Thẩm quyền quản lý Nhà nước về lao động như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:56 (GMT+7)

Bài viết giải thích về thẩm quyền quản lý Nhà nước về lao động

Để triển khai các nội dung quản lý nhà nước về lao động, Nhà nước đã thiết lập hệ thống cơ quan quản lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Vậy cơ quan nào có thẩm quyền quản lý nhà nước về lao đông? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Điều 213 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 quy định thẩm quyền quản lý nhà nước về lao động như sau:

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi cả nước

Theo Điều 94 Hiến pháp 2013, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Theo chiều dọc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ quan chuyên môn về lao động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân cấp huyện đều là các cấp dưới của Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý về lao động. Do đó, Chính phủ có trách nhiệm thống nhất quản lý về lao động trên phạm vi cả nước.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực cơ bản như: Lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội trong phạm vi cả nước (Điều 1 Nghị định số 14/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/02/2017). Bộ Lao động- Thương binh và xã hội là cơ quan chủ đạo của Chính phủ trong thực hiện quản lý nhà nước về lao động. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và xã hộị có trách nhiệm trước Chính phủ về:

- Xây dựng, soạn thảo các văn bản pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn

- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch,…được phê duyệt,…

- Giám sát, quản lý các cơ quan chuyên môn về lao động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đối tượng mà các cơ quan này quản lý.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước về lao động

Ở cấp trung ương, bên cạnh Bộ Lao động- Thương binh và Xã hộị, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng có thẩm quyền quản lý nhà nước về lao động. Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nghĩa vụ phải thực hiện và phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để thực hiện quản lý nhà nước về lao động.

Ví dụ: Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng nghề, danh sách các ngành nghề đào tạo theo các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học.

4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về lao động trong phạm vi địa phương

Trong phạm vi địa phương, việc thực hiện quản lý nhà nước về lao động thuộc do Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện. Theo đó, Ủy ban nhân dân các cấp có quyền và trách nhiệm bảo đảm và thúc đẩy quan hệ lao động, thị trường lao động tại địa phương phát triển theo những định hướng mà Nhà nước đặt ra. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân còn có những cơ quan giúp việc khác trong việc thực hiện quản lý nhà nước. Ví dụ, Sở Lao động- Thương binh và xã hội là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội,…

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư