Hợp đồng lao động bị vô hiệu

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:48 (GMT+7)

Khi nào hợp đồng lao động bị vô hiệu, xử lý hợp đồng vô hiệu như thế nào

MỤC LỤC

MỤC LỤC

 Như chúng ta đã biết, hợp đồng lao động là văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà hợp đồng lao động có thể bị tuyên là vô hiệu. Vậy khi nào thì hợp đồng lao động được coi vô hiệu và pháp luật lao động có những quy định như thế nào khi hợp đồng lao động vô hiệu?  Bài viết dưới đây, Luật Hoàng Anh sẽ cung cấp tới bạn đọc thông tin về các trường hợp và hệ quả pháp lý khi  hợp đồng  lao động bị vô hiệu.

1. Các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu

1.1. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần.

Điều 130 bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “ Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch”.  Tương tự như giao dịch dân sự vô hiệu, hợp đồng lao động vô hiệu từng phần cũng được hiểu là hợp đồng có một phần nội dung hợp đồng trái quy định của pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng hoặc một phần nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật lao động, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì phần đó sẽ bị vô hiệu.

Ví dụ :  Trường hợp hợp đồng lao động có thoả thuận lao động nữ không được mang thai trong thời gian thực hiện họp đồng hoặc hợp đồng lao động có thoả thuận tiền lương của người lao động thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng nơi người lao động làm việc thì hợp đồng lao động được coi là vô hiệu từng phần, cụ thể là sẽ bị vô hiệu tại chính điều khoản đó (điều khoản cấm lao động nữ mang thai và điều khoản tiền lương). Các điều khoản khác vẫn có hiệu lực pháp luật.

1.2. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.

Về nguyên tắc, hợp đồng lao động bị coi là vô hiệu khi hợp đồng đó không tuân thủ các quy định của pháp luật, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể hoặc lợi ích chung của xã hội. Thông thường hợp đồng lao động bị coi là vô hiệu toàn bộ khi không đảm bảo điều kiện về chủ thể giao kết, nội dung giao kết hoặc phạm vào điều cấm của pháp luật. Theo khoản 1 Điều 49 Bộ luật lao động năm 2019, hợp đồng lao động bị coi là vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động là trái pháp luật: Toàn bộ nội dung hợp đồng lao động trái pháp luật được hiểu là toàn bộ các điều khoản trong hợp đồng lao động đều không đúng với quy định của pháp luật.

- Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vỉ phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động: Người giao kết không đúng thẩm quyền là người không có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động nhưng lại tiến hành kí kết các hợp đồng lao động. Ví dụ người không được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền nhưng lại tiến hành giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

- Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng là công việc bị pháp luật cấm: Công việc mà hai bên đã giao kết trong họp đồng là công việc bị pháp luật cấm được hiểu là những công việc pháp luật cấm thực hiện nhung các bên vẫn thoả thuận trong hợp đồng đó là công việc mà người lao động phải thực hiện. Chẳng hạn như những công việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán ma tuý; hay công việc không được phép sử dụng lao động chưa thành niên nhưng người lao động đó lại là lao động chưa thành niên...

2. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu và xử lí hợp đồng lao động vô hiệu.

2.1. Về thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Trước đây, có 02 cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là Tòa án nhân dân và Thanh tra Chính Phủ.

Tuy nhiên, khi Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016 thì thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thuộc về Tòa án nhân dân.

Người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu toà án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu khi có căn cứ theo quy định của pháp luật lao động. Sau khi thụ lí đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, toà án có trách nhiệm gửi thông báo thụ lí cho người có đơn yêu cầu, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động và viện kiểm sát cùng cấp. Thời hạn chuẩn bị xét xử tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là 10 ngày kể từ ngày toà án thụ lí đơn yêu cầu. Trong thời hạn này, nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu thì toà án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn, văn bản yêu cầu. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, toà án phải mở phiên họp để xét yêu cầu tuyên bố họp đồng lao động vô hiệu. Trường hợp chấp nhận yêu cầu thì thẩm phán ra quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thoả ước lao động tập thể vô hiệu. Trong quyết định này, toà án phải giải quyết hậu quả pháp lí của việc tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu phải gửi đến người có đơn hoặc văn bản yêu cầu, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động và cơ quan quản lí nhà nước về lao động nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính, cơ quan quản lí nhà nước về lao động cùng cấp trong trường hợp có liên quan đến doanh nghiệp không có trụ sở chính tại Việt Nam ( theo Điều 401,402 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

2.2. Về xử lí hợp đồng lao động vô hiệu.

  • Đối với hợp đồng vô hiệu từng phần:

Về nguyên tắc, chỉ những điều khoản nào trong hợp đồng lao động bị tuyên vô hiệu mới không có hiệu lực pháp luật, còn các điều khoản khác vẫn có giá trị pháp lí.

Đối với điều khoản bị tuyên vô hiệu thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thoả ước lao động tập thể đang áp dụng, trường hợp không có thoả ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn, trong hợp đồng lao động có thoả thuận tiền lương là 4 triệu đồng/tháng nhưng trong thoả ước lao động tập thể đang áp dụng của doanh nghiệp quy định mức lương tối thiểu là 5 triệu đồng/tháng thì tiền lương của người sẽ được tính là 5 triệu đồng/tháng.

 Trường hợp hai bên không thống nhất sửa đổi, bổ sung các nội dung đã bị tuyên bố vô hiệu thì sẽ  chấm dứt thực hiện hợp đồng lao động, quyền và nghĩa vụ, lợi ích của người lao động từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được giải quyết theo thoả ước lao động tập thể đang áp dụng, trường hợp không có thoả ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

  • Đối với hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ:

Theo nguyên tắc chung trong pháp luật dân sự, hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập, tức là hợp đồng đó sẽ bị huỷ bỏ và các bên sẽ phải hoàn trả, khôi phục lại cho nhau như tình trạng ban đầu. Trường hợp không trả được bằng hiện vật thì thanh toán bằng tiền ( theo Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015). Tuy nhiên, trong lĩnh vực lao động, việc làm đối với người lao động là vấn đề hết sức quan trọng. Bởi khi  người lao động có việc làm mới đảm bảo đời sống cho người lao động và gia đình của họ. Hơn nữa, sức lao động mà người lao động bỏ ra thì không thể khôi phục lại như trước nên việc xử lí hợp đồng lao động vô hiệu cần có những quy định riêng.

Nhìn chung pháp luật các nước đều hướng tới vấn đề bảo vệ việc làm cho người lao động nên không phải trường hợp vô hiệu toàn bộ nào cũng sẽ bị huỷ bỏ. Thông thường hợp đồng đó chỉ bị huỷ bỏ trong những trường hợp không thể khắc phục hay sửa chữa được. Còn đối với những trường hợp có thể khắc phục được, pháp luật thường cho phép các bên giao kết lại hợp đồng lao động. Bởi vậy, khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu thì quyền nghĩa vụ, lợi ích của NLĐ được giải quyết theo quy định của pháp luật, trường hợp do kí sai thẩm quyền thì hai bên kí lại.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư