Chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:08 (GMT+7)

Bài viết giải thích về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Theo Điều 20 Luật việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013, chính sách hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài thể hiện ở 02 khía cạnh:

1. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu và khả năng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu và khả năng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động thông qua các hoạt động hỗ trợ về thủ tục hành chính, cùng với hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp đưa người lao động đi ra nước ngoài theo hợp đồng lao động và hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý cho người lao động ở nước ngoài thông qua Đại sứ quán, Lãnh sự quán.

2. Chính sách hỗ trợ người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân là người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

2.1. Hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, hiểu biết phong tục, tập quán, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động

Theo Điều 10 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ, hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết được thực hiện như sau:

a. Hỗ trợ học phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết

Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về phong tục, tập quán, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận được tính theo khóa học và thời gian học, không tính chi phí đào tạo phát sinh.

b. Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian thực tế học

Tiền ăn trong thời gian học thực tế là tiền ăn trong những ngày đi học của người lao động, không tính vào các buổi được nghỉ học hằng tuần hay buồi nghỉ học đột xuất.

c. Hỗ trợ chi phí đi lại (01 lượt đi và về) từ nơi cư trú đến địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên hoặc từ 10 km trở lên đối với người lao động cư trú hợp pháp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Riêng người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ thêm tiền ở và đồ dùng cá nhân thiết yếu.

2.2. Đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng các yêu cầu của nước tiếp nhận lao động

Theo Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ, người lao động thuộc nhóm người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân là người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì được hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận có yêu cầu về trình độ tay nghề. Các chi phí này không bao gồm chi phí ăn và đi lại cho người lao động.

2.3. Hỗ trợ làm thủ tục, khám sức khỏe, giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài

Theo Khoản 2 và Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ, người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân là người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được:

- Hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp trước khi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật

- Hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật

Các hoạt động hỗ trợ này chủ yếu vì vấn đề hiểu biết của người lao động không cao cũng như khả năng thích nghi với môi trường nước ngoài của người lao động nhóm này không được tốt, vì vậy cần Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ.

2.3. Vay vốn với lãi suất ưu đãi

Người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân là người có công với cách mạng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Theo Khoản 6 Hướng dẫn của Ngân hàng chính sách xã hội số 7886/NHCS-TDNN ngày 24/10/2019:

- Lãi suất cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng lãi suất cho vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định, từng thời kỳ (hiện nay, lãi suất cho vay hộ nghèo là 6,6%/năm). Riêng đối tượng vay vốn là người lao động tại các huyện nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đồng thời thuộc hộ nghèo hoặc người dân tộc thiểu số được vay vốn với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định từng thời kỳ.

- Trong trường hợp nợ quá hạn, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư