Hội đồng tiền lương quốc gia là gì?

Thứ ba, 20/06/2023, 11:05:24 (GMT+7)

Hội đồng tiền lương quốc gia được biết đến là cơ quan quan trọng khi xây dựng mức lương tối thiểu vùng và chính sách tiền lương của Chính phủ. Tuy nhiên, Hội đồng tiền lương quốc gia lại không được nhiều người lao động, người sử dụng lao động biết đến. Vậy, Hội đồng tiền lương quốc gia là gì? Chức năng, nhiệm vụ cũng như cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia như thế nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý 

- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;

- Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 (Bộ luật Lao động năm 2019).

Khái niệm tiền lương

Theo Khoản 1 Điều 90 Bộ luật lao động năm 2019:

Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Theo đó, tiền lương là tổng số tiền người lao động nhận được khi thực hiện công việc theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Số tiền này bao gồm 03 thành phần là mức lương theo công việc, chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, cụ thể:

a. Mức lương theo công việc và chức danh là số tiền lương cơ bản mà người lao động có thể nhận được khi tham gia vào quan hệ lao động, được thỏa thuận dựa trên năng lực, năng suất làm việc của người lao động và công việc, chức danh mà người lao động thực hiện. Ví dụ mức lương của người công nhân được quy định trong hợp đồng lao động, dựa trên công việc của người công nhân đó làm. Mức lương cho chức danh tổng giám đốc của công ty, được quy định rõ trong hợp đồng lao động. Mức lương dựa trên công việc và chức danh được tính dựa trên bảng lương, thang lương rõ ràng do người sử dụng lao động xây dựng hoặc nếu là lương khoán thì dựa trên sản phẩm hoặc lương khoán theo thời gian các bên đã thỏa thuận. (Theo Điểm a, Khoản 5, Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020).

b. Phụ cấp lương là khoản tiền bổ sung vào tiền lương cơ bản nhằm bù đắp các yếu tố không ổn định về điều kiện lao động mà khi xác định tiền lương cơ bản chưa tính được. Nói cách khác, phụ cấp lương được sinh ra không phải để hỗ trợ thêm cho người lao động mà để người lao động được hưởng những lợi ích đúng với những gì mình bỏ ra trong quá trình lao động, gắn liền với công việc của người lao động đó. Do vậy, phụ cấp lương không bao gồm thưởng, phụ cấp xăng xe, đi lại, tiền ăn giữa ca,... do đây là các khoản tiền hỗ trợ, ưu đãi thêm dành cho người lao động. Theo điều 10 Bộ luật lao động năm 2019, phụ cấp lương cũng được các bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các quy định khác của người sử dụng lao động.

c. Các khoản bổ sung khác: Các khoản bổ sung khác theo Điểm c Khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH bao gồm: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể, cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và các khoản bổ sung không được xác định mức tiền cụ thể cùng với mức lương trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung này nếu không xác định được mức tiền cụ thể và được trả thường xuyên thì không được tính vào lương để đóng bảo hiểm xã hội, tương tự như trợ cấp đi lại hay trợ cấp tiền ăn giữa các ca làm.

Như vậy, quy định của Bộ luật lao động năm 2019 về định nghĩa tiền lương không có nhiều thay đổi so với Bộ luật lao động năm 2012. Tuy nhiên, Bộ luật lao động năm 2019 không còn quy định “Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc” bởi trên thực tế, tiền lương được thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, người sử dụng lao động mới là người cân nhắc nên dựa vào yếu tố nào để trả tiền lương cho người lao động. Việc loại bỏ quy định này thể hiện Bộ luật lao động năm 2019 giảm thiểu sự áp đặt của nhà nước lên quan hệ lao động.

Khái niệm Hội đồng tiền lương quốc gia

Theo Khoản 1 Điều 92 Bộ luật lao động năm 2019:

1. Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu và chính sách tiền lương đối với người lao động.

Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương và chuyên gia độc lập.

anh-dai-dien

Chức năng của Hội đồng tiền lương quốc gia

Dựa trên quy định này, Hội đồng tiền lương quốc gia không phải là một cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước mà là một cơ quan có tư vấn cho Chính phủ, cơ quan này có chức năng:

- Tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ)

- Tư vấn cho Chính phủ về các chính sách tiền lương đối với người lao động theo quy định của Bộ luật lao động.

Đây là chức năng tham vấn và không lựa chọn, quyết định. Chính phủ sẽ xác định mức lương tối thiểu vùng và các chính sách tiền lương đối với người lao động dựa trên sự tự vấn của Hội đồng tiền lương, nên vai trò của Hội đồng tiền lương quốc gia chủ yếu nằm ở khả năng nghiên cứu, khảo sát các yếu tố khách quan phục vụ cho chức năng tư vấn của mình.

Nhiệm vụ của Hội đồng tiền lương quốc gia

Để thực hiện chức năng tư vấn của mình, Hội đồng tiền lương quốc gia có các nhiệm vụ:

- Nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ cung cầu lao động, việc làm, thất nghiệp trong nền kinh tế và các yếu tố liên quan khác làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu, đồng thời rà soát mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu làm cơ sở xác định phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu theo từng thời kỳ. Các số liệu được lấy từ các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về thống kê hoặc được các đại diện của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia độc lập cung cấp với sự kiểm chứng rõ ràng, minh bạch.

- Xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu của người lao động gắn với các yếu tố xác định mức lương tối thiểu dựa như mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp. Để xây dựng báo cáo này cũng cần phải có các số liệu được nghiên cứu từ trước, các thành viên dựa trên các nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin ban đầu, đánh giá các yếu tố một cách khách quan và chặt chẽ để xây dựng báo cáo tình hình mức lương tối thiểu của người lao động, giúp Chính phủ nắm được các vấn đề của người lao động, ảnh hưởng đến quyết định thay đổi mức lương tối thiểu vùng và chính sách tiền lương.

- Tổ chức thương lượng để khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (mức lương tối thiểu theo tháng và theo giờ) hàng năm, tổ chức tư vấn. Đồng thời tư vấn, khuyến nghị với chính phủ về chính sách tiền lương áp sụn chung đối với những người sử dụng lao động. Việc khuyến nghị cho Nhà nước được thực hiện sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia đã thực hiện hết các nhiệm vụ khác của mình, tạo ra kết quả là khuyến nghị dựa trên nghiên cứu, rà soát tình hình cũng như báo cáo thực tế của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia

anh-dai-dien

Theo Khoản 2 Điều 92 Bộ luật lao động năm 2019:

2. Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương và chuyên gia độc lập.

Hội đồng tiền lương quốc gia không có các thành viên cố định chỉ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng. Hội đồng được tập hợp các đại diện của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương, chuyên gia độc lập. Các chủ thể này đều là các chủ thể có trách nhiệm quản lý, giám sát các quan hệ lao động nói chung và các vấn đề quyền lợi của người lao động nói riêng hoặc có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho người lao động hay chuyên nghiên cứu về quyền lợi của người lao động. Hội đồng tiền lương quốc gia với sự tham gia của nhiều đại diện cơ quan, tổ chức có thể tạo nên sự khách quan trong hoạt động nghiên cứu, rà soát, đánh giá về mức lương tối thiểu cũng như mức lương tối thiểu vùng hay chính sách tiền lương.

Theo Điều 51 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, Hội đồng thành viên quốc gia có số lượng thành viên ổn định, tổng cộng là 17 thành viên, bao gồm:

- 05 đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong đó có Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia là 01 Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- 05 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó có 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- 05 thành viên đại diện của một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương, trong đó có 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ngoài ra, 03 thành viên còn lại là: 01 thành viên đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 02 thành viên là đại diện của hai hiệp hội ngành nghề ở trung ương có sử dụng nhiều lao động

-  02 thành viên là chuyên gia độc lập là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội (không bao gồm chuyên gia, nhà khoa học đang công tác tại cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương.

Như vậy trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia, các đại diện của cơ quan Nhà nước vẫn có các chức vụ và quyền hạn cao hơn so với các đại diện của người sử dụng lao động hoặc chuyên gia độc lập. Nguyên nhân do Hội đồng tiền lương quốc gia có chức năng tư vấn cho Chính phủ, phải có sự khách quan trong các khuyến nghị của mình, nên vị trí Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia phải do đại diện của cơ quan Nhà nước nắm giữ, tránh trường hợp tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các chuyên gia độc lập vụ lợi, khuyến nghị Chính phủ để có lợi cho mình mà không phải là lợi ích của người lao động.

Có thể nói, Hội đồng tiền lương quốc gia có chức năng, nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của người lao động cũng như người sử dụng lao động, vì vậy, cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia cũng phải được pháp luật về lao động quy định tương đối chặt chẽ, rõ ràng.

                                                                                             Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư