Quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:00 (GMT+7)

Bài viết giải thích về quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động

Bên thuê lại lao động là một trong hai chủ thể của hợp đồng cho thuê lại lao động cùng với doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Bên thuê lại lao động cũng là người sử dụng lao động, nhưng không có vị trí người sử dụng lao động với người lao động thuê lại. Vậy quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động và người lao động thuê lại là gì? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Theo Điều 57 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

1. Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình.

2. Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.

3. Thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật này.

4. Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt.

5. Trả lại người lao động thuê lại không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

6. Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động.

Dựa vào quy định trên, có 06 quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động được quy định tại Bộ luật lao động năm 2019.

1. Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình

Khi người lao động thuê lại trực tiếp làm việc cho bên thuê lại lao động, người lao động phải thực hiện công việc tại địa điểm mới, điều kiện lao động mới, môi trường làm việc mới, nên người lao động chịu sự quản lý, điều hành của bên thuê lại lao động như sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Vì vậy bên thuê lại có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình để người lao động thực hiện và tránh trường hợp vi phạm nội quy lao động, quy chế quản lý của bên lao động do người lao động không biết hoặc không hiểu.

2. Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình

Khi người lao động đã chấp hành các nội quy lao động và các quy chế khác của bên thuê lại lao động thì đồng nghĩa với việc chịu sự quản lý, giám sát của bên thuê lại lao động trong môi trường làm việc của bên thuê lại lao động. Bên thuê lại lao động cũng là người sử dụng lao động nên không được phép phân biệt đối xử khi làm việc (đây cũng là hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động nói chung quy định tại Điều 8 Bộ luật lao động năm 2019) đối với người lao động. Riêng trong trường hợp này cụ thể là không được phân biệt giữa người lao động thuê lại và người lao động của chính mình.

3. Thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019

Vấn đề làm việc ban đêm, làm thêm giờ với các quyền lợi dành cho người lao động kèm theo các quyền lợi mà người lao động được hưởng nếu làm thêm giờ, làm việc đêm khi người lao động thuê lại đang làm việc cho bên thuê lại chỉ được thực hiện nếu có sự thảo luận, thỏa thuận giữa người lao động thuê lại và bên thuê lại lao động. Các thỏa thuận này phải phù hợp với các quy định của pháp luật về lao động như giờ làm thêm tối đa, điều kiện làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ, tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm,…

4. Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt

Nếu người lao động thuê lại khi làm việc cho bên thuê lại lao động cảm thấy phù hợp với môi trường, điều kiện, chế độ đãi ngộ của bên thuê lại lao động hơn thì có thể thỏa thuận với doanh nghiệp cho thuê lại lao động để chấm dứt hợp đồng lao động và tiếp tục giao kết hợp đồng chính thức với người sử dụng lao động mới là bên thuê lại lao động khi bên thuê lại lao động cũng có mong muốn tuyển dụng người lao động thuê lại. Tuy nhiên, do hợp đồng cho thuê lại lao động giữa doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động còn hiệu lực, bên thuê lại lao động cũng phải thỏa thuận với doanh nghiệp cho thuê lại để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại. Nếu doanh nghiệp cho thuê lại lao động không đồng ý, người lao động thuê lại không thể chính thức được bên thuê lại tuyển dụng trong thời hạn hợp đồng giữa doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động.

5. Trả lại người lao động thuê lại không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Do thỏa thuận giữa doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động về người lao động, mục đích của bên thuê lại lao động cũng là thuê người lao động để thực hiện công việc mà mình đang thiếu người lao động để thực hiện, nên người lao động phải đạt đủ yêu cầu để thực hiện công việc mà bên thuê lại lao động yêu cầu. Nếu người lao động thuê lại không đạt đủ các yêu cầu của bên thuê lại lao động, tức là người lao động không thể thực hiện công việc mà bên thuê lại lao động đang cần người thực hiện. Tương tự, nếu người lao động thuê lại vi phạm kỷ luật lao động dù đã được thông báo, hướng dẫn trước, thì người lao động thuê lại đó không thực hiện được công việc theo đúng những gì mà bên thuê lao động mong muốn. Vì vậy, trong hai trường hợp này, bên thuê lại lao động có quyền trả lại người lao động thuê lại cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

6. Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động

Hành vi vi phạm kỷ luật lao động đối với một người lao động là nghiêm trọng và cần được xử lý, nhưng bên thuê lại lao động không có quyền xử lý người lao động vi phạm kỷ luật lao động mà chỉ có quyền trả về cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Ngoài ra nếu muốn trả về cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động vì lý do vi phạm kỷ luật thì cũng phải có chứng cứ chứng minh cho hành vi vi phạm kỷ luật, vì vậy, bên thuê lại lao động có nghĩa vụ cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật của người lao động cho thuê lại để doanh nghiệp cho thuê lại lao động, tức người sử dụng lao động của người lao động thuê lại, xem xét xử lý kỷ luật lao động.

Như vậy, quy định của Bộ luật lao động năm 2019 về quyền và nghĩa vụ của người cho thuê lại lao động được thể hiện vô cùng rõ ràng, ngắn gọn, các quy định này cũng hợp lý và thể hiện rõ vai trò và khả năng của bên thuê lại lao động.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư