Hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:03 (GMT+7)

Bài viết giải thích về hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động

Theo Điều 7 Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/05/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cần chú ý 02 vấn đề sau khi hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động:

1. Căn cứ hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động

Theo Điều 7 Thông tư số 7/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/05/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người sử dụng lao động căn cứ vào kết quả đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động để thực hiện hướng dẫn cho người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động.

Hoạt động đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động về cơ bản có các kết quả: Xác định được các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và các biện pháp giảm thiểu các nguy cơ rủi ro đó. Dựa vào các kết quả này, người sử dụng lao động tổ chức giúp người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Nội dung hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động

Theo Điều 7 Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/05/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động gồm 03 nội dung sau:

2.1. Nhận biết các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc

Các yếu tố nguy hiểm là yếu tố gây mất an toàn, làm tổn thương hoặc gây tử vong cho người lao động trong quá trình làm việc. Các yếu tố có hại là các yếu tố gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe của con người trong quá trình lao động (Theo Khoản 4, Khoản 5 Điều 3 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015).

Người sử dụng lao động tự tổ chức nhận biết các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc thông qua các hoạt động đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, hay các hoạt động đánh giá các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Trong đó có hoạt động khảo sát người lao động, tuy nhiên bản thân người lao động nếu không có sự hướng dẫn của người sử dụng lao động cũng không thể biết thế nào là yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và làm thế nào để xác định chúng.

Nhưng khác với người sử dụng lao động, người lao động lại là chủ thể có tiếp xúc với điều kiện lao động, cũng như trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, nên việc nhận biết các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại thường không cần phải sử dụng các thiết bị kiểm định, kiểm tra mà có thể bằng cảm quan. Vì vậy hướng dẫn người lao động tự nhận diện các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại vừa giúp người sử dụng lao động thực hiện một số công tác quản lý như giám sát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa giúp người lao động tự bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ này.

2.2. Áp dụng các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc

Sau khi có kết quả của hoạt động giám sát, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, hoặc hoạt động giám sát nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động có các biện pháp để phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động. Các biện pháp này phải được xây dựng theo đúng quy trình mà pháp luật quy định, được tham mưu bởi người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, an toàn, vệ sinh lao động cũng như phải nhận được ý kiến của đại diện Ban chấp hành an toàn, vệ sinh lao động để được đưa vào kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động phải phân công các bộ phận hướng dẫn người lao động áp dụng các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và giám sát việc thực hiện của người lao động, và báo cáo kết quả thực hiện sau thời gian áp dụng biện pháp.

2.3. Phát hiện và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm về nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người lao động có quyền kiến nghị, báo cáo về người sử dụng lao động khi phát hiện có nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn người lao động thực hiện chính các quyền này, để người lao động biết đây vừa là trách nhiệm, vừa là quyền của người lao động nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở, đồng thời giúp người lao động biết được các chủ thể mà mình có thể báo cáo (như người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế) cũng như cách thức báo cáo phù hợp.

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư