Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:05 (GMT+7)

Bài viết giải thích về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở

Theo Khoản 2 Điều 75 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, Hội đồng lao động cơ sở có 05 nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1. Tư vấn, phối hợp với người sử dụng lao động trong việc xây dựng nội quy, quy trình, kế hoạch và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh

Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng nội quy, quy trình, kế hoạch và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bản thân người sử dụng lao động không thể thực hiện toàn bộ các trách nhiệm này do yếu tố chuyên môn và thời gian làm việc, vì vậy cần đến sự giúp sức, tham mưu của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và người làm công tác y tế. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động bao gồm người đại diện người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, Ban chấp hành Công đoàn (có trách nhiệm quản lý an toàn, vệ sinh viên), tức là tập hợp tất cả các chủ thể có trách nhiệm giúp sức, tham mưu cho người sử dụng lao động thực hiện xây dựng và ban hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Điều đó có nghĩa là tại Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở, các chủ thể này có thể phối hợp với nhau cùng đưa ra các ý kiến thảo luận nhất quán, tránh tình trạng không thống nhất khiến người sử dụng lao động gặp khó khăn khi xây dựng các quy định an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động của mình.

2. Hằng năm, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc giữa người lao động, người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy cải thiện các điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động; nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh

Theo Điều 63 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Như vậy về lý thuyết thì Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động không có quyền hạn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động là đại diện người sử dụng lao động, và Phó Chủ tịch Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động là đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở. 02 chủ thể có thể đại diện cho người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở tiến hành tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Khi tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, các bên tiến hành chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy cải thiện các điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động; nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, đây cũng là một trong các nội dung mà các bên được lựa chọn khi tham gia đối thoại tại nơi làm việc.

3. Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh

Các chủ thể tham gia Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động chủ yếu là các chủ thể có trách nhiệm quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các chủ thể này, như người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, có nghĩa vụ phải tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất theo các đợt định kỳ (dựa trên kế hoạch của người sử dụng lao động) hoặc đột xuất. Vì vậy, để hoạt động này được thực hiện một cách nhất quán và có sự kết hợp của nhiều bộ phận khác nhau thông qua Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh phức tạp, khó quản lý.

4. Yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục nếu phát hiện thấy nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động

Người lao động, an toàn, vệ sinh viên, người thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế khi phát hiện ra nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động thì phải báo với người sử dụng lao động. Tuy nhiên không phải trường hợp nào người sử dụng lao động cũng nhanh chóng có biện pháp để khắc phục, xử lý các vấn đề này. Vì vậy, Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động, với trách nhiệm quản lý về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở phải yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục khi thấy người sử dụng lao động chưa có phản hồi, cũng như tình trạng cấp thiết cần sự chỉ đạo từ phía người sử dụng lao động một cách nhanh nhất.

Luật Hoàng Anh

 

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư