2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, giúp việc gia đình là công việc xuất hiện từ rất sớm và phát triển nhanh chóng trong những thập kỉ gần đây. Do sự phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời do yêu cầu chuyên môn hoá công việc ngày càng cao, nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế nhưng bận rộn với công việc xã hội nên ít có thời gian để làm các công việc gia đình. Bởi vậy, nhu cầu sử dụng lao động giúp việc gia đình gia tăng mạnh ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Vậy hợp đồng với người giúp việc trong gia đình được quy định như thế nào trong pháp luật về lao động? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
- Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 ( Bộ luật lao động 2019)
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Theo Khoản 1 Điều 161 Bộ luật lao động năm 2019, người lao động là người giúp việc trong gia đình được định nghĩa như sau:
“1. Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.”
Định nghĩa này đã đưa ra cách hiểu chung thống nhất về lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam, là người có đủ năng lực pháp luật lao động và năng lực hành vi lao động, thiết lập quan hệ lao động với một hoặc nhiều hộ gia đình để làm thường xuyên, liên tục các công việc gia đình như nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ... Đồng thời định nghĩa còn khẳng định các công việc trong hộ gia đình nhưng liên quan đến hoạt động thương mại thì không phải công việc giúp việc gia đình. Trường hợp người làm công việc giúp việc gia đình theo hình thức khoán việc thì không thuộc đối tượng áp dụng quan hệ lao động theo quy định của Bộ luật Lao động mà áp dụng theo quy định của pháp luật khác.
Hợp đồng lao động là hình thức pháp lí chủ yếu xác lập mối quan hệ lao động giữa lao động giúp việc gia đình và người sử dụng lao động. Do đặc điểm của lao động giúp việc gia đình nên pháp luật không áp dụng hợp đồng lao động thông thưởng như đối với lao động khác mà quy định riêng hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình nhằm tạo khung pháp lí bảo đảm quyền lợi cho loại lao động này.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có văn bản pháp lí nào đưa ra định nghĩa về hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình. Vì thể, có thể hiểu và đưa ra khái niệm này trên cơ sở khái niệm hợp đồng lao động nói chung và các quy định về hợp đồng lao động để với lao động giúp việc gia đình nói riêng. Theo đó, hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình là văn bản thoả thuận giữa lao động giúp việc gia đình với người sử dụng lao động trong một hộ hoặc nhiều hộ gia đình về công việc giúp việc gia đình, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
- Thứ nhất, hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình có đối tượng là chuỗi các công việc trong gia đình. Cũng giống đối tượng của hợp đồng lao động nói chung, công việc giúp việc gia đình phải hợp pháp. Tuy nhiên, khác với đối tượng của hợp đồng lao động thông thường, hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình có đối tượng là một chuỗi công việc khác nhau được thực hiện thường xuyên, liên tục và trong phạm vi hộ gia đình, nhằm phục vụ sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình. Những công việc theo dịp, không mang tính chất thường xuyên thì không phải công việc trong hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình.
- Thứ hai, hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình được thoả thuận trên cơ sở quy định của pháp luật lao động. Do lao động giúp việc gia đình cũng như những người lao động khác nên các nội dung trong hợp đồng lao động phải được thoả thuận trên cơ sở quy định của pháp luật lao động. Theo đó, hợp đồng lao động được thoả thuận trong khung quy định: tối thiểu về quyền lợi, tối đa về nghĩa vụ và khuyến khích những thoả thuận có lợi hơn về quyền lợi so với quy định của pháp luật.
- Thứ ba, hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình do lao động giúp việc gia đình trực tiếp thực hiện liên tục trong khoảng thời gian xác định hoặc không xác định thời hạn. hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình do chính người lao động bằng hành vi lao động của mình, trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ lao động và không được chuyển giao nghĩa vụ lao động của mình cho người khác nếu không được người sử dụng lao động đồng ý.
- Hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động là người giúp việc của gia đình phải được giao kết bằng văn bản (Theo Khoản 1 Điều 162 Bộ luật lao động năm 2019 và Điểm a Khoản 1 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ). Trong đó mỗi bên giữ 01 bản để làm chứng cứ nếu có tranh chấp lao động xảy ra.
- Người lao động và người sử dụng lao động có nghĩa vụ trung thực cung cấp thông tin cho nhau, đây là nghĩa vụ cơ bản của các bên khi thiết lập hợp đồng lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động trong trường hợp này có trách nhiệm tương đối cao khi phải phạm vi công việc phải làm, điều kiện ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động và những thông tin cần thiết khác liên quan đến việc bảo đảm an toàn sức khỏe trong việc thực hiện công việc mà người lao động yêu cầu do tính chất đặc biệt của công việc mà người giúp việc tại gia đình phải thực hiện. (Theo Điểm b Khoản 1 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ)
- Các nội dung của hợp đồng lao động giữa người lao động là người giúp việc trong gia đình và người sử dụng lao động đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật lao động về nội dung hợp đồng lao động. Đồng thời, nội dung của hợp đồng này phải được thực hiện theo mẫu số 01/PLV Phụ lục V của Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.
Theo Khoản 1 Điều 162 Bộ luật lao động, hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động là người giúp việc của gia đình phải được giao kết bằng văn bản.
Có 03 phương thức xác lập hợp đồng là bằng văn bản, bằng lời nói và bằng thông điệp điện tử. Tuy nhiên, do người lao động là người giúp việc phải thực hiện nhiều công việc khác nhau trong thời gian linh hoạt tại nơi làm việc chủ yếu là hộ gia đình, nên người sử dụng lao động có thể lợi dụng việc xác lập hợp đồng bằng lời nói để bóc lột, cưỡng bức lao động hay quấy rối người lao động. Đồng thời, việc xác lập hợp đồng qua thông điệp điện tử còn mới, những người thực hiện công việc giúp việc tại gia đình có thể chưa nắm vững về công nghệ thông tin để đảm bảo việc xác lập hợp đồng hiệu quả
a. Tiền lương, thưởng cho người lao động:
Người lao động và người sử dụng lao động thực hiện thỏa thuận về tiền lương, thưởng theo quy định về tiền lương, thưởng của pháp luật về lao động, đặc biệt là Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019. Trong đó tiền lương bao gồm: Tiền lương theo công việc, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mà mức lương theo công việc bao gồm cả tiền ăn, ở của người lao động do người giúp việc trong gia đình có thể phải ăn, ở lại nhà của người sử dụng lao động để tiện thực hiện các công việc của mình. Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận mức chi phí ăn ở của người lao động, nhưng không quá 50% mức lương của người lao động, mức lương của người lao động là người giúp việc trong gia đình cũng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Ngoài khoản tiền lương đó ra, người sử dụng lao động còn phải trả cho người lao động một khoản tiền bằng với khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ứng với tiền lương mà người lao động nhận được, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
b. Thời giờ làm việc và nghỉ ngơi của người lao động:
Thời giờ làm việc và nghỉ ngơi của người lao động được người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải đảm bảo cho người lao động nghỉ ít nhất 08 giờ 01 ngày trong đó có 06 giờ liên tục trong 24 giờ, đồng thời cũng phải được nghỉ hằng tuần (nếu không nghỉ được 01 ngày trong tuần thì người lao động phải được nghỉ ít nhất 04 ngày 01 tháng).
c. An toàn, vệ sinh lao động:
Do người lao động làm việc tại nhà của hộ gia đình, nên người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động thông qua việc hướng dẫn người lao động sử dụng các thiết bị, dụng cụ, biện pháp phòng chống cháy nổ,… Đồng thời, người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm khi người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Ngược lại người lao động phải thực hiện đúng theo các chỉ dẫn của người sử dụng lao động, vì nơi làm việc không chỉ là môi trường làm việc của người lao động, đây còn là nơi hộ gia đình sinh sống bao gồm người già và trẻ em.
Người lao động và người sử dụng lao động trong trường hợp này được thực hiện chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động từ 01 trong 02 phía, hai bên cần chú ý về lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng như hậu quả pháp lý khi đơn phương chấm dứt hợp đồng quy định trong Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.
Việc thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa người lao động là người giúp việc trong gia đình và người sử dụng lao động được thực hiện tương tự như các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khác. Tuy nhiên, do đây là 01 ngành lao động đặc biệt nên có một số sự khác biệt:
Thời giao thông báo cho bên còn lại khi đơn phương chấm dứt hợp đồng: Theo Điểm d Khoản 1 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo cho bên còn lại trước ít nhất 15 ngày, trừ một số trường hợp không cần báo trước:
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần thông báo cho các lý do sau:
- Không bố trí đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng do gặp vấn đề khách quan, bất khả kháng.
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp bất khả kháng, người sử dụng lao động đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể trả lương đúng hạn.
- Người lao động bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động
- Người lao động bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc
- Người lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở y tế khám chữa bệnh có thẩm quyền
- Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng hoặc ký kết hợp đồng cho người lao động cao tuổi
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực, trong đó có các thông tin quan trọng về điều kiện ăn, ở của người lao động tại nơi làm việc là hộ gia đình, các điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cần có của người lao động.
Đây hầu hết là các trường hợp người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng được quy định tại Điểm d1 Khoản 1 Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ đều giống với quy định vè quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động tại Điều 35 Bộ luật lao động số số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019. Tuy nhiên, riêng vấn đề thông tin cung cấp cho người lao động được bổ sung nên phạm vi cung cấp thông tin của người sử dụng lao động được mở rộng. Nếu người lao động không cung cấp đủ thông tin thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không báo trước.
Người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần thông báo cho các lý do sau:
- Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng
- Người lao động tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng kể từ 05 ngày liên tục trở lên
Đơn phương chấm dứt hợp đồng giữa người lao động là người giúp việc trong gia đình và người sử dụng lao động trở thành đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật cũng tương tự các trường hợp khác được quy định trong Bộ luật lao động năm 2019. Tuy nhiên, đối với thời hạn thông báo và đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần báo với bên còn lại thì phải trái với các quy định trên thì mới được coi là trái pháp luật. Ngoài ra, trường hợp người lao động vi phạm thời hạn thông báo thì phải trả cho người lao động 01 khoản tiền lương tương ứng với tiền lương theo hợp đồng trong những ngày không báo trước.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh