Nhiệm vụ của các thành viên trong Đoàn điều tra lao động như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:59 (GMT+7)

Bài viết giải thích về nhiệm vụ của các thành viên trong Đoàn điều tra lao động

Các thành viên khi tham gia vào Đoàn điều tra lao động đều có các nghĩa vụ nhất định. Đó là những nghĩa vụ nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

1. Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động

Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động là các chủ thể sau:

- Người sử dụng lao động đối với Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở

- Thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động thuộc cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh đối với Đoàn điều tra tai nạn cấp tỉnh

Theo Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, trưởng đoàn điều tra có các nhiệm vụ sau:

1.1 Quyết định tiến hành việc Điều tra ngay, kể cả trường hợp vắng một trong các thành viên Đoàn Điều tra

Sau khi có quyết định thành lập Đoàn điều tra của chủ thể có thẩm quyền ra quyết định thành lập Đoàn điều tra, Trưởng đoàn có trách nhiệm ra quyết định tiến hành việc điều tra. Quyết định này phải được tiến hành nhanh nhất có thể do thời hạn điều tra nhìn chung tương đối ngắn (với tai nạn làm người lao động bị thương nhẹ là 04 ngày, với tai nạn làm một người lao động bị thương nặng là 07 ngày, với tai nạn làm hai người lao động trở lên bị thương nặng là 20 ngày,…), do đó, kể cả khi một trong các thành viên được cử tham gia đoàn điều tra không có mặt thì Trưởng đoàn vẫn phải quyết định tiến hành điều tra.

1.2 Phân công cụ thể nhiệm vụ đối với từng thành viên trong Đoàn Điều tra

Các thành viên trong Đoàn điều tra chịu sự phân công của Trưởng đoàn trong công tác điều tra. Trưởng đoàn có trách nhiệm phân công nhiệm vụ phù hợp với từng thành viên, các thành viên có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực nào thì thực hiện điều tra về lĩnh vực đó: Các thành viên có khả năng tổ chức, giám sát theo chuyên môn, vị trí làm việc thì có nhiệm vụ đánh giá, giám sát; các thành viên có chuyên môn về an toàn, vệ sinh lao động thì tham gia công tác kiểm tra các yếu tố nguy hiểm, có hại có ảnh hưởng trong vụ tai nạn lao động; thành viên có chuyên môn về y tế đánh giá mức độ tai nạn, tác động của tai nạn lên người lao động;…

1.3 Tổ chức thảo luận về kết quả Điều tra vụ tai nạn lao động; quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với kết quả Điều tra tai nạn lao động

Sau khi tiến hành các hoạt động chuyên môn, Trưởng đoàn tổ chức một buổi họp thảo luận về kết quả Điều tra vụ tai nạn lao động. Tại đây những người tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động đánh giá các kết quả thu thập được từ các hoạt động trong quá trình điều tra, đưa ra kết luận. Cuối cùng, người sử dụng lao động đưa ra quyết định cuối cùng về tai nạn lao động (nguyên nhân, thiệt hại của người lao động, các yếu tố khách quan và chủ quan tác động). Đồng thời, trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm về quyết định này.

1.4. Tổ chức, chủ trì cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động

Biên bản điều tra tai nạn lao động ghi lại toàn bộ diễn biến công tác điều tra vụ tai nạn lao động, các chi tiết, các yếu tố mà các thành viên của Đoàn điều tra thu thập được cũng như các kết quả trong quá trình điều tra, tổng hợp lại cho ra kết quả cuối cùng, cũng như kết luận của Trưởng đoàn điều tra.

2. Các thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động

Theo Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, các thành viên còn lại của Đoàn điều tra lao động có các trách nhiệm sau:

2.1. Thực hiện nhiệm vụ do Trưởng đoàn phân công và tham gia vào hoạt động chung của Đoàn Điều tra

Như đã nêu trên, Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động có trách nhiệm phân công nhiệm vụ phù hợp cho các thành viên trong Đoàn, cũng phải đảm bảo các thành viên có điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy các thành viên cũng phải có nghĩa vụ thực hiện theo sự phân công của Trưởng đoàn. Nếu không đồng tình với sự phân công của Trưởng đoàn, thành viên trong Đoàn điều tra tai nạn lao động phải đề nghị, kiến nghị lên Trưởng đoàn xin thay đổi nhiệm vụ, không được tự ý bỏ thực hiện nhiệm vụ.

2.2. Có quyền nêu và bảo lưu ý kiến; trường hợp không thống nhất với quyết định của Trưởng đoàn Điều tra tai nạn lao động thì báo cáo lãnh đạo cơ quan cử tham gia Đoàn Điều tra

Trong quá trình hoạt động điều tra tai nạn lao động, không thể tránh khỏi có các ý kiến bất đồng giữa các thành viên, đặc biệt giữa các thành viên còn lại với Trưởng đoàn. Các ý kiến bất đồng này có thể về nhiệm vụ được phân công, công tác điều tra, kết quả điều tra,… Trong những trường hợp này, các thành viên có quyền nêu và bảo lưu ý kiến trước Trưởng đoàn. Tuy nhiên, nếu đến cuối cùng thành viên và Trưởng đoàn vẫn không thể thống nhất ý kiến, thành viên không đồng ý với quyết định của Trưởng đoàn thì thành viên này phải thực hiện báo cáo lãnh đạo cơ quan cử tham gia Đoàn điều tra (ví dụ: đại diện Sở Y tế báo cáo lên Giám đốc Sở Y tế).

2.3. Không được tiết lộ thông tin, tài liệu trong quá trình Điều tra khi chưa công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động

Quá trình điều tra tuy được thực hiện một cách minh bạch và khách quan nhưng không được công khai cho đến khi Biên bản điều tra được công khai, cũng nhằm đảm bảo không có bất kỳ chủ thể nào tác động chủ quan đến kết quả điều tra cũng như quá trình thảo luận, đánh giá của các thành viên trong Đoàn.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư