Nguyên tắc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:59 (GMT+7)

Bài viết giải thích về nguyên tắc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Theo Điều 6 Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014, có 04 nguyên tắc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân:

1. Người sử dụng lao động phải tổ chức hướng dẫn người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện bảo vệ cá nhân thích hợp và phải kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng

Người sử dụng lao động có trách nhiệm lựa chọn phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp với môi trường lao động và các yếu tố nguy hiểm, có hại mà các phương tiện này đảm bảo phòng chống. Vì vậy, khi trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm hướng dẫn người lao động sử dụng thành thạo phương tiện bảo vệ cá nhân thông qua các hoạt động hướng dẫn, huấn luyện mà người sử dụng lao động tự tổ chức hoặc qua yêu cầu nhà sản xuất phương tiện bảo vệ cá nhân cử người đến nơi làm việc của người lao động để hướng dẫn người lao động sử dụng các phương tiện này.

Người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân của người lao động. Đảm bảo nếu người lao động chưa sử dụng thành thạo thì tiếp tục hướng dẫn, nếu không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân thì tiến hành nhắc nhở, nặng hơn có thể xử lý kỷ luật nếu trong nội quy lao động có quy định về vấn đề này.

2. Các phương tiện bảo vệ cá nhân chuyên dùng có yêu cầu kỹ thuật cao thì người sử dụng lao động (hoặc người được ủy quyền cấp phát) phải kiểm tra để bảo đảm chất lượng, quy cách trước khi cấp, đồng thời định kỳ kiểm tra trong quá trình sử dụng và ghi sổ theo dõi; không sử dụng các phương tiện không đạt yêu cầu kỹ thuật hoặc quá hạn sử dụng

Người sử dụng lao động không chỉ có trách nhiệm mua phương tiện bảo vệ cá nhân và đảm bảo chất lượng ban đầu của các phương tiện này cho người lao động mà còn phải đảm bảo chất lượng của chúng trong quá trình người lao động sử dụng. Đối với các phương tiện bảo vệ cá nhân thông thường thì người sử dụng lao động chỉ phải giám sát người lao động sử dụng, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân. Tuy nhiên đối với phương tiện bảo vệ cá nhân chuyên dùng cho yêu cầu kỹ thuật cao, người sử dụng lao động (hoặc người được ủy quyền cấp phát) phải tổ chức kiểm tra định kỳ trong quá trình sử dụng và ghi sổ theo dõi, do đây là các phương tiện bảo vệ cá nhân có các tiêu chuẩn cao về kỹ thuật, nếu không bảo trì thường xuyên thì mất đi chất lượng vốn có cũng như giá thành cao, khó mua lại nhiều lần.

Để đảm bảo phương tiện bảo vệ cá nhân phát huy tối đa khả năng bảo vệ an toàn, vệ sinh cho người lao động, người sử dụng lao động không được sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân không đạt tiêu chuẩn (trước và sau khi trang bị cho người lao động) hay hết hạn sử dụng.

3. Người được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân phải sử dụng phương tiện đó theo đúng quy định trong khi làm việc. Nếu người lao động vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật theo nội quy lao động của cơ sở mình hoặc theo quy định của pháp luật

Khi người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động thì người lao động cũng vậy. Người lao động có quyền được cung cấp các phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ để thực hiện công việc thì cũng phải tuân thủ các quy định của người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động nói chung và về phương tiện bảo vệ cá nhân nói riêng, cụ thể là sử dụng, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân đúng quy chuẩn, hướng dẫn của người sử dụng lao động. Nếu người lao động không tuân thủ, vi phạm thì người sử dụng lao động có quyền căn cứ vào nội quy lao động do mình ban hành hoặc quy định của pháp luật để xử lý kỷ luật người lao động. Các vi phạm chủ yếu như:

- Không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân mà người sử dụng lao động cung cấp

- Phá hoại, làm hỏng phương tiện bảo vệ cá nhân

- Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân sai quy chuẩn, hướng dẫn của người sử dụng lao động dẫn đến thiệt hại về người và tài sản

4. Người lao động không phải trả tiền về việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị lại cho người lao động phương tiện bảo vệ cá nhân khi bị mất, hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng. Trường hợp bị mất, hư hỏng mà không có lý do chính đáng thì người lao động phải bồi thường theo quy định của nội quy lao động cơ sở. Khi hết thời hạn sử dụng hoặc khi chuyển làm công việc khác thì người lao động phải trả lại những phương tiện bảo vệ cá nhân nếu người sử dụng lao động yêu cầu nhưng phải ký bàn giao

Đây là trách nhiệm chi trả chi phí liên quan đến phương tiện bảo vệ cá nhân. Về cơ bản, người sử dụng lao động có nghĩa vụ cung cấp cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân trong trường hợp cần thiết, vì thế người sử dụng lao động không được đòi hỏi người lao động về bất kỳ chi phí nào liên quan đến phương tiện bảo vệ cá nhân. Thậm chí, khi phương tiện bảo vệ cá nhân bị mất, hỏng, hết hạn sử dụng, người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm trang cấp lại cho người lao động và không thu bất kỳ khoản tiền nào của người lao động.

Tuy nhiên các phương tiện bảo vệ cá nhân này là của người sử dụng lao động (do người sử dụng lao động mua, bảo hành, kiểm tra định kỳ…) nên nếu người lao động làm hỏng, mất mà không có lý do chính đáng, tức người lao động có lỗi trực tiếp khiến phương tiện bảo vệ cá nhân bị hỏng, mất, thì người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động.

Cũng bởi vì phương tiện bảo vệ cá nhân là tài sản của người sử dụng lao động, nên khi phương tiện bảo vệ cá nhân hết hạn sử dụng (về nguyên tắc không thể sử dụng được nữa) hoặc chuyển sang làm công việc khác thì phải trả lại phương tiện bảo vệ cá nhân mà người sử dụng lao động đã cung cấp cho mình và ký bàn giao nếu người sử dụng lao động yêu cầu.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư