Chủ thể nào có trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:07 (GMT+7)

Bài viết giải thích về các chủ thể có trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

Theo Điều 83 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, có 04 nhóm chủ thể có trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động:

1. Chính phủ

Theo Khoản 1 Điều 83 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, Chính phủ có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Trên thực tế, Chính phủ có trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước về lao động, trong đó có an toàn, vệ sinh lao động. Chính phủ chỉ đạo các Bộ và cơ quan cấp dưới Bộ thực hiện quản lý về an toàn, vệ sinh lao động. Các cơ quan này trực tiếp thực hiện công việc quản lý, nhưng luôn phải có hoạt động báo cáo lên Chính phủ. Đồng thời, dựa trên các báo cáo của các cơ quan quản lý về an toàn, vệ sinh lao động cấp dưới, Chính phủ xây dựng các kế hoạch chung, chỉ đảo thực hiện an toàn, vệ sinh lao động nói riêng, quản lý lao động nói chung phù hợp với tính hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam và các quy định mới của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, pháp luật Việt Nam.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Theo Khoản 2 Điều 83 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất thực hiện quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý chuyên môn về lao động của Chính phủ, nên các vấn đề về an toàn, vệ sinh lao động chủ yếu thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Cơ quan này có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về lao động cấp dưới (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) thực hiện quản lý về an toàn, vệ sinh lao động theo đúng định hướng của Chính phủ và pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, tổng hợp kết quả quản lý của các Bộ khác trong một số lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ này. Ví dụ: Mỗi Bộ có trách nhiệm quản lý về một số loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến lĩnh vực mà mình quản lý. Tuy nhiên, các Bộ này hằng năm vẫn phải gửi báo cáo về việc quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

Như đã nêu trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không phải là Bộ duy nhất quản lý về an toàn, vệ sinh lao động. Hầu hết các Bộ khác đều có mức độ quản lý nhất định đối với vấn đề an toàn, vệ sinh lao động. Hầu hết các Bộ có phạm vi quản lý nhất định về vấn đề an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực quản lý của Bộ (như ví dụ trên), một số Bộ trực tiếp quản lý một số vấn đề chung về an toàn, vệ sinh lao động. Ví dụ: Bộ Y tế quản lý về vấn đề thực phẩm cho người lao động (tại cơ sở lao động, bồi dưỡng bằng hiện vật,…) cũng như quản lý hồ sơ sức khỏe, hoạt động khám, chữa bệnh của người lao động, tổ chức điều tra các yếu tố có hại, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, phối hợp với các Bộ khác ban hành tiêu chuẩn sức khỏe cho người lao động làm việc trong lĩnh vực, ngành nghề do Bộ đó quản lý.

4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó có các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi địa phương. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động của Ủy ban nhân dân cấp (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý về an toàn, vệ sinh lao động).

Tương tự đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động của mình là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý về an toàn, vệ sinh lao động, và báo cáo với cơ quan quản lý về an toàn, vệ sinh lao động cấp trên.

Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã, không có cơ quan chuyên môn trực tiếp quản lý về lao động và an toàn, vệ sinh lao động, tuy nhiên trong một số trường hợp, ví dụ như người lao động không làm việc cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động bị tai nạn lao động dẫn đến bị thương nặng, chết người, người lao động, người thân của người lao động khai báo tai nạn lao động với Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp và báo cáo lên Ủy ban nhân dân cấp huyện về tai nạn lao động của người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư