Nghĩa vụ của người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động như thế nào? (Phần 2)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:56 (GMT+7)

Bài viết giải thích về 04 trong 07 nghĩa vụ của người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động

Theo Khoản 2 Điều 7 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người sử dụng lao động có 07 nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động, trong đó, 03 nghĩa vụ đã được giới thiệu tại Nghĩa vụ của người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động như thế nào? (Phần 1). Sau đây, Luật Hoàng Anh xin trình bày về 04 nghĩa vụ còn lại của người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động.

4. Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật

Người sử dụng lao động vốn có trách nhiệm giám sát, quản lý, điều hành người lao động tại nơi làm việc theo các quy định mà mình đã xây dựng và ban hành như nội quy lao động. Người lao động cũng có nghĩa vụ phải tuân thủ theo các quy định của người sử dụng lao động. Mà với trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và cho người lao động của mình, người sử dụng lao động phải xây dựng nội quy lao động với một trong các nội dung chính là bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (theo Điểm c Khoản 2 Điều 118 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019). Do đó, việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc là một phần trong trách nhiệm giám sát, điều hành, quản lý người lao động của người sử dụng lao động.

5. Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động

Để đảm bảo việc quản lý, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải sắp xếp, bố trí một bộ phận hoặc người chuyên làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, vì người sử dụng lao động không thể tự mình quản lý, giám sát hoàn toàn về cơ sở vật chất, ý thức thực hiện an toàn, vệ sinh lao động. Bộ phận, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động có các nhiệm vụ chính như sau:

- Tham mưu, giúp đỡ người sử dụng lao động xây dựng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động

- Quản lý, theo dõi, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc

Sau khi thành lập bộ phần, lựa chọn người chuyên thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn cụ thể cho các chủ thể này, tránh lạm dụng quyền hạn hoặc không thực hiện được đúng các nhiệm vụ cần thiết.

6. Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động

Đây là nghĩa vụ của người sử dụng lao động với cơ quan Nhà nước, nhằm giúp các cơ quan có thẩm quyền thực hiện quản lý đối với vấn đề an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động. Các hoạt động khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động cũng giúp người sử dụng lao động tự nhận thức được mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm nếu có sự mất an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng phải chấp nhận quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động sau khi đã thực hiện các hoạt động hợp tác thanh tra trên.

7. Lấy ý kiến Ban chấp hành Công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động

Đây có thể là một quy định sẽ bị sửa đổi trong tương lai của Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015 do hiện tại không chỉ có Công đoàn cơ sở mà còn có thể tồn tại nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người sử dụng lao động chỉ phải lấy ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Mà dựa trên Khoản 3 Điều 118 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng hoặc sửa đổi nội quy lao động. Do đó, nếu dựa theo Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, thì người sử dụng lao động không chỉ phải tham khảo ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở mà còn có thể phải tham khảo ý kiến của Ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khác.

Có thể nói, nghĩa vụ của người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động tương đối nhiều và rộng, vì người sử dụng lao động vốn chịu trách nhiệm chính trong đảm bảo an toàn của người lao động.

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư