Sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 2)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:02 (GMT+7)

Bài viết giải thích về sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 2) đã giới thiệu về 04 trường hợp chi từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về 04 trường hợp còn lại.

5. Chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 56 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, hằng năm Quỹ bảo hiểm tai nạn xã hội dành 10% nguồn thu để hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động ở đây là hỗ trợ cho các hoạt động khám, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động, điều tra lại các vụ tai nạn lao động theo yêu cầu của cơ quan Bảo hiểm xã hội, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Đây được coi là các hoạt động hỗ trợ chung chứ không phải cho từng cá nhân, tổ chức nào, vì vậy khoản chi này không đồng nhất với khoản mà Bảo hiểm y tế phải trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

6. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

Người lao động được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là những người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và trở lại làm việc. Chưa nhắc đến trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội hay Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm bố trí, sắp xếp người lao động thực hiện các công việc phù hợp với khả năng, tình trạng sức khỏe sau khi người lao động phục hồi từ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đối với Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ được thực hiện khi người lao động này đạt đủ điều kiện được quy định tại Điều 55 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015. Việc hỗ trợ này được thực hiện thông qua hỗ trợ học phí chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động, tức khoản tiền được trích ra từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động để hỗ trợ quá trình học tập, học nghề mới cho người lao động để người lao động chuyển nghề. Hoạt động hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cũng được thực hiện theo trình tự, thủ tục nhất định theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo không có cá nhân, tổ chức nào chiếm đoạt khoản tiền hỗ trợ này từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

7. Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội

Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dùng để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nói riêng; hiện đại hóa hệ thống quản lý, tổ chức bộ máy của cơ quan bảo hiểm các cấp. Các chi phí này được trích ra từ nguồn thu của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (tức một phần của Quỹ bảo hiểm xã hội).

8. Chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng

Người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi đóng bảo hiểm y tế, thay cho khoản mà người lao động phải tự đóng bảo hiểm y tế, nhằm bù đắp các khoản mà người sử dụng lao động không đóng cho người lao động do không còn tồn tại quan hệ lao động.

Xem thêm: Sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 1)

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư