Điều kiện trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:59 (GMT+7)

Bài viết giải thích về điều kiện trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân

Không phải người lao động nào cũng được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân. Phương tiện bảo vệ cá nhân được trang bị cho mỗi người lao động khi người lao động đó làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại mà các biện pháp khác của người lao động không làm triệt tiêu hoàn toàn các yếu tố này. Vì thế chỉ trong một số trường hợp người sử dụng lao động mới trang bị phương tiện bảo vệ lao động, tùy theo điều kiện lao động của người lao động, và căn cứ theo yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc.

Xem thêm: Phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động là gì?

Theo Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có 04 yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại là căn cứ để trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động nếu người lao động tiếp xúc với một trong các yếu tố này, cũng chính là điều kiện để người lao động được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân:

1. Tiếp xúc với yếu tố vật lý xấu

Yếu tố vật lý xấu là yếu tố tác động vật lý đến người lao động dẫn đến mất an toàn, vệ sinh lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động theo chiều hướng xấu.

Ví dụ: Tiếng ồn, áp suất không khí không đủ tiêu chuẩn, tạo nguy cơ gây các bệnh về tai, tim, phổi, thần kinh, cơ trong quá trình người lao động làm việc. Khi xảy ra các yếu tố vật lý xấu này, người sử dụng lao động phải trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp, trực tiếp giảm thiểu tác động của các yếu tố này đến người lao động như bịt tai, bộ đồ bảo hộ lao động.

2. Tiếp xúc với bụi và hóa chất độc hại

Bụi và hóa chất độc hại có chứa nhiều phần tử gây nhiễm độc, gây bệnh cho người lao động nếu tiếp xúc lâu dài và thường xuyên, dẫn đến mất an toàn, vệ sinh lao động.

Ví dụ: Người lao động làm việc trong môi trường khói bụi cao, lượng bụi mịn lớn làm tăng khả năng bị ung thư phổi và các bệnh về phổi khác của người lao động, thậm chí nhiễm độc các chất có trong bụi. Vì vậy người lao động cần được người sử dụng lao động trang cấp thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân như khẩu trang, đồ bảo hộ, ngăn người lao động trực tiếp tiếp xúc vật lý với bụi và các chất hóa học độc hại.

3. Tiếp xúc với yếu tố sinh học độc hại, môi trường vệ sinh lao động xấu

Đây là trường hợp các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho người lao động là tính sinh học, do các yếu tố sinh học tác động. Người lao động bị các yếu tố sinh học này tác động dẫn tới nhiễm bệnh, giảm sức đề kháng. Nguyên nhân có thể là môi trường lao động không đảm bảo tiêu chuẩn, hoặc môi trường lao động là nơi lao động nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại, hoặc do bản thân quá trình lao động làm sản sinh ra các yếu tố bất lợi về sinh học (ví dụ như nghiên cứu thuốc, vacxin chống Covid-19). Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, yếu tố sinh học độc hại, môi trường vệ sinh lao động xấu bao gồm:

a. Vi rút, vi khuẩn độc hại gây bệnh, côn trùng có hại

Nơi làm việc của người lao động vốn tồn tại virut, vi khuẩn độc hại, côn trùng có hại nhưng người sử dụng lao động dùng nhiều biện pháp vẫn không thể loại bỏ các yếu tố này, hoặc trong quá trình lao động, người lao động cần sử dụng và tiếp xúc với các virut, vi khuẩn độc hại gây bệnh, côn trùng có hại.

Ví dụ: Người lao động làm công việc lấy mật ong, phải được trang bị phương tiện bảo vệ để tránh bị ong đốt.

Người làm công việc nghiên cứu vi khuẩn, virut để chế tạo thuốc thì phải có phương tiện bảo hộ nhằm tránh bị các vi khuẩn, virut phơi nhiễm vào cơ thể người lao động.

b. Phân, nước, rác, cống rãnh hôi thối

Đây là trường hợp người lao động làm việc trong môi trường vệ sinh lao động xấu. Phân, nước, rác, cống rãnh hôi thối là môi trường phát triển của các vi khuẩn, virut mang mầm bệnh cho con người, nếu không có biện pháp bảo vệ, người lao động rất dễ nhiễm các bệnh về da, và nhiều bệnh khác do nhiễm độc, nhiễm vi khuẩn.

Ví dụ: Người lao động làm công việc thông cống nước cho thành phố, phải trực tiếp đi xuống cống, cần có bộ đồ bảo hộ, ủng, khẩu trang, nhằm đảm bảo giảm mức độ tiếp xúc của người lao động với môi trường này.

c. Các yếu tố sinh học độc hại khác

Các yếu tố sinh học khác không thuộc trường hợp hai yếu tố trên, nhưng vẫn gây nguy hại cho sức khỏe của người lao động và những người có mặt tại nơi người lao động làm việc, nếu không có biện pháp khắc phục của người sử dụng lao động.

4. Làm việc với máy, thiết bị, công cụ lao động, làm việc ở vị trí mà tư thế lao động nguy hiểm dễ gây ra tai nạn lao động; làm việc trên cao; làm việc trong hầm lò, nơi thiếu dưỡng khí; làm việc trên sông nước, trong rừng hoặc điều kiện lao động nguy hiểm, độc hại khác

Đây là trường hợp người lao động thực hiện công việc trong môi trường đặc biệt về địa điểm, nhiệt độ hoặc về tư thế lao động. Các yếu tố bất thường này trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, khiến người lao động mắc các bệnh về xương khớp, phổi, tim, huyết áp, nhiễm độc, nhiễm khuẩn,… Sự kết hợp này khiến người lao động trong môi trường lao động này phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn là một yếu tố nguy hiểm, có hại thông thường.

Ví dụ: Người lao động làm công việc xây dựng phải làm việc ở trên cao và ngoài trời, áp suất lớn, gió mạnh, không khí loãng, có khả năng bị rơi từ trên cao xuống đất, chịu bụi mịn, khói của hoạt động sinh hoạt, sản xuất,… nên cần phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân.

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư