Số lượng người trong lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại cơ sở sản xuất, kinh doanh như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:07 (GMT+7)

Bài viết giải thích về số lượng người trong lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại cơ sở sản xuất, kinh doanh

Theo Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/06/2016 của Bộ Y tế, tùy vào ngành, nghề; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng như quy mô sản xuất, kinh doanh; số lượng người lao động tham gia lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ đó có 02 trường hợp bố trí số lượng người tham gia lực lượng sơ cứu, cấp cứu khác nhau.

1. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh trong ngành nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động

Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được ban hành kèm Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH ngày 20/08/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đây là các công việc mà người lao động phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc nên cần phải có các biện pháp bảo hộ cũng như các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động nhằm giảm nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Một số công việc thuộc danh mục này như: Thử nghiệm, sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại thuốc nổ và phụ kiện nổ; Công việc tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 3KHz trở lên; Cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp; Trực tiếp nấu, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể từ 300 suất ăn một ngày trở lên;…

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, việc bố trí lực lượng sơ cứu, cấp cứu là cần thiết và quan trọng, vì thế tất cả các cơ sở thuộc nhóm này đều phải có người làm công tác sơ cứu, cấp cứu. Tuy nhiên, tùy theo số lượng người lao động, người sử dụng lao động phải bố trí số lượng người tham gia lực lượng sơ cứu, cấp cứu khác nhau:

1.1. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 100 người lao động

Trong trường hợp này, quy mô sản xuất, kinh doanh của cơ sở sản xuất, kinh doanh ở mức độ nhỏ, bản thân người sử dụng lao động (đại diện người sử dụng lao động và các bộ phận thực hiện nhiệm vụ quản lý người lao động) không gặp nhiều khó khăn khi quản lý số lượng nhỏ người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nếu có tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật, lực lượng ứng cứu cũng không cần quá đông so với số lượng dưới 100 người lao động.

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/06/2016 của Bộ Y tế, khi cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 100 người lao động thì người sử dụng lao động bố trí ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu. Người này được có thể là lực lượng ứng cứu khẩn cấp chuyên trách, chuyên thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu cho người lao động khi xảy ra tai nạn lao động (Người làm công tác sơ cứu, cấp cứu thường là người của bộ phận y tế, do tính chuyên môn về y tế của bộ phận này tại cơ sở sản xuất, kinh doanh) hoặc người lao động được cử đi thực hiện nhiệm vụ ứng cứu khẩn cấp.

1.2. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng trên 100 người lao động

Theo Điểm b Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/06/2016 của Bộ Y tế, trong trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động mà sử dụng trên 100 người lao động thì cứ tăng thêm 100 người lao động thì phải bố trí thêm ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu. Như vậy:

- Nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 100 đến 199 người lao động thì người sử dụng lao động chỉ cần bố trí ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu.

- Nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 200 đến 299 người lao động, thì người sử dụng lao động phải bố trí ít nhất 02 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu.

Cứ như vậy, tăng thêm 100 người lao động làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thì tăng thêm 01 người lao động làm công tác y tế.

2. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thông thường (không trong ngành nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động)

Đây là trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện các công việc thuộc Danh mục ban hành kèm Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH ngày 20/08/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cũng có thể coi là các trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh có điều kiện lao động trung bình trở lên, có ít các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc cũng như ảnh hưởng của chúng tới người lao động không đáng kể.

Vì vậy, theo Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/06/2016 của Bộ Y tế, người sử dụng lao động bố trí lực lượng sơ cứu, cấp cứu như sau:

- Nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 200 người lao động: Ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu

- Nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng trên 200 người lao động: Cứ mỗi 150 người lao động tăng thêm phải bố trí thêm ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu

So với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh thông thường được bố trí ít người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu hơn đối với cùng số lượng người lao động tham gia thực hiện công việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư