Thành phần Ban trọng tài lao động bao gồm những ai?

Thứ tư, 28/06/2023, 10:31:56 (GMT+7)

Bài viết giải thích về thành phần Ban trọng tài lao động, chủ thể chọn thành viên Ban trọng tài lao động

Ngày nay các tranh chấp lao động diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp. Bởi vậy mà các phương thức giải quyết tranh chấp lao động cũng là một vấn đề rất được quan tâm. Giải quyết tranh chấp lao động thông qua thủ tục trọng tài cũng là một phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm. Đối với phương thức này, Ban trọng tài lao động được Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động thành lập khi có yêu cầu của bên tranh chấp. Vậy Ban trọng tài lao động gồm những ai? Thành lập và hoạt động của Ban trọng tài lao động được quy định như thế nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý

- Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019 (Bộ Luật lao động 2019);

- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Tranh chấp lao động là gì?

Trên cơ sở của quy định của các Bộ Luật lao động trước đây, Bộ Luật lao động 2019 đã đưa ra định nghĩa về tranh chấp lao động như sau:

 Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

 

Theo đó, tranh chấp lao động trước hết phải là một tranh chấp nghĩa là có sự xung đột, bất đồng trong quan hệ lao động được thể hiện ra bên ngoài. Đây là loại tranh chấp về các vấn đề liên quan đến quá trình lao động, tức là quá trình xác lập, duy trì, chấm dứt mối quan hệ lao động giữa các bên, Không chỉ vậy, tranh chấp lao động còn bao gồm cả các xung đột liên quan đến học nghề, việc làm.... tức là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của các bên gồm người lao động và người sử dụng lao động. 

Vì vậy, tranh chấp lao động là tranh chấp phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động trong quá trình thuê mướn, sử dụng lao động, bao gồm cả cá nhân và tập thể người lao động, đại diện các bên trong quan hệ lao động. 

Giải quyết tranh chấp lao động theo thủ tục trọng tài là gì?

Trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp trong hòa bình với sự tham gia của bên thứ ba khách quan, công bằng trong việc đưa ra quyết định về vụ việc đối với cả hai bên tranh chấp. Phán quyết trọng tài có thể mang tính khuyến nghị hoặc bắt buộc các bên có nghĩa vụ thực hiện tùy theo pháp luật của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, việc yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp là hoàn toàn tự nguyện, trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên tranh chấp.

Khác với thương lượng và hòa giải, trọng tài lao động được xếp vào hệ thống tài phán ở Việt Nam. Về tổ chức, trọng tài lao động được quy định với mô hình tổ chức hội đồng trọng tài với chủ tịch, thư ký và linh hoạt với các thành viên, là số lẻ và quyết định theo đa số. Hiện nay, theo Bộ Luật Lao động 2019, Ban trọng tài do Hội đồng trọng tài thành lập có thẩm quyền ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp, đồng thời thẩm quyết giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng trọng tài bao gồm cả tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Đây là điểm tiến bộ trong quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp. Các phần tiếp theo của bài viết Luật Hoàng Anh sẽ phân tích rõ hơn các quy định liên quan đến ban trọng tài lao động.

Các trường hợp thành lập ban trọng tài lao động

Khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại các điều 189, 193 và 197 của Bộ luật này, Hội đồng trọng tài lao động quyết định thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp. Theo đó, các yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại Điều 189, 193, 197 Bộ Luật lao động 2019 bao gồm:

Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động

Điều 189 Bộ Luật lao động 2019 quy định như sau:

- Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 188 của Bộ luật này. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.

- Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động

Điều 193 Bộ Luật lao động 2019 quy định như sau:

- Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.

Đối với tranh chấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 179 của Bộ luật này mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều này thì trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động

Điều 197 Bộ Luật lao động 2019 quy định như sau:

- Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.

- Khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều này thì tổ chức đại diện người lao động không được tiến hành đình công trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp.

Khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công.

Thành phần Ban trọng tài lao động

Các thành viên trong Ban trọng tài đều là thành viên của Hội đồng trọng tài lao động đang trong nhiệm kỳ. Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động lên danh sách các trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài lao động và gửi cho các bên tranh chấp để lựa chọn. Danh sách này có thể thiếu một số trọng tài viên của Hội đồng trọng tài lao động do đang trong quá trình miễn nhiệm, đang trong quá trình được bổ sung, hoặc đơn giản là do các thành viên của Hội đồng trọng tài lao động (trừ thư ký) đều hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, nên có thể không có thời gian phù hợp để tham gia giải quyết vụ tranh chấp lao động, hoặc không có đủ kinh nghiệm, năng lực để giải quyết về vụ tranh chấp lao động hoặc tranh chấp về hợp đồng đạo tạo nghề quá phức tạp.

Theo Khoản 4 Điều 185 Bộ luật lao động 2019, khi các bên tranh chấp lựa chọn thành viên Ban trọng tài lao động, có thể xảy ra 02 trường hợp sau:

Các bên tranh chấp, thông qua đại diện của mình, tiến hành lựa chọn một trong các trọng tài viên trong số các trọng tài viên trong danh sách. Mỗi bên chọn 01 trọng tài viên. Tuy nhiên, nếu một trong hai bên không thể lựa chọn được trọng tài viên thì Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động tiến hành chọn 01 trọng tài viên trong danh sách vào Ban trọng tài lao động, thay cho quyết định của bên tranh chấp.

Sự lựa chọn của các bên tranh chấp mang ý chí chủ quan cũng như với tâm lý tin rằng trọng tài viên này có thể đưa ra quyết định có lợi cho mình. Nên chỉ 02 trọng tài viên này tham gia giải quyết tranh chấp lao động thì có thể không có ý kiến đồng nhất về cách giải quyết, đồng thời cũng không thể giải quyết theo nguyên tắc đa số do chỉ có 02 trọng tài viên được giải quyết. Vì vậy, Bộ luật lao động 2019 quy định về Trưởng ban trọng tài lao động. Người này được 02 trọng tài viên lao động (do các bên tranh chấp chọn) thống nhất lựa chọn, chỉ định. Trường hợp 02 trọng tài viên này không thể thống nhất ai là Trưởng ban trọng tài lao động thì Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động quyết định chọn một trọng tài viên khác làm Trưởng ban trọng tài lao động.

Trưởng ban trọng tài lao động này có trách nhiệm đảm bảo sự cân bằng, ổn định trong Ban trọng tài lao động khi giải quyết tranh chấp, cũng là người chủ trì các cuộc họp giải quyết tranh chấp giữa các bên. Đồng thời, nhờ sự có mặt của Trưởng ban trọng tài lao động mà Ban trọng tài có thể làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số.

Trường hợp Ban trọng tài lao động có 01 thành viên duy nhất

Đây là trường hợp mà cả 02 bên tranh chấp cùng lựa chọn 01 trọng tài viên trong danh sách trọng tài viên. Theo sự chỉ định của các bên, trọng tài viên này được sự tin tưởng, tín nhiệm của cả hai bên tranh chấp. Do vậy, chỉ có duy nhất trọng tài viên này tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đưa ra quyết định giải quyết tranh chấp cho các bên, mà không có các thành viên khác trong Ban trọng tài lao động.

Trong trường hợp này, Ban trọng tài lao động không hoạt động theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số do chỉ có duy nhất 01 thành viên trong Ban trọng tài lao động. Vì thế, việc giải quyết tranh chấp lao động là trách nhiệm duy nhất và tương đối nặng nề đối với một trọng tài viên trong trường hợp này.

Có thể nói, thành phần tham gia Ban trọng tài lao động đều là trọng tài viên của Hội đồng trọng tài lao động (có thể bao gồm cả Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động và thư ký Hội đồng trọng tài lao động). Nhưng khi trực tiếp tham gia vào Ban trọng tài lao động, các vị trí, vai trò của các thành viên này có 01 số điểm khác nhau.

Thành lập và hoạt động của Ban trọng tài lao động

Nhằm bảo đảm hoạt động của Ban trọng tài lao động diễn ra một cách nghiêm chỉnh, bảo đảm tính công bằng, khách quan Điều 102 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập và hoạt động của Ban trọng tài lao động như sau;

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 101 Nghị định này, Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm thành lập Ban trọng tài lao động.

- Khi Ban trọng tài lao động được thành lập hoặc đang trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu có bằng chứng rõ ràng về việc trọng tài viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp không vô tư, khách quan, có thể làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của bên tranh chấp thì bên tranh chấp có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động thay đổi trọng tài viên lao động đó.

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, Ban trọng tài lao động có trách nhiệm:

+ Tìm hiểu hồ sơ vụ việc, thu thập bằng chứng theo thẩm quyền quy định tại Điều 183 của Bộ luật Lao động để lên phương án giải quyết tranh chấp;

+ Tiến hành tổ chức cuộc họp giải quyết tranh chấp lao động;

+ Ra quyết định giải quyết tranh chấp lao động theo nguyên tắc quy định tại khoản 5 Điều 185 của Bộ luật Lao động và gửi cho các bên tranh chấp.

Quyết định của Ban trọng tài lao động phải có các nội dung chính: Thời gian (ngày, tháng, năm) ban hành quyết định; tên, địa chỉ của các bên tranh chấp; nội dung đề nghị giải quyết tranh chấp; các căn cứ để giải quyết tranh chấp; nội dung cụ thể các phán quyết giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động; chữ ký của Trưởng Ban trọng tài lao động và đóng dấu của Hội đồng trọng tài lao động.

Trường hợp không ra quyết định thì Ban trọng tài lao động có văn bản thông báo cho các bên tranh chấp. Đối với các trường hợp tranh chấp lao động tập thể về quyền quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 179 của Bộ luật Lao động mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban trọng tài lao động lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư