2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Thỏa ước lao động tập thể là một khái niệm không mới đối với người lao động và người sử dụng lao động. Nhưng không nhiều người thật sự biết thỏa ước lao động tập thể là gì, pháp luật lao động định nghĩa thỏa ước lao động tập thể như thế nào. Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về khái niệm lao động tập thể theo Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019.
Theo Khoản 1 Điều 45 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.”
Khái niệm này có một chút khác biệt so với khái niệm về thỏa ước lao động tập thể của Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/06/2012 (Điều 73):
“Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà cả hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể”
Về cơ bản, hai khái niệm này có vẻ tương đối giống nhau, nhưng khái niệm của Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 chỉ ra rằng thỏa ước lao động tập thể không phải là một văn bản, mà là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể, và được ký kết bằng văn bản. Đồng thời, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 không chỉ ra thỏa thuận này giữa chủ thể nào với chủ thể nào, vì trên thực tế đây chỉ có thể là thỏa thuận giữa những chủ thể có quyền tham gia thương lượng tập thể, bao gồm cả tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, người lao động, người sử dụng lao động.
Dựa vào khái niệm về thỏa ước lao động tập thể của Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, có thể nhận thấy các đặc điểm sau của thỏa ước lao động tập thể:
● Chủ thể xác lập: Các chủ thể tham gia thương lượng tập thể (có thể là tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, người lao động, người sử dụng lao động).
● Thỏa thuận dưới dạng văn bản: Thỏa ước lao động là thỏa thuận đạt được từ quá trình thương lượng tập thể, được ghi nhận dưới dạng văn bản. Nếu không được ghi nhận bằng văn bản, không có gì để chứng minh thỏa thuận đạt được giữa các bên là thỏa ước lao động tập thể.
● Đạt được thông qua thương lượng tập thể: Thỏa ước lao động là kết quả của hoạt động thương lượng tập thể, khi các bên đã đồng thuận và nhất trí đối với một thỏa thuận mà các bên có thiện chí thực hiện.
Tuy nhiên, nếu dựa trên tính chất, thỏa ước lao động có các đặc điểm sau:
● Tính hợp đồng
Thỏa ước lao động là thỏa thuận giữa các chủ thể tham gia thương lượng tập thể, hay nói cách khác. Để đạt được thỏa thuận này, các bên tham gia phải thực hiện đàm phán, thỏa thuận theo đúng các nguyên tắc tự nguyện, hợp tác, thiện chí, bình đẳng, công khai và minh bạch. Trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất là nguyên tắc tự nguyện. Sự thỏa thuận được xác lập bằng văn bản qua ý chí tự nguyện của các bên.
● Tính quy phạm
Thỏa ước lao động tập thể mang tính quy phạm. Thỏa ước lao động có nội dung, thủ tục thương lượng tập thể, đồng thời có hiệu lực thi hành như một văn bản quy phạm pháp luật.
- Đối với nội dung của thỏa ước lao động: Các nội dung có tính chất bắt buộc thực hiện đối với các bên tham gia thỏa thuận và ký kết, thậm chí nội dung có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng như trong doanh nghiệp, trong ngành. Mặt khác, thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận giao kết giữa nhiều người đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động, nên khi một người lao động không đồng ý với thỏa ước lao động tập thể thì vẫn phải thực hiện theo thỏa ước, vì trên thực tế người này đã ủy quyền cho tổ chức đại diện hoặc người đại diện của tổ chức đại diện ký kết thỏa ước rồi. Ngoài ra, người lao động ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng tham gia thỏa ước lao động tập thể sau khi ký kết thỏa ước thì vẫn phải thực hiện các nội dung của thỏa ước đó.
- Đối với trình tự ký kết thỏa ước lao động tập thể: Thỏa ước lao động tập thể được xác lập sau khi thương lượng tập thể thành công, ở đây thương lượng tập thể cũng có các quy trình tổ chức riêng, các nguyên tắc riêng mà pháp luật quy định, các bên đều phải tuân theo mà không được phép làm trái. Sau khi xác lập thỏa thuận thành công thì thỏa ước này cũng phải được gửi tới và chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trong khi đối với các hợp đồng bằng văn bản chỉ cần lập thành số bản tương ứng với số người giao kết và mỗi bên giữ một bản.
● Tính tập thể
Thỏa ước lao động tập thể có giá trị đối với cả một cộng đồng, không chỉ với một người lao động với một người sử dụng lao động. Cũng vì vậy, trước khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết thì đã phải lấy ý kiến của người lao động, người được lấy ý kiến, đạt đủ trên số 50% tán thành. 50% đó là một tập thể, và những người không ủng hộ thỏa ước nhưng thỏa ước vẫn đủ 50% người tán thành thì cũng vẫn phải tuân theo thỏa ước. Vì vậy, thỏa ước lao động này là thỏa ước lao động tập thể.
Như vậy, thỏa ước lao động tập thể đã có khái niệm mới so với Bộ luật lao động năm 2012, các đặc điểm cũng thể hiện tương đối rõ ràng về tính chất và bản chất của thỏa ước lao động tập thể.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh