2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Người lao động và người sử dụng lao động khi ký kết hợp đồng lao động hay thỏa thuận về thời gian nghỉ trong giờ làm việc hoặc thời gian nghỉ chuyển ca. Vậy, thời gian nghỉ trong giờ làm việc là gì? Thời gian nghỉ chuyển ca là gì? Liệu hai loại thời gian nghỉ này có phải là một? Pháp luật về lao động có những quy định gì liên quan đến nghỉ trong giờ làm việc và nghỉ chuyển ca? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
Theo Khoản 1 Điều 109 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.”
Dựa trên quy định này, thời gian nghỉ trong giờ làm việc của người lao động là thời gian người lao động được nghỉ trong thời giờ làm việc bình thường. Nhưng để được nghỉ trong giờ làm việc, thời giờ làm việc bình thường này phải từ 06 giờ đến tối đa 08 giờ trong 01 ngày, hoặc từ 06 giờ đến tối đa 10 giờ nếu thời giờ làm việc của người lao động tính theo tuần. Trường hợp làm việc vào ban đêm cũng không là ngoại lệ, người lao động làm việc vào ban đêm thì thời giờ làm việc phải từ 06 giờ trở lên mới được nghỉ trong giờ làm việc.
Tuy nhiên thời giờ làm việc vào ban đêm là từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau (Theo Điều 106 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019), vậy nếu người lao động thực hiện công việc trong khoảng thời gian từ trước 22 giờ và kết thúc trước 06 giờ sáng hôm sau (ví dụ: từ 20 giờ đến 0 giờ) thì có được nghỉ trong giờ làm việc? Để giải đáp vấn đề này, Khoản 1 Điều 64 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ có quy định như sau:
“1. Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục theo quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động được áp dụng đối với người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm quy định tại Điều 106 của Bộ luật Lao động.”
Theo đó, người lao động làm việc ít nhất 03 giờ trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ vào ban đêm và làm việc từ 06 giờ trở lên thì được nghỉ trong giờ làm việc.
Thời gian nghỉ trong giờ làm việc được quy định như sau:
- Thời gian nghỉ giữa giờ trong thời giờ làm việc bình thường là ít nhất 30 phút liên tục
- Thời gian nghỉ giữa giờ trong thời giờ làm việc vào ban đêm là ít nhất 45 phút liên tục
Thời gian nghỉ giữa giờ được coi là “liên tục” nghĩa là không tách ra thành các khoảng thời gian nghỉ ngắn hơn như 5 phút hay 10 phút. Đồng thời, tính liên tục còn phải được thể hiện khi trong thời gian nghỉ, người lao động không phải tham gia tiếp tục thực hiện công việc dù ngắt quãng. Ngoài ra, thời gian nghỉ trong giờ làm việc được Khoản 1 Điều 109 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 gọi là “nghỉ giữa giờ” và Khoản 3 Điều 64 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ cũng có quy định về việc người sử dụng lao động được quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc. Như vậy, “nghỉ giữa giờ” hay “nghỉ trong giờ làm việc” không phải nghỉ chuyển ca và không được sắp xếp vào đầu hoặc cuối ca làm việc như thời gian nghỉ chuyển ca.
Nghỉ giữa giờ (hay nghỉ trong giờ làm việc) không được tính vào thời gian làm việc hưởng lương, trừ trường hợp người lao động làm việc trong ca liên tục (quy định tại Khoản 3 Điều 63, Khoản 2 Điều 64 và Khoản 1 Điều 58 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ). Trong trường hợp này, người lao động được coi là làm việc theo ca liên tục khi:
- Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên
- Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút
- Các ca làm việc của người lao động ở đây cách nhau ít nhất 12 giờ, chứ không liền tiếp nhau (Theo Điều 110 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019)
Suy ra thời gian nghỉ ăn trưa ở giữa 02 “ca” 04 giờ sáng và chiều liên tục của người lao động cũng có thể được coi là nghỉ giữa giờ nhưng thời gian thực hiện công việc của người lao động trên thực tế không phân theo ca mà làm việc liên tục 08 giờ.
Theo Điều 110 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.”
Mà theo Khoản 1 Điều 63 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ:
“1. Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.”
Như vậy, nghỉ chuyển ca không phải là nghỉ ăn trưa hoặc nghỉ trong giờ làm việc, mà là khoảng cách thời gian tối thiểu giữa các ca làm của người lao động. Ca làm việc ở đây được xác định là ca làm độc lập, khi chuyển sang ca làm kế tiếp thì cũng thay đổi người lao động thực hiện công việc trong ca. Khoảng thời gian nghỉ giữa các ca của người lao động để người lao động phục hồi sức khỏe cũng như tránh trường hợp người lao động thực hiện các công việc của mình liên tục qua các ca làm giống như làm việc liên tục.
Thời gian nghỉ chuyển ca cũng không được tính là thời giờ làm việc hưởng lương của người lao động (Theo Điều 58 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ)
Như vậy, nghỉ trong thời gian làm việc và nghỉ chuyển ca không phải là một, tính chất của nghỉ trong giờ làm việc và nghỉ chuyển ca cũng rất khác nhau. Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ đã quy định rất chi tiết về vấn đề này.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh