2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Việc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, cũng giống như giải quyết tranh chấp lao động cá nhân hay giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, phải được thực hiện trong thời hiệu nhất định. Vậy, thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền như thế nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
Theo Khoản 1 Điều 194 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.”
Trong đó:
Do các tranh chấp lao động tập thể về quyền mất nhiều thời gian để các bên tự thảo luận, tự giải quyết nên cần thời gian này đủ dài để các bên xác định tranh chấp này không thể tự giải quyết và cần đến sự giúp đỡ của hòa giải viên lao động. Các bên tiến hành gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp lên Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hoặc trực tiếp cho hòa giải viên, vì tất cả các trường hợp tranh chấp lao động tập thể về quyền, hai bên đều phải thực hiện giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải viên, tức là nếu muốn giải quyết tranh chấp lao động thì các bên phải nhanh chóng yêu cầu hòa giải viên tham gia giải quyết.
Thời điểm được “cho là” là thời điểm khó có thể xác định. Các bên phải thống nhất với nhau từ đầu về thời điểm này, nếu không rất khó để xác định thời hạn yêu cầu giải quyết tranh chấp đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền. Ví dụ: Thời điểm nào bên phía tổ chức đại diện người lao động cho rằng người sử dụng lao động bắt đầu không có thiện chí hợp tác trong thương lượng lao động được xác định như thế nào? Nếu không xác định thời điểm xuất phát tranh chấp thì thời hạn cũng chỉ có thể là tương đối.
Theo Khoản 2 Điều 194 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.”
Thời hiệu này dài hơn thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải viên lao động vì đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền, các bên phải tham gia giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải viên, sau khi hòa giải không thành, quá thời hạn hòa giải, các bên mới tiến hành lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động hay qua Tòa án nhân dân. Do đó, thời hiệu 09 tháng bao gồm 06 tháng thời hiệu để yêu cầu, 10 ngày (cả xử lý yêu cầu, cử hòa giải viên, tiến hành hòa giải) và trong khoảng tầm dưới 03 tháng để lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền qua Hội đồng trọng tài hay Tòa án nhân dân, nhằm đảm bảo các bên có thời gian cân nhắc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, chủ thể giải quyết tranh chấp một cách chính xác, đồng thuận nhất.
Theo Khoản 3 Điều 194 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.”
Nếu một trong các bên tham gia giải quyết tranh chấp không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động, các bên có thể tiến hành giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án (Theo Khoản 4, Khoản 5 Điều 193 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019). Như vậy, nếu trong một vụ tranh chấp lao động tập thể về quyền phải giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải viên thì các bên có thể tiến hành giải quyết tranh chấp theo trình tự sau:
Bước 1: Thực hiện giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải viên (hòa giải không thành, không tiến hành hòa giải trong thời hạn quy định, không thực hiện đúng theo thỏa thuận hòa giải thành)
Bước 2: Thực hiện giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động (một trong các bên không thực hiện theo quyết định của Ban trọng tài lao động)
Bước 3: Thực hiện giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án sau khi các bên đã tiến hành giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải viên và Hội đồng trọng tài nhưng đều không thành.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động phải là dài nhất, để các bên có đủ thời gian để tiến hành giải quyết tranh chấp thông qua 02 chủ thể còn lại (Hỏa giải viên lao động là 06 tháng, Hội đồng trọng tài là 09 tháng kể từ ngày một bên cho rằng quyền lợi hợp pháp của mình bị vi phạm), đồng thời có thời gian cân nhắc xem có nên giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thông qua Tòa án hay không (03 tháng), do một khi đã giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án thì phải tiêu tốn nhiều thời gian, công sức cũng như các bên phải tuân theo quyết định giải quyết tranh chấp của Tòa án, nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Trong các thời hiệu trên đây, không bao gồm các khoảng thời gian sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật (mà bên yêu cầu chứng minh được). Nếu vì các khoảng thời gian này mà không thể yêu cầu giải quyết tranh chấp đúng hạn thì quãng thời gian đó không tính vào thời hiệu. Ví dụ: thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền vào ngày 20/11/2020 đến ngày 20/11/2021 nhưng trong khoảng thời gian đó khu vực sản xuất của người lao động bị lũ quét phá hủy, cũng như các khu vực xung quang bị lũ lụt trong 01 tháng. 01 tháng này không tính vào thời hiệu, theo đó thời hiệu được kéo dài đến 20/12/2021.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh