2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc mà người sử dụng lao động chỉ định và có sự thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Trong đó, người lao động thường làm việc theo thời giờ làm việc bình thường hoặc thời giờ làm việc vào ban đêm. Vậy thời giờ làm việc bình thường và thời giờ làm việc vào ban đêm của người lao động được xác định như thế nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
- Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 (Bộ luật Lao động năm 2019).
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật lao động năm 2019:
“1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.”
Dựa trên quy định này, pháp luật về lao động không đưa ra thời giờ làm việc cụ thể mà chỉ đưa ra mức tối đa trong thời giờ làm việc là:
- Không quá 08 giờ trong 01 ngày nếu tính thời giờ làm việc theo ngày
- Không quá 48 giờ trong 01 tuần và 10 giờ trong 01 ngày nếu tính thời giờ làm việc theo tuần (Theo Khoản 2 Điều 105 Bộ luật lao động năm 2019)
a. Người lao động có quyền quy định về thời giờ làm việc cụ thể, phù hợp với lịch làm việc chung, khí hậu, thời tiết,... nhưng phải thông báo cho người lao động để người lao động sắp xếp làm việc đúng giờ và thích nghi với thời giờ làm việc do người sử dụng lao động sắp xếp. (Theo Khoản 2 Điều 105 Bộ luật lao động năm 2019)
b. Người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời giờ làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan (Theo Khoản 3 Điều 105 Bộ luật lao động năm 2019). Đối với những công việc (hoặc tại nơi làm việc) có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo quy định tại danh mục kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đây là các công việc ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của người lao động, người lao động thực hiện các công việc hoặc tại nơi làm việc nguy hiểm, độc hại cần có thời giờ làm việc hợp lý và phù hợp để có thời giờ phục hồi sức khỏe hoặc đảm bảo giảm yếu tố nguy hiểm, độc hại đối với người lao động. Vì vậy nên thời giờ làm việc đối với những người lao động này phải được giới hạn ở mức thấp hơn so với những người lao động làm các công việc bình thường không nguy hiểm, độc hại.
a. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động, tức là không thực hiện tối đa 48 giờ nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động vì khi tính thời giờ làm việc theo tuần thì 01 ngày có thể làm tối đa 10 giờ, trong khi thực tế thời giờ làm việc đảm bảo cho sức khỏe người lao động trung bình là 08 giờ.
b. Thông qua quy định về thời giờ làm việc đối với các công việc có yếu tố nguy hiểm, có hại theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có thể thấy Nhà nước chú ý đến nhóm người lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Do đây là nhóm người lao động quan trọng, và là số ít cần được đảm bảo về cả sức khỏe, an toàn, vệ sinh lao động.
Theo quy định tại Điều 106 Bộ luật lao động năm 2019:
“Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.”
Tương tự như thời giờ làm việc bình thường, Bộ luật lao động năm 2019 không quy định chính xác thời gian mà người sử dụng lao động chỉ định người lao động làm việc vào ban đêm mà chỉ quy định thời gian làm việc từ 22 giờ đêm đến 06 giờ sáng ngày hôm sau được coi là giờ làm việc ban đêm. Tức là người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận làm việc ít hơn 08 giờ trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau thì vẫn được coi là làm việc vào ban đêm.
Theo Khoản 2 Điều 98 Bộ luật lao động năm 2019:
“2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.”
Thông thường người lao động làm việc vào ban ngày vì thời gian làm việc vào ban ngày phù hợp với đồng hồ sinh học của con người. Thời gian ban đêm là thời gian con người ngủ và thời gian ban ngày là thời gian con người thức dậy và thực hiện công việc. Khi làm trái đồng hồ sinh học, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, người làm việc vào ban đêm cũng phải được mức lương cao hơn so với người làm việc vào ban ngày.
Giống như cách tính tiền lương làm thêm giờ, lương làm việc vào ban đêm cũng có cách tính đối với lương hưởng theo thời gian và lương hưởng theo sản phẩm.
Công thức tính tiền lương làm việc vào ban đêm như sau:
Tiền lương làm việc vào ban đêm = [Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường + (Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 30%)] x Số giờ làm việc vào ban đêm
Trong đó:
- Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, được xác định bằng tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà người lao động làm thêm giờ (không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương; tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động) chia cho tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng hoặc tuần hoặc ngày người lao động làm thêm giờ (không quá số ngày làm việc bình thường trong tháng và số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, 01 tuần theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn và không kể số giờ làm thêm) (Theo Khoản 1 Điều 55 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính Phủ)
- Số giờ làm việc vào ban đêm là số giờ thực người lao động thực hiện công việc mà người sử dụng lao động chỉ định để làm việc vào ban đêm.
Ví dụ: Người lao động có thời gian làm việc ban ngày là 08 giờ, mỗi tháng làm việc 22 ngày, thì khi được sắp xếp làm việc vào ban đêm cũng là làm việc 08 giờ, làm việc vào ban đêm 10 ngày trong tháng. Tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng là 3.000.000 Việt Nam Đồng. Hai bên thỏa thuận lương làm việc vào ban đêm cao hơn lương làm việc vào ban ngày 30%.
Suy ra:
Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường = 3.000.000 / (22 x 08) = 17.046 (Việt Nam Đồng)
Tiền lương làm việc vào ban đêm = [17.046 + (17.046 x 30%)] x (08 x10) = 22.160 x 80 = 1.772.800 (Việt Nam Đồng)
Vậy người lao động nhận được 1.772.800 Việt Nam Đồng tiền lương làm việc vào ban đêm cho 10 ngày làm việc vào ban đêm của mình.
Người hưởng lương theo sản phẩm được trả lương làm việc vào ban đêm khi thực hiện công việc vào ban đêm để làm ra số lượng, khối lượng sản phẩm theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Trên thực tế, trường hợp này cũng không có quá nhiều khác biệt so với các trường hợp người lao động hưởng lương làm việc vào ban đêm theo thời gian, vì căn cứ để được hưởng lương làm việc vào ban đêm vẫn là vì người lao động thực hiện công việc vào ban đêm.
Công thức tính tiền lương làm việc vào ban đêm như sau:
Tiền lương làm việc vào ban đêm = [Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường + (Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 30%)] x Số sản phẩm làm vào ban đêm
Trong đó:
- Đơn giá tiền lương của ngày làm việc bình thường là đơn giá tiền lương mỗi ngày mà người lao động nhận được cho mỗi sản phẩm làm việc vào thời gian làm việc bình thường của ngày làm việc bình thường.
- Số sản phẩm làm thêm là số sản phẩm mà người lao động làm ra trong quãng thời gian làm thêm giờ
Ví dụ: Đơn giá tiền lương của ngày làm việc bình thường là 30.000 Việt Nam Đồng. Người lao động làm việc vào ban đêm 10 ngày, và làm được 10 sản phẩm mỗi ngày. Hai bên thỏa thuận lương làm việc vào ban đêm cao hơn lương làm việc vào ban ngày 30%.
Suy ra:
Tiền lương làm việc vào ban đêm = [30.000 + (30.000 x 30%)] x (10 x 10) = (30.000 + 9000) x 100 = 3.900.000 (Việt Nam Đồng)
Như vậy, tiền lương làm việc vào ban đêm của người lao động được quy định rất rõ ràng trong Bộ luật lao động cũng như Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Như vậy, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 có quy định rõ ràng về thời giờ làm việc bình thường và thời giờ làm việc vào ban đêm của người lao động nhưng chỉ quy định ở mức tối đa chứ không quy định mức tối thiểu hay chỉ định chính xác, để người sử dụng lao động tự quyết về thời giờ làm việc của người lao động.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh