2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân được coi là một trong các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Vậy, phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động là gì? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
Theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014:
“Điều 3. Phương tiện bảo vệ cá nhân
1. Phương tiện bảo vệ cá nhân là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang bị để sử dụng trong khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động, khi các giải pháp công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết.”
Dựa trên quy định này, phương tiện bảo vệ cá nhân gồm các yếu tố sau:
- Là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang bị để sử dụng khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ: Các phương tiện bảo vệ cá nhân này trang bị riêng cho người lao động, không phải là thiết bị sử dụng chung, mỗi dụng cụ, phương tiện như vậy không thể cùng lúc trang bị cho nhiều người. Đồng thời, các dụng cụ, phương tiện này hầu hết chỉ có thể được sử dụng trong quá trình lao động của người lao động do cơ chế kỹ thuật cũng như chức năng của từng phương tiện bảo vệ cá nhân chỉ phù hợp khi người sử dụng chúng đang làm việc, thực hiện nhiệm vụ.
- Mục đích sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân là để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động: Một trong những lý do khiến nhiều phương tiện bảo vệ cá nhân chỉ được sử dụng trong quá trình lao động vì mục đích chính của phương tiện bảo vệ cá nhân để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động. Các thiết bị này hỗ trợ giúp người lao động giảm thiểu tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm vật lý, hóa học, giảm nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Được trang cấp khi các giải pháp công nghệ, thiết bị kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết: Người sử dụng lao động có nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, trong đó có nhiều biện pháp kỹ thuật (như bố trí lại, cải tiến công nghệ máy móc, trang thiết bị,…) hay các biện pháp về tổ chức, quản lý (tuyên truyền, thông tin,…). Các biện pháp này có thể phát huy tối đa tác dụng nhưng trong phần lớn các trường hợp không thể nào hoàn toàn giải quyết các yếu tố nguy hiểm, có hại cho người lao động. Trang bị biện pháp này giúp người lao động thực chất cũng là một biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, nhưng đối tượng tác động trực tiếp của biện pháp này là người lao động. Mỗi cá nhân khi sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chỉ có thể bảo vệ an toàn cho bản thân, không thể đảm bảo cho những người khác.
Theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có 10 loại phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, tùy theo bộ phận mà các thiết bị này bảo vệ hoặc mục đích bảo vệ:
- Phương tiện bảo vệ đầu (ví dụ: mũ bảo hộ)
- Phương tiện bảo vệ mắt, mặt (ví dụ: kính mắt bảo hộ)
- Phương tiện bảo vệ thính giác (ví dụ: bông bịt tai)
- Phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp (ví dụ: khẩu trang phòng độc)
- Phương tiện bảo vệ tay, chân (ví dụ: bao găng tay)
- Phương tiện bảo vệ thân thể (ví dụ: đồ bảo hộ)
- Phương tiện chống ngã cao (ví dụ: cáp treo an toàn)
- Phương tiện chống điện giật, điện từ trường (ví dụ: bao tay cao su)
- Phương tiện chống chết đuối (ví dụ: phao)
- Các loại phương tiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khác (ví dụ: dây giữ, buộc khẩu trang cho người lao động)
Như vậy, phương tiện bảo vệ cá nhân là các dụng cụ, thiết bị quan trọng với người lao động. Việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động chung và tính mạng, sức khỏe cho từng cá nhân người lao động. Các dụng cụ, thiết bị này cũng phải được trang cấp phù hợp với môi trường làm việc, điều kiện làm việc của người lao động.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh