Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người giúp việc trong gia đình như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:51 (GMT+7)

Bài viết này giải thích nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người giúp việc trong gia đình

Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người giúp việc trong gia đình như thế nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Theo Điều 163 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, người sử dụng lao động ngoài các nghĩa vụ thông thường đối với người lao động còn phải thực hiện 06 nghĩa vụ đối với người lao động là người giúp việc trong gia đình, đó là các nghĩa vụ sau:

1. Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động

Các thỏa thuận được giao kết trong hợp đồng gần tương tự với các thỏa thuận giao kết hợp đồng lao động khác với các điều khoản về nơi làm việc, điều kiện làm việc, tiền lương, thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, giải quyết tranh chấp lao động,... Tuy nhiên nội dung các điều khoản này có thể có sự khác biệt rất lớn so với hợp đồng lao động thông thường như nội dung về tiền lương, các khoản tiền tương đương với tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thời giờ làm việc mang tính đặc thù của công việc làm tại gia đình, các công việc cũng phải được quy định cụ thể hơn và có thể nhiều hơn về số lượng so với các công việc khác, các điều khoản về an toàn, vệ sinh lao động gắn liền với các yếu tố vật chất trong hộ gia đình, gia đình. Vì vậy khiến hoạt động thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động có sự khác biệt. Tuy nhiên, dù thỏa thuận có nhiều và dài thế nào, thì người sử dụng lao động vẫn phải thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng.

2. Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Người sử dụng lao động bình thường có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Tuy nhiên, trường hợp người lao động là người giúp việc trong gia đình, người sử dụng lao động không trực tiếp đóng bảo hiểm cho người lao động, mà thực hiện trả cho người lao động một khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

3. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình

Người lao động là người giúp việc trong gia đình chủ yếu là phụ nữ, những người này thực hiện các công việc gia đình như chăm sóc trẻ em, người bệnh, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Theo định kiến xã hội, những công việc này được cho là những công việc không được coi trọng. Người sử dụng lao động đối với bất kỳ người lao động nào cũng phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm, nhưng đặc biệt đối với người lao động là người giúp việc trong gia đình vì những người này làm việc không được coi trọng, trong môi trường gia đình và tiếp xúc chủ yếu với những người trong gia đình, cũng như là phụ nữ nên dễ bị bắt nạt, bóc lột, quấy rối tình dục,... Do vậy mà nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm mà người sử dụng lao động phải thực hiện còn phải được thực hiện một cách nghiêm túc nhất.

4. Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận

Người lao động là người giúp việc trong gia đình là người làm việc tại hộ gia đình, thời giờ làm việc gắn liền với sinh hoạt của gia đình. Người giúp việc có thể phải ở lại gia đình người sử dụng lao động vào ban đêm hoặc phải nghỉ trưa ở nhà gia đình người sử dụng lao động. Vì vậy, người sử dụng lao động phải bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc, để giúp người lao động thực hiện thật tốt công việc của mình cũng như đảm bảo người lao động được an toàn, mạnh khỏe khi giúp việc trong gia đình.

5. Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp

Người lao động làm công việc giúp việc trong gia đình thông thường không có nhiều kiến thức văn hóa, giáo dục nghề nghiệp do các công việc này chủ yếu là công việc thể chất không đòi hỏi nhiều chất xám. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, ngày nay giúp việc trong gia đình cũng là công việc có đòi hỏi kỹ năng, cũng như kiến thức trong các hoạt động giúp việc, như chăm sóc trẻ em thế nào để khoa học, phù hợp với trẻ em, các phục vụ nấu ăn trong gia đình như thế nào cho phù hợp,… Vì vậy, người sử dụng lao động muốn nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động phải tạo cơ hội cho người lao động được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.

6. Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn

Người lao động là người giúp việc trong gia đình ngoài thực hiện công việc tại gia đình người sử dụng lao động mà còn ăn, ngủ, nghỉ ở nhà của người sử dụng lao động để tiện cho công việc của mình. Nơi ở của người giúp việc trong gia đình có thể rất xa nơi thực hiện công việc. Vì vậy, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả tiền tàu xe đi đường cho người lao động, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn do trong trường hợp này quan hệ lao động giữa 02 bên đã chấm dứt.

Như vậy, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 có các quy định chi tiết về nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động là người giúp việc trong gia đình nhằm đảm bảo người lao động được hưởng các quyền lợi chính đáng.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư