2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Tai nạn lao động cũng được phân loại để xác định chế độ cho người lao động qua từng loại tai nạn. Vậy, phân loại tai nạn lao động như thế nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
Theo Điều 9 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, có 03 loại tai nạn lao động.
Dựa trên quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, tai nạn lao động khiến người lao động chết thuộc một trong 04 trường hợp sau:
Đây là trường hợp người lao động chết tại nơi làm việc, nơi thực hiện công việc mà người lao động đã được người sử dụng lao động chỉ định hoặc thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Suy ra nơi xảy ra tai nạn ở đây không chỉ là trụ sở, cơ sở sử dụng lao động mà có thể là bất kỳ nơi nào, phụ thuộc vào quá trình thực hiện công việc của người lao động.
Ví dụ: Người lao động là công nhân xây dựng bị rơi từ tầng 5 xuống trong quá trình xây dựng căn nhà dẫn đến chết, được coi là tai nạn lao động chết người và người lao động chết tại nơi xảy ra tai nạn.
Nhưng trong một trường hợp khác, người lao động thực hiện công việc đàm phán hợp đồng tại một nhà hàng với khách hàng, nhưng bị ngộ độc thực phẩm dẫn đến chết người ngay tại nhà hàng, vậy trường hợp này người lao động vẫn được coi là bị tai nạn lao động chết người.
Khi người lao động gặp tai nạn lao động trong quá trình thực hiện công việc, người lao động không chết tại nơi xảy ra tai nạn mà chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu. Cái chết là hậu quả trực tiếp của tai nạn đã xảy ra với người lao động.
Ví dụ: Ông A bị tai nạn lao động được đưa đi cấp cứu, nhưng trên đường đi cấp cứu, do mất máu nhiều quá, ông A qua đời khi đang trên đường đến bệnh viện. Trường hợp này được coi là chết trên đường đi cấp cứu và được xếp vào loại tai nạn lao động chết người.
Tuy nhiên, ông B gặp tai nạn lao động xước tay và đang trên đường đến bệnh viện, thì bị đột quỵ dẫn đến chết trên đường đi cấp cứu. Trường hợp này cần xem xét kỹ nguyên nhân đột quỵ của ông B có phải do tai nạn lao động gây ra, hay do yếu tố khác, ông B có thể không được coi là trường hợp tai nạn lao động chết người.
Người lao động được đưa đi điều trị sau khi bị tai nạn lao động. Thời gian điều trị của người lao động là quãng thời gian người lao động được điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế, hoặc điều trị tại nhà nhưng có sự theo dõi y tế từ phía các cơ sở y tế. Trong quá trình này, người lao động chết do các vấn đề, di chứng của tai nạn lao động, thì được coi là chết trong thời gian điều trị.
Sau thời gian điều trị, người lao động trong quá trình phục hồi đột nhiên tái phát bệnh, vết thương do tai nạn gây ra dẫn đến chết người, thì đây cũng được coi là trường hợp tai nạn lao động chết người.
Ví dụ: Người lao động C bị tai nạn lao động và rách phổi, trong quá trình điều trị tại bệnh viện bệnh nhân C bị nhiễm trùng máu do rách phổi, dẫn đến chết. Trường hợp này được coi là tai nạn lao động chết người. Nhưng ở một trường hợp khác, người lao động D bị tai nạn lao động, do bệnh đã có tiến triển, bệnh viện cho người này điều trị tại gia. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị tại gia, các vết thương trong của người lao động bị chảy máu, nhiễm trùng dẫn đến chết. Trường hợp này vẫn được coi là chết trong thời gian điều trị, vừa được coi là tái phát vết thương do tai nạn lao động gây ra.
Thời gian điều trị, tái phát vết thương cách thời gian xảy ra tai nạn một quãng thời gian nhất định, do đó rất khó để xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết có phải do tai nạn lao động không. Vì vậy, các trường hợp người lao động chết trong thời gian điều trị hay chết do tái phát vết thương đều chỉ được công nhận khi có kết luận tại biên bản giám định pháp y.
Người lao động trong quá trình thực hiện công việc, lao động, bị mất tích và bị Tòa án tuyên bố chết theo quy định tại Điều 71 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015. Trong trường hợp này, nguyên nhân mất tích của người lao động phải gắn liền với hoạt động thực hiện công việc, lao động.
Ví dụ: Người lao động E mất tích khi đang thực hiện công việc tại nơi làm việc nhưng bị lũ cuốn trôi được coi là trường hợp mất tích khi đang trong quá trình lao động nên khi Tòa án tuyên bố E chết thì người này vẫn được coi là trường hợp tai nạn lao động chết người.
Trong trường hợp khác, người lao động F đang trên đường đi công tác thì gặp lũ quét và mất tích, sau khi Tòa án tuyên bố F chết thì trường hợp của người này cũng được tính là tai nạn lao động.
Theo Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong các chấn thương được quy định tại phụ lục II của Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, trong đó bao gồm các nhóm chấn thương nghiêm trọng:
- Ở đầu, mặt, cổ
- Ở ngực, bụng
- Ở phần chi trên
- Ở phần chi dưới
- Bỏng
- Nhiễm độc một số chất ở mức độ nặng
Ví dụ: Người lao động khi thực hiện công việc bị ngã và được chẩn đoán là dập não, trường hợp này là tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng.
Các chấn thương này đều là các chấn thương có khả năng phục hồi thấp, thời gian phục hồi lâu hoặc thậm chí không có khả năng phục hồi, dẫn đến các thương tật lâu dài cho người lao động, khiến người lao động không thể sinh hoạt như người bình thường.
Theo Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, người lao động bị tai nạn lao động nhưng không thuộc hai trường hợp trên được coi là trường hợp tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ.
Ví dụ: Người lao động bị cắt vào tay trong quá trình lao động, dẫn đến chảy máu, nhưng sau khi băng bó thì vết thương ngừng chảy máu, không có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người lao động. Sau 01 tuần điều trị, người lao động có thể trở lại làm việc bình thường. Trường hợp này được coi là tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh