Mức hưởng chế độ thai sản cho người lao động nữ khi nghỉ thai sản, nghỉ khám thai, nghỉ do sẩy thai, nạo phá thai như thế nào?

Thứ tư, 28/06/2023, 16:09:24 (GMT+7)

Bài viết này giải thích mức hưởng chế độ thai sản cho người lao động nữ khi nghỉ thai sản, nghỉ khám thai, nghỉ do sẩy thai, nạo phá thai

Người lao động nữ được nghỉ theo chế độ thai sản trong trường hợp nghỉ thai sản, nghỉ đi khám thai, nghỉ do bị sẩy thai, thai chết lưu, nạo, hút, phá thai, nghỉ vì chăm sóc con dưới 06 tháng tuổi (đối với người lao động nhận nuôi con dưới 06 tháng tuổi hoặc người lao động nhờ người khác mang thai hộ). Vậy, mức hưởng chế độ thai sản cho người lao động nữ khi nghỉ thai sản, nghỉ khám thai, nghỉ do sẩy thai, nạo phá thai như thế nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý

- Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014);

- Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 (Bộ luật Lao động năm 2019).

Khái niệm của chế độ bảo hiểm thai sản

Hiện nay, lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động của xã hội. Họ tham gia lao động trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực của đời sống và có đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bên cạnh cuộc sống lao động, họ còn thực hiện thiên chức làm mẹ. Hầu hết lao động nữ đều trải qua thời kỳ mang thai, sinh đẻ. Trong thời gian đó, họ phải nghỉ việc, không có lương, đồng thời chi phí tăng thêm do sức khỏe suy giảm và có thêm thành viên mới nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống bản thân họ và gia đình. Nhằm góp phần bảo vệ lao động nữ và trẻ sơ sinh, pháp luật quốc tế cũng như Việt Nam đều có các chính sách xã hội phù hợp, trong đó có chính sách về bảo hiểm thai sản, Cũng như các chính sách xã hội khác, bảo hiểm thai sản vừa tạo điều kiện để lao động nữ thực hiện tốt chức năng làm mẹ, vừa tạo điều kiện để lao động nữ thực hiện tốt công tác xã hội. Trong các quy định riêng về bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ, bảo hiểm thai sản được coi là chế độ bảo hiểm đặc thù và được xuất hiện từ rất sớm.

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, có thể hiểu chế độ bảo hiểm thai sản là một trong các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm tổng hợp các quy định của Nhà nước nhằm bảo hiểm thu nhập và đảm bảo sức khoẻ cho lao động nữ nói riêng khi mang thai, sinh con và cho người lao động nói chung khi nuôi con nuôi sơ sinh, thực hiện các biện pháp tránh thai. So với các chế độ bảo hiểm bắt buộc khác, đối tượng hưởng bảo hiểm thai sản ở nước ta chủ yếu là lao động nữ. Thông thường lao động nam chỉ hưởng chế độ thai sản khi nuôi con nuôi sơ sinh hoặc thực hiện các biện pháp tránh thai.

Ý nghĩa của chế độ bảo hiểm thai sản

- Đối với bản thân và gia đình người lao động, chế độ bảo hiểm thai sản là cơ sở để người lao động, đặc biệt là lao động nữ nghỉ việc mà vẫn được đảm bảo cuộc sống. Với thời gian nghỉ việc và khoản bù đắp thu nhập từ quỹ bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ sớm ổn định và phục hồi sức khoẻ; con sơ sinh được chăm sóc tốt hơn; kinh tế gia đình vì thế cũng được ổn định hơn. Hơn nữa, do được đảm bảo việc làm và thu nhập sau thời gian nghỉ thai sản sẽ giúp người lao động yên tâm thực hiện thiên chức của mình. Vì thế, bảo hiểm thai sản góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sự phát triển của mỗi gia đình, từ đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngoài ra, chế độ bảo hiểm thai sản tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng phí vào quỹ bảo hiểm xã hội cũng như đảm bảo việc làm cho người lao động sau thời gian nghỉ thai sản. Nếu các đơn vị sử dụng lao động thực hiện tốt các vấn đề này sẽ là yếu tố để thu hút lao động, kích thích sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Từ đó, cùng với nhà nước kết hợp hài hòa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

- Đối với nhà nước, chế độ bảo hiểm hai sản không chỉ có ý nghĩa trước mắt là đảm bảo ổn định thu nhập, việc làm, sức  khỏe cho người lao động khi thực hiện quyền được làm cha, làm mẹ góp phần đảm bảo bình đẳng giới và an sinh xã hội. Từ đó về mặt lâu dài là thúc đẩy sự phát triển bền vững về dân số, chất lượng lao động, thế hệ tương lai cho đất nước.

Điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ

Điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ là cơ sở pháp lý mà người lao động khi thai sản được nghỉ việc hưởng trợ cấp. Nếu không có đầy đủ các điều kiện này thì người lao động không được hưởng các chế độ thai sản. Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định Điều kiện hưởng chế độ thai sản gồm:

"1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội."

Vậy điều kiện chung để được hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ khi bị sảy thai, nạo hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý phải là người lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội, đã phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Thời gian nghỉ thai sản 

anh-dai-dien

Đối với lao động nữ tự mình mang thai

Theo Khoản 1 Điều 139 Bộ luật lao động năm 2019, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng, trong đó không quá 02 tháng nghỉ trước khi sinh. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con thì người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Ví dụ: Người lao động dự sinh con vào ngày 20/11/2021, thì được nghỉ trước tối đa ngày sinh là 02 tháng, thì người lao động nghỉ từ ngày 21/09/2021, sau đó người lao động nghỉ đến ngày 20/03/2021. Nếu người lao động sinh đôi, người lao động được nghỉ tổng 07 tháng trong đó là 06 tháng nghỉ thai sản thông thường và 01 tháng cộng thêm cho đứa con thứ 02.

Đối với người lao động động nữ mang thai hộ, nhờ mang thai hộ

Khoản 5 Điều 139 Bộ luật lao động năm 2019 và Khoản 1 Điều 35 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động nữ mang thai hộ được nghỉ thời gian như khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, và chế độ như người lao động nữ tự mang thai, nhưng không quá thời gian nghỉ của người lao động nữ trong trường hợp trên. Do bản chất người lao động nữ sinh hộ cũng là sinh con, thời gian đầu sau khi sinh người lao động nữ vẫn phải cho con bú sữa, và cũng phải trải qua quá trình sinh con nên tổn hại sức khỏe và cần thời gian hồi phục.

Khoản 5 Điều 139 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 và Khoản 2 Điều 35 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, người lao động nữ mang thai hộ chỉ nghỉ 06 tháng từ thời điểm nhận con, không được nghỉ trước thời điểm người lao động nữ mang thai hộ sinh con. Nguyên nhân do người lao động nữ nhờ mang thai hộ không mất thời gian và sức khỏe khi mang thai, nhưng sau khi nhận con, người lao động phải chăm sóc cho đứa trẻ trong giai đoạn đầu, nhất là 06 tháng tuổi đầu trẻ em phải được bú sữa và chăm sóc đặc biệt.

Đối với người lao động nữ nhận nuôi con dưới 06 tháng

Theo Điều 36 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mục đích của thời gian nghỉ của người nhận nuôi con dưới 06 tháng tuổi là để chăm sóc đứa bé, khi quá 06 tháng đứa trẻ có thể cai sữa và thì người lao động hoàn thành mục đích của thời gian nghỉ. Quy định này đảm bảo sự công bằng, không phân biệt con đẻ, con nuôi, thể hiện sự phù hợp và thống nhất với các pháp luật khác.

Thời gian nghỉ do khám thai của người lao động nữ

Mang thai là thời kỳ rất quan trọng và nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện chức năng làm mẹ của người phụ nữ. Khi có thai, người phụ nữ cần đến cơ sở y tế khám thai. Tại đây, các bác sỹ chuyên khoa theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như để phòng và điều trị kịp thời những bệnh lý có thể xảy ra trong quá trình thai nghén. Số lần khám thai được căn cứ vào quá trình phát triển của thai nhi. Khám thai đầy đủ, đúng định kỳ sẽ giúp người phụ nữ thực hiện chức năng làm mẹ an toàn. Theo Điều 32 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:

“1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.”

Để bảo vệ, chăm sóc lao động nữ khi có thai, cũng như khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới, pháp luật về bảo hiểm xã hội nước ta quy định trong thời gian có thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi kiểm thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Trong trường hợp người lao động có thai làm việc ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ việc hưởng trợ cấp 2 ngày cho mỗi lần khám thai, Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi đi khám thai tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần. Quy định thời gian nghỉ tính theo ngày làm việc góp phần hạn chế sự chuyển quyền của chủ sử dụng lao động, nhiều khi do yêu cầu công việc mà không đảm bảo

Thời gian nghỉ này là hợp lý vì người phụ nữ cần khám thai định kỳ để kiểm tra sức khỏe thai nhi cũng như sức khỏe của sản phụ, phát hiện ra các vấn đề liên quan đến thai nhi và sản phụ để kịp thời khắc phục và có biện pháp. Những ngày tái khám thai được ấn định bởi cơ sở y tế, vì thế đó có thể không phải là ngày nghỉ, nên người lao động nữ cần có thời gian nghỉ để đi khám thai.

Thời gian nghỉ do sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

Theo Điều 33 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, thời gian người lao động nghỉ do sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý được chỉ định bởi cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền, nhưng không được quá các khoảng thời gian sau:

- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi

- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi

- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi

- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên

Như vậy, thai càng nhiều tháng thì thời gian nghỉ của sản phụ càng dài. Do thai càng lớn và phát triển thì khi thai chết đột ngột hoặc bị đưa khỏi cơ thể sản phụ gây ảnh hưởng càng lớn đến cơ thể mẹ, có thể xảy ra nhiều biến chứng sau sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai.

Mức hưởng chế độ thai sản

Người lao động nữ hưởng chế độ thai sản theo tháng

Mức hưởng một tháng trong các trường hợp trên là bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Theo đó có công thức sau:

Tiền được hưởng trong thời gian nghỉ thai sản = Thời gian nghỉ thai sản x Bình quân tiền lương 06 tháng đóng bảo hiểm xã hội

Trong đó:

Bình quân tiền lương 06 tháng đóng bảo hiểm xã hội = (Tiền lương tháng 01 trước khi nghỉ thai sản +… + Tiền lương tháng 06 trước khi nghỉ thai sản) / 06

Ví dụ: Người lao động nữ có đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ có mức lương tháng bao gồm tiền lương theo công việc, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tháng 01, 02, 03 người lao động được hưởng 6.000.000 Việt Nam Đồng tiền lương. Tháng 04, 05, 06 người lao động được hưởng lương là 7.000.000 Việt Nam Đồng. Sang tháy 07 người lao động nghỉ thai sản. Người lao động nghỉ 06 tháng.

Suy ra:

Bình quân tiền lương 06 đóng bảo hiểm xã hội = [(6.000.000 x 03) + (7.000.000 x 03)] / 06 = 6.500.000 (Việt Nam Đồng)

Tiền được hưởng trong thời gian nghỉ thai sản = 06 x 6.500.000 = 39.000.000 (Việt Nam Đồng)

Mức hưởng một tháng trong trường hợp người lao động nữ khám thai, sẩy thai, nạo phá thai, sinh con (mang thai hộ, nhờ mang thai hộ), nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng là bình quân lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm.

Theo đó có công thức:

Tiền lương trong thời gian nghỉ = Thời gian nghỉ x Bình quân tiền lương các tháng đóng bảo hiểm xã hội

Ví dụ: Người lao động nữ mang thai hộ, nghỉ 06 tháng nhưng chỉ đóng bảo hiểm 03 tháng trước khi nghỉ. Tiền lương tháng 01 và 02 trước khi nghỉ là 6.000.000 Việt Nam Đồng. Tiền lương tháng 03 trước khi người lao động nghỉ là 5.000.000 Việt Nam Đồng.

Suy ra:

Bình quân lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm = (6.000.000 x 02 + 5.000.000) / 03 = 5.666.667 (Việt Nam Đồng)

Tiền lương trong thời gian nghỉ = 06 x 5.666.667 = 34.000.000 (Việt Nam Đồng)

Người lao động nữ hưởng chế độ thai sản theo ngày

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014:

b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày

Mức hưởng 01 ngày đối với người lao động khám thai, bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng được quy định tại phần 2.1 chia cho 24.

Ví dụ: Người lao động nữ nghỉ khám thai tổng cộng 05 ngày, trong 06 tháng trước khi bắt đầu nghỉ khám thai sản, người lao động có mức lương bình quân đóng bảo hiểm là 24.000.000 Việt Nam Đồng.

Suy ra:

Mức hưởng 01 tháng = mức lương bình quân đóng bảo hiểm = 24.000.000 (Việt Nam Đồng)

Số tiền người lao động được hưởng trong 01 ngày khám thai = 24.000.000/ 24 = 1.000.000 (Việt Nam Đồng)

Số tiền người lao động được hưởng trong tổng 05 ngày đi khám thai = 05 x 1.000.000 = 5.000.000 (Việt Nam Đồng)

Ngoài ra, theo Điểm c Khoản 1 Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014:

c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.”

Mức hưởng đối với ngày lẻ khi nghỉ người sinh con và nhận nuôi con dưới 06 tháng, hoặc trường hợp nghỉ sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu và phá thai bệnh lý thì mức hưởng 01 ngày bằng mức hưởng ở phần 2.1 chia cho 30.

Ví dụ: Người lao động bị sẩy thai 04 tuần tuổi, được nghỉ 10 ngày, mà trung bình 06 tháng đóng bảo hiểm trước khi nghỉ là 30.000.000 Việt Nam Đồng. Suy ra:

Mức hưởng 01 ngày khi nghỉ do bị sẩy thai = 30.000.000 / 30 = 1.000.000 (Việt Nam Đồng)

Mức hưởng 05 ngày nghỉ do sẩy thai = 05 x 1.000.000 = 5.000.000 (Việt Nam Đồng)

Như vậy, pháp luật quy định rất chi tiết về mức hưởng chế độ thai sản cho người lao động nữ đang trong các thời kỳ nghỉ thai sản, nghỉ do sẩy thai, nạo phá thai, khám thai và nuôi con dưới 06 tháng tuổi, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của pháp luật về vấn đề này.                                                                                                              

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư