận dụng quy định này để đảm bảo quyền lợi của mình.

Người sử dụng lao động vi phạm quy định về chế độ đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh bị xử lý như thế nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 28. Vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới 

[...]

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

[...]

d) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

Theo đó, người sử dụng lao động không cho lao động nữ trong chu kỳ kinh nguyệt nghỉ theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Đây là mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng lao động là cá nhân không cho lao động nữ trong chu kỳ kinh nguyệt nghỉ theo quy định của pháp luật. Đối với tổ chức mức phạt sẽ gấp đôi (theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Người sử dụng lao động không cho lao động nữ trong thời gian hành kinh nghỉ theo quy định có phải trả lương tương ứng với thời gian này không?

Căn cứ khoản 3 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian hành kinh theo quy định của pháp luật khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này; 

Theo đó, trong trường hợp người sử dụng lao động không cho lao động nữ nghỉ trong thời gian hành kinh theo quy định sẽ buộc phải trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian hành kinh.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư