Nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đối với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:57 (GMT+7)

Bài viết này giải thích về nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đối với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động

Theo Điều 17 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ và Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ, có 06 nhóm đối tượng tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Đối với từng nhóm đối tượng khác nhau, thì nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cũng có sự khác biệt dựa trên mục đích huấn luyện của từng nhóm đối tượng. Trong đó nhóm 2 (người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động) cũng có các nội dung huấn luyện đặc biệt hơn so với các nhóm đối tượng khác. Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Nhóm người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở; người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Khác với nhóm 01, nhóm 02 bao gồm những người làm công tác chuyên môn cao về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Đây là những người chuyên trách, bán chuyên trách, thực hiện các công việc tham mưu, giúp người sử dụng lao động về các công tác an toàn, vệ sinh lao động, nên trình độ chuyên môn cũng như hiểu biết pháp luật của những người thuộc nhóm này phải được yêu cầu cao hơn so với nhóm 01. Theo Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, những nội dung huấn luyện cho người thuộc nhóm 02 bao gồm:

1. Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động

Tương tự như đối với nhóm 01, nội dung cơ bản trong huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động của nhóm 02 cũng là hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, do nhiệm vụ tham mưu cho người sử dụng lao động xây dựng chính sách, kế hoạch, phương án, quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở nên người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động phải có hiểu biết sâu sắc về an toàn, vệ sinh lao động, đủ khả năng để tham mưu cho người sử dụng lao động. Vì thế, đối với người thuộc nhóm này, nội dung kiến thức chung về pháp luật vô cùng quan trọng.

2. Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động

So sánh về nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn vệ sinh lao động vừa phải đáp ứng nghiệp vụ về quản lý, vừa phải đáp ứng nghiệp vụ mang tính chuyên môn:

- Tổ chức bộ máy, quản lý và thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở; xây dựng nội quy, quy chế, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh: Các nghiệp vụ này giống với các nghiệp vụ huấn luyện của chủ thể nhóm 01. Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động không phải thực hiện nhiệm vụ của người sử dụng lao động, nhưng lại có nhiệm vụ tham mưu cho người sử dụng lao động, nên vẫn cần hiểu biết về các nghiệp vụ quản lý.

- Kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động; xây dựng, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hằng năm; phân tích, đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; xây dựng hệ thống quản lý về an toàn, vệ sinh lao động; nghiệp vụ công tác tự kiểm tra; công tác Điều tra tai nạn lao động; những yêu cầu của công tác kiểm định, huấn luyện và quan trắc môi trường lao động; quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động: Đây là các kiến thức mang tính nghiệp vụ - chuyên môn về an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động phải được huấn luyện các kiến thức này kết hợp với kiến thức chuyên ngành mới có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trong vị trí làm việc của mình.

- Hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; sơ cấp cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, thống kê, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động: Đây là các hoạt động không mang tính chuyên môn về an toàn, vệ sinh lao động, cũng không mang tính chất quản lý chung, nhưng lại là các hoạt động giúp phát triển hiểu biết chung, tinh thần, ý thức thực hiện an toàn, vệ sinh lao động của các chủ thể tại nơi làm việc, đặc biệt là người lao động. Do nhiệm vụ của người công tác an toàn, vệ sinh lao động không chỉ là giúp người sử dụng lao động xây dựng hay thực hiện an toàn, vệ sinh lao động mà còn phát triển an toàn, vệ sinh lao động, nên phải được huấn luyện về nội dung này.

3. Nội dung huấn luyện chuyên ngành

Đây là các kiến thức đòi hỏi liên quan đến tính chuyên ngành, phục vụ trực tiếp cho hoạt động thực hiện nghiệp vụ của người công tác về an toàn, vệ sinh lao động, bao gồm: Kiến thức tổng hợp về máy, thiết bị, vật tư, chất phát sinh yếu tố nguy hiểm, có hại; quy trình làm việc an toàn với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Đây là các kiến thức kỹ thuật, có tính học thuật cao, không dễ huấn luyện và đào tạo, vì vậy chủ yếu người thuộc nhóm 02 khi được huấn luyện về các kiến thức chuyên ngành này thì cũng phải có hiểu biết nhất định về kỹ thuật, quy trình kỹ thuật chung tại nơi làm việc.

Trên đây là nội dung huấn luyện cho nhóm đối tượng số 2 tham gia khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Có thể thấy đây là nhóm đối tượng có nhiều nội dung huấn luyện cũng có tính nghiệp vụ, chuyên môn nặng nề nhất.

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư