Đối tượng khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là những ai?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:01 (GMT+7)

Bài viết giải thích về các đối tượng được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp

Không phải ai cũng là đối tượng khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Các đối tượng khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Vậy đó là những đối tượng nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Theo Điều 6 Thông tư số 28/2016/TT-BYT ngày 30/06/2016 của Bộ Y tế, có 05 đối tượng được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

1. Người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kể cả người học nghề, tập nghề

Đây là trường hợp đầu tiên, cũng là nhóm người lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao nhất, do thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố có hại phát sinh trong điều kiện lao động, môi trường lao động. Do hoạt động lao động tiếp xúc với yếu tố có hại, người lao động ở đây không phụ thuộc vào hợp đồng lao động, hợp đồng việc làm, nên chỉ cần là người có thực hiện công việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, các công việc nặng nhọc, thì đều là đối tượng được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (người lao động, công chức, viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập, người học nghề, tập nghề, người thử việc).

Đối với người tiếp xúc với các yếu tố có hại thì có khả năng làm người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, bản chất công việc của người lao động có thể không có, hoặc hạn chế yếu tố có hại, nhưng do điều kiện lao động mà người sử dụng lao động bố trí cho người lao động, người lao động phải tiếp xúc với các yếu tố độc hại, nên người lao động tiếp xúc với các yếu tố này cần phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

2. Người lao động đã nghỉ hưu hoặc người lao động đã chuyển công tác không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp

Người lao động đã nghỉ hưu là những người đã có nhiều năm làm việc, tiếp xúc với các yếu tố độc hại, dù có được ghi nhận hay không trong hồ sơ kiểm tra, theo dõi yếu tố có hại tại nơi làm việc của người lao động, do đó nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp và chịu ảnh hưởng nặng nề từ các bệnh này của nhóm người đã nghỉ hưu rất cao.

Tương tự như vậy, đối với những người lao động đã chuyển công tác không còn làm trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thì người lao động, người sử dụng lao động cũng vẫn có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, điều này thậm chí còn khiến người lao động khó có thể thực hiện các công việc mới sau khi chuyển công tác, vì vậy nhóm người lao động chuyển công tác cũng cần phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

3. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được bảo lưu bảo hiểm xã hội. Trên thực tế những người này có thể có thời gian làm việc không dài như những người lao động được hưởng chế độ hưu trí, nhưng cũng đã đạt đến độ tuổi không còn đủ sức khỏe để làm các công việc đòi hỏi sức khỏe tốt như các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đồng thời, những người ở độ tuổi này không được coi là người lao động có sức khỏe, thể lực tốt, có thể thực hiện được các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Vì vậy, nhóm người này cũng cần phải thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

4. Người lao động đã có quyết định chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng

Tương tự trường hợp trên, người lao động đã có quyết định giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hàng tháng là những người cũng đã có thời gian thực hiện các công việc, nhiệm vụ dài và có thể đã tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Khi giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng, thì chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của nhóm người này cũng có thể được giải quyết cùng lúc nhằm đảm bảo các chế độ cho người lao động được thực hiện đầy đủ, không bỏ sót bất kỳ quyền lợi nào của nhóm người này.

5. Người lao động không thuộc các trường hợp trên nhưng chuyển sang làm nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp

Trường hợp này ngược lại với trường hợp thứ 02, nhưng đây là một trường hợp rất cần thiết phải thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Nếu người lao động đã mắc bệnh nghề nghiệp, hoặc có dấu hiệu dễ dàng mắc bệnh nghề nghiệp trước khi chuyển sang làm công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp thì người lao động càng có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp, thậm chí nặng hơn so với người khác. Việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp giúp xác định người lao động có thể thực hiện công việc này hay không, nếu không thực hiện được thì người lao động không được chuyển sang làm công việc này.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư