2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Người lao động và người sử dụng lao động đều rất quen thuộc với hoạt động trả lương của người sử dụng lao động. Nhưng không phải ai cũng biết việc trả lương cũng phải thực hiện dựa trên các nguyên tắc mà pháp luật về lao động quy định. Vậy nguyên tắc trả lương cho người lao động là gì? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
Nguyên tắc trả lương là nguyên tắc chỉ dành cho người sử dụng lao động trong hoạt động trả lương cho người lao động. Trả lương cho người lao động là nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, được quy định rõ trong hợp đồng lao động, các thỏa ước lao động tập thể và pháp luật về lao động. Trong hoạt động trả lương, nếu không có nguyên tắc trả lương cụ thể, người sử dụng lao động có thể lách luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người lao động. Vì vậy, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 có quy định về 02 nguyên tắc trả lương tại Điều 94.
1. Nguyên tắc thứ nhất: trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn
Theo Khoản 1 Điều 94 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.”
Nguyên tắc này quy định các quyền, những điều mà người sử dụng lao động phải thực hiện trong hoạt động trả lương cho người lao động. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng lao động cũng như các quy định của pháp luật. Trả lương trực tiếp ở đây là trả lương trực tiếp cho người lao động, không thông qua người thứ ba, trừ trường hợp có người lao động không thể trực tiếp nhận lương thì người sử dụng lao động phải trả lương cho người được người lao động ủy quyền. Người sử dụng lao động có trách nhiệm xác minh những người được cho là người được ủy quyền để nhận lương thật sự được người lao động ủy quyền (thông qua văn bản, mối quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền).
Nguyên tắc này có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động. Người sử dụng lao động phải thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình đối với người lao động trong quá trình trả lương, không chỉ đối với số tiền lương trả cho người lao động mà còn là cách thức trả lương, thời hạn trả lương để người lao động được nhận lương một cách đều đặn, liên tục, đủ để trang trải cho cuộc sống của mình.
2. Nguyên tắc thứ hai: không can thiệp vào lương của người lao động
Theo Khoản 2 Điều 94 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.”
Nguyên tắc này quy định những điều mà người sử dụng lao động tuyệt đối không được phép thực hiện trong hoạt động trả lương cho người lao động, đó là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tài sản của người lao động. Một khi người sử dụng lao động đã tiến hành trả lương cho người lao động, số tiền lương người lao động trở thành tài sản của người lao động, người lao động có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản của mình. Do vậy, người sử dụng lao động không được phép can thiệp vào việc chi tiêu tiền lương của người lao động trong bất kỳ trường hợp nào, bởi bất kỳ lý do gì.
Ngoài ra, hành vi ép buộc người lao động chi tiêu lưng vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người lao động chỉ định là hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Thứ nhất, người lao động không được hưởng toàn bộ tiền lương tương xứng với quá trình làm việc, lao động của mình do phải chi vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ cho người sử dụng lao động hoặc đơn vị khác do người sử dụng lao động chỉ định. Thứ hai, người lao động không có nhu cầu sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ trên nhưng vẫn bị ép sử dụng, điều này ảnh hưởng đến quyền tự do của người lao động. Do vậy, hành vi này bị nghiêm cấm khi người sử dụng lao động thực hiện trả lương cho người lao động.
Như vậy, các nguyên tắc trả lương được xây dựng trên cơ sở đảm bảo cho quyền và lợi ích của người lao động, hạn chế khả năng lách luật của người sử dụng, đồng thời thực hiện cũng khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động thực hiện các thỏa thuận về trả lương mà không vi phạm các nguyên tắc này và quy định của pháp luật lao động về hoạt động trả lương và tiền lương.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh