Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là gì? Nghĩa vụ của người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:00 (GMT+7)

Các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, nghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là hành vi tương đối phổ biến đối của cả người lao động và người sử dụng lao động. Vậy đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là gì? Hậu quả mà người lao động, người sử dụng lao động phải gánh chịu khi đơn phương chám dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là gì

I. Định nghĩa đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Theo Điều 39 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

“Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 35, 36 và 37 của Bộ luật này.”

Như vậy, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không đúng theo các trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không báo hoặc báo muộn quá thời hạn cho bên còn lại.

II. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

Theo Điều 40 Bộ luật lao động năm 2019, có 3 nghĩa vụ mà người lao động phải thực hiện khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật:

1. Không được trợ cấp thôi việc

Theo Điều 46 Bộ luật lao động năm 2019, trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương trong hầu hết các trường hợp chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật không được hưởng trợ cấp thôi việc do vi phạm các quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước

Do người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật cũng giống như người lao động tự ý nghỉ việc mà không có sự đồng ý của người sử dụng lao động. Công việc của người lao động không được thực hiện, có thể gây thiệt hại cho người sử dụng lao động. Vì vậy, người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền (nửa tháng tiền lương hoặc một khoản tiền tương ứng).

3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật lao động năm 2019

Đây là trường hợp hợp đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động là hợp đồng đào tạo. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo. Đây là các khoản chi phí lớn, và mục đích của người sử dụng lao động khi đào tạo cho người lao động là để người lao động làm việc cho mình. Vì vậy khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, mục đích đào tạo của người sử dụng lao động không hoàn thành, vì vậy người lao động phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.

III. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

Theo Điều 40 Bộ luật lao động năm 2019, người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có các nghĩa vụ sau:

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động

Người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động không cho người lao động thực hiện nghĩa vụ thực hiện công việc của mình dẫn đến ảnh hưởng đến các quyền lợi khác của người sử dụng lao động. Do đây là lỗi của người sử dụng lao động, nên người sử dụng lao động phải nhận lại người lao động vào làm việc như theo đúng hợp đồng, thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong thời gian việc thực hiện hợp đồng bị gián đoạn vì hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, đồng thời phải bồi thường cho người lao động (một khoản tiền bằng 02 tháng lương). Ngược lại, người lao động khi được nhận vào làm việc lại thì cũng phải hoàn trả cho người sử dụng lao động trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.

● Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động

Khi không còn vị trí công việc đã giao kết, hai bên phải thỏa thuận với nhau về việc thay đổi công việc. Có hai cách để ghi nhận thỏa thuận, người lao động và người sử dụng lao động có thể giao kết hợp đồng lao động mới hoặc thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung đơn giản và dễ dàng hơn.

● Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước

Khoản tiền được trả cho người lao động là khoản tiền bồi thường cho việc mất đi tiền lương vào những ngày không được làm việc do sự ngăn cản của người sử dụng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả ở phần 1, người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật lao động năm 2019 để chấm dứt hợp đồng lao động

Nếu người lao động chấp nhận quay lại làm việc thì phải hoàn trả cho người sử dụng lao động trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm. Tuy nhiên, nếu người lao động không chấp nhận quay lại làm việc, người sử dụng lao động vẫn phải trả cho người lao động trợ cấp thôi việc. Vì bản chất trợ cấp thôi việc dùng để hỗ trợ cho người bị cho thôi việc, mà người sử dụng lao động đã đơn phương cho người lao động thôi việc dù trái pháp luật, vì vậy người lao động vẫn được nhận trợ cấp thôi việc khi không đồng ý quay lại làm việc.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo phần 1 và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật lao động năm 2019, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động

Theo như vậy, người lao động trong trường hợp này được nhận:

- Lương và các khoản hiểm tương ứng trong thời gian nghỉ việc vì người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hoặc khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước; một khoản bồi thường cho khoảng thời gian bị cho thôi việc bằng 02 tháng lương hoặc tương ứng

- Trợ cấp thôi việc

- Khoản bồi thương theo thỏa thuận nhưng bằng ít nhất 02 tháng lương theo hợp đồng lao động.

Có thể nói người lao động trong trường hợp này được nhận 02 lần bồi thường.

Như vậy, Bộ luật lao động đã có các quy định tương đối rõ ràng về nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Các nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động lớn hơn và được quy định chi tiết hơn so với các nghĩa vụ của người lao động.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư