Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là gì ?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:47 (GMT+7)

Bài viết trình bày quy định về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; có tư cách pháp nhân và con dấu riêng, hạch toán độc lập, đảm bảo cân đối thu chi, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại để giao dịch.

Vậy, pháp luật quy định như thế nào về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước ?

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

Căn cứ theo Điều 66 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 (gọi tắt là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020), Luật định nghĩa về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước như sau:

1. Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Quỹ hoạt động dựa trên các nguyên tắc sau:

a. Không vì mục đích lợi nhuận: là tổ chức không phân phối các quỹ thặng dư của nó cho các cá thể hay cổ đông mà sử dụng các quỹ này để tài trợ cho các mục tiêu hướng tới của tổ chức nhằm mục đích hướng tới cho toàn xã hội.

b. Có tư cách pháp nhân: một tổ chức được coi là có tư cách pháp nhân khi đáp ứng đủ 04 điều kiện sau đây:

- Tổ chức phải được thành lập theo quy định của luật

Theo khoản 1 Điều 82 Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ: Doanh nghiệp được thành lập theo quyết định của Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh.

- Tổ chức phải có cơ cấu tổ chức theo quy định

Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.

- Tổ chức có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình

- Tổ chức phải nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

c. Được hạch toán độc lập: là chế độ tài chính của tổ chức hoàn toàn độc lập. Mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại tổ chức được ghi sổ kế toán tại đơn vị, tự kê khai và quyết toán thuế.

2. Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán và công khai kết quả hoạt động hằng năm, kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật trên cổng thông tin điện tử (Cổng thông tin hay cổng thông tin điện tử là một hoặc một nhóm trang web mà từ đó người truy cập có thể dễ dàng truy xuất các trang web và các dịch vụ thông tin khác trên mạng máy tính) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; quy định về tổ chức hoạt động của Quỹ, việc quản lý và sử dụng Quỹ, mức đóng góp vào Quỹ của doanh nghiệp, người lao động, nội dung chi, mức chi đối với các nhiệm vụ của mình.

Nhiệm vụ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

Căn cứ theo Điều 67 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 (gọi tắt là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020), Luật quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước có nhiệm vụ sau:

1. Hỗ trợ đối với người lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc;

b) Người lao động phải về nước trước thời hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác;

c) Người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

d) Giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

đ) Hỗ trợ thân nhân người lao động trong trường hợp người lao động chết, bị mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

2. Hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong trường hợp sau đây:

a) Khai thác, phát triển, ổn định thị trường lao động ngoài nước

b) Giải quyết những rủi ro liên quan đến người lao động do mình đưa đi.

3. Hỗ trợ cho hoạt động liên quan trực tiếp đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Chi phí quản lý Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Nguồn hình thành Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

Căn cứ theo Điều 68 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 (gọi tắt là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020), Luật quy định có 03 nguồn hình thành Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước gồm:

1. Đóng góp của doanh nghiệp dịch vụ.

2. Đóng góp của người lao động.

3. Các nguồn thu hợp pháp khác.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư