2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Thỏa ước lao động tập thể được ký kết sau khi thương lượng tập thể thành công. Nhưng không phải thương lượng tập thể thành công thì có thể ký thỏa ước lao động tập thể ngay, do còn phải lấy ý kiến của các chủ thể quan trọng. Vậy việc lấy ý kiến được diễn ra như thế nào? Nếu lấy ý kiến thành công thì tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể ra sao? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
Theo Khoản 1, 2 Điều 76 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, trước khi ký kết thỏa ước lao động tập thể đều phải lấy ý kiến của một nhóm người, bao gồm có 03 trường hợp sau:
- Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp: Trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể phải được lấy ý kiến từ toàn bộ người lao động của doanh nghiệp. Nếu đạt trên 50% người lao động trong số đó biểu quyết tán thành thì các bên tiến hành chính thức ký kết.
- Thỏa ước lao động tập thể ngành: Trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể phải được lấy ý kiến từ toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng. Nếu đạt trên 50% người được lấy ý kiến trong số đó biểu quyết tán thành thì các bên tiến hành chính thức ký kết.
- Thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp: Trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể phải được lấy ý kiến từ toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng. Nếu đạt trên 50% người được lấy ý kiến trong số đó biểu quyết tán thành thì các bên tiến hành chính thức ký kết.
Trong 03 trường hợp này, trường hợp thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp giống nhau, vì cùng là thỏa ước lao động tập thể có phạm vi áp dụng lớn, không thể xin ý kiến của từng người lao động vì mất nhiều thời gian, công sức, và các vấn đề được thảo luận, đám phán ở cấp ngành và liên doanh nghiệp đều mang tầm vĩ mô nên có thể người lao động không hiểu và không có khả năng lựa chọn chính xác, tuy nhiên, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động lại là những người hiểu rất rõ về người lao động cũng như am hiểu pháp luật và chính sách của Nhà nước đối với người lao động, những người này sẽ có những sự lựa chọn và ý kiến đúng đắn đối với việc ký kết thỏa ước lao động. Tuy nhiên, đối với trường hợp thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp có phạm vi áp dụng hẹp hơn, các nội dung trong thỏa ước ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động tại cơ sở, vì vậy cần lấy ý kiến của toàn bộ người lao động tại doanh nghiệp.
Theo Khoản 3 Điều 76 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“3. Thời gian, địa điểm và cách thức lấy ý kiến biểu quyết đối với dự thảo thỏa ước lao động tập thể do tổ chức đại diện người lao động quyết định nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tham gia thương lượng. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động lấy ý kiến biểu quyết về dự thảo thỏa ước.”
Thời gian, địa điểm và cách thức lấy ý kiến do tổ chức đại diện người lao động quyết định và không có sự can thiệp của người sử dụng lao động, không được có bất kỳ hành vi ngăn cản hoặc gây khó khăn đối với việc lấy ý kiến. Đây là quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động khi tiến hành lấy ý kiến, nhằm đảm bảo quy chế dân chủ tại cơ sở. Tuy toàn quyền trong việc lựa chọn thời gian, địa điểm, cách thức lấy ý kiến, tổ chức đại diện người lao động cũng phải tuân theo nội dung, hình thức người lao động được tham gia ý kiến; nội dung, hình thức người lao động được quyết định tại Điều 44, 45 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính Phủ.
Theo Khoản 4 Điều 76 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“4. Thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.
Trường hợp thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp được tiến hành thông qua Hội đồng thương lượng tập thể thì được ký kết bởi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể và đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.”
Có 02 trường hợp chủ thể được ký kết thỏa ước lao động tập thể:
- Trong trường hợp thông thường, chủ thể ký kết là đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.
- Trong trường hợp thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp được tiến hành thông qua Hội đồng thương lượng tập thể thì chủ thể ký kết là Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể và đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.
Các chủ thể này đều là các chủ thể được được trao quyền từ tập thể người lao động, người sử dụng lao động hoặc thậm chí cả cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đây phải là những người uy tín và có khả năng chịu trách nhiệm với thỏa ước lao động tập thể cũng như với những người đã lựa chọn mình làm người đại diện.
Theo Khoản 5 Điều 76 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
- Mỗi bên và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ nhận được thỏa ước lao động tập thể đã ký kết
- Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp thì từng người sử dụng lao động và từng tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thỏa ước phải được nhận 01 bản.
Việc quản lý, lưu trữ thỏa ước lao động tập thể là hợp lý và cần thiết vì thỏa ước lao động tập thể là thỏa ước có phạm vi áp dụng rộng, dành cho nhiều người, cần phải được thể công khai, minh bạch. Đồng thời, khi các bên được nêu trên giữ thỏa ước lao động tập thể, không chỉ có người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan Nhà nước cũng có thể kiểm soát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể của các chủ thể.
Theo Khoản 6 Điều 76 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố cho người lao động biết về việc thỏa ước đã được ký và những nội dung trong thỏa ước. Đây là một trong những nghĩa vụ cần thiết để đảm bảo tính dân chủ tại cơ sở, đồng thời đảm bảo sự bình đẳng, công bằng, thiện chí, hợp tác, tự nguyện của thương lượng tập thể đến khi ký kết thỏa ước lao động tập thể mà người sử dụng lao động phải tuân theo.
Như vậy, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 quy định rất rõ ràng về lấy ý kiến và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Các quy định đều đảm bảo người lao động không bị mất đi quyền lợi và được hưởng quy chế dân chủ tại cơ sở, phù hợp với ý nghĩa xây dựng thỏa ước lao động tập thể hay hoạt động thương lượng tập thể.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh