2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Trước khi giao kết hợp đồng lao động, nhiều người sử dụng lao động và người lao động lựa chọn giao kết hợp đồng thử việc, hoặc thỏa thuận thêm nội dung thử việc vào hợp đồng lao động. Vậy thử việc là gì? Bộ luật lao động năm 2019 có quy định gì về thử việc? Hãy GỌI NGAY tới số điện thoại 0908308123 để được luật sư tư vấn pháp luật lao động MIỄN PHÍ hoặc tìm hiểu các thông tin pháp lý cần thiết thông qua nội dung bài viết dưới đây.
- Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 (Bộ luật Lao động năm 2019);
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Thử việc về bản chất là sự thỏa thuận tự nguyện của hai bên. Đây là quá trình các bên làm thử trong một thời gian nhất định nhằm đánh giá năng lực, trình độ, ý thức, điều kiện lao động, điều kiện sử dụng lao động…. trước khi quyết định ký kết hợp đồng lao động chính thức. Từ thời gian thử việc này, bên sử dụng lao động có thể đánh giá được năng lực và hiệu quả công việc, người lao động cũng biết xem mình có phù hợp với công việc, môi trường làm việc và các chế độ khác hay không từ đó đưa ra kết luận có làm việc chính thức hay không.
Theo Khoản 1 Điều 24 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Như vậy, người thử việc có thể được hiểu là người đang trong quá trình thử việc mà nội dung thử việc được ghi trong hợp đồng lao động, hoặc người thử việc thông qua hợp đồng thử việc.
Hợp đồng thử việc phát sinh trước khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đây không phải là loại hợp đồng đào tạo giống hợp đồng học nghề, tập nghề. Nội dung của hợp đồng thử việc không có mục liên quan đến đào tạo, các nội dung chính của hợp đồng thử việc gần giống với nội dung của hợp đồng lao động thông thường: Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động; Họ tên, thông tin cá nhân cơ bản của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động; Công việc và địa điểm làm việc; Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
Mục đích của việc giao kết hợp đồng thử việc là để hướng đến việc giao kết hợp đồng lao động sau khi chấm dứt hợp đồng thử việc. Đối với người sử dụng lao động, việc áp dụng hợp đồng thử việc trước khi giao kết hợp đồng là một bước đảm bảo khi tuyển chọn nhân sự. Đối với người thử việc, quá trình thử việc là cơ hội để thể hiện năng lực tốt nhất của bản thân trước nhà tuyển dụng.
Hợp đồng thử việc cũng không phải là hợp đồng mà người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc phải ký kết trước khi tiến hành giao kết hợp đồng lao động, hai bên có thể tiến hành giao kết hợp đồng lao động có nội dung thử việc, hoặc giao kết hợp đồng lao động luôn mà không có nội dung thử việc. Ngoài ra, trong trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn nhỏ hơn 01 tháng thì không được áp dụng thử việc (theo Khoản 3 Điều 24 Bộ luật lao động năm 2019). Trước đây, Bộ luật lao động năm 2012 có quy định tại Khoản 3 Điều 26 “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc”. Quy định này dẫn đến hiểu nhầm rằng muốn giao kết hợp đồng lao động thì phải giao kết hợp đồng thử việc trước, riêng trường hợp giao kết hợp đồng theo mùa vụ thì không cần giao kết hợp đồng thử việc, hoặc nếu muốn giao kết hợp đồng thử việc trước khi giao kết hợp đồng lao động mùa vụ cũng được, bởi vì “không phải” nghĩa là không bắt buộc, không có nghĩa là không được phép. Bộ luật lao động năm 2019 đã xóa bỏ hợp đồng lao động mùa vụ đồng thời cũng chỉ ra rõ rằng hợp đồng thử việc là không bắt buộc, thậm chí là không được phép áp dụng trong trường hợp nhất định.
Đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp:
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, Đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp không được quá 180 ngày.
Đây là quy định mới của Bộ luật lao động năm 2019 khi quy định về thời gian thử việc, tại Khoản 1 Điều 25. Bộ luật lao động năm 2012 không có quy định thời gian thử việc cho người quản lý doanh nghiệp, sử dụng vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Như vậy, nghiễm nhiên công việc của người quản lý doanh nghiệp, sử dụng vốn nhà nước đàu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp thuộc vào hai nhóm trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên hoặc trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ với thời gian thử việc là không quá 60 ngày và không quá 30 ngày. Bộ luật lao động năm 2019 chia công việc này thành nhóm riêng và có thời gian thử việc tối đa dài nhất là không quá 180 ngày. Quy định này hợp lý bởi đây là công việc mang tính chuyên môn cao, chịu trách nhiệm lớn, phạm vi và mức độ công việc cũng rất lớn, nên đòi hỏi thời gian thử việc lâu hơn so với các công việc thông thường.
Đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên:
Đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên thời hạn thử việc do 2 bên tự thỏa thuận tuy nhiên không được quá 60 ngày. Quy định này được giữ nguyên từ Bộ luật lao động năm 2012 sang Bộ luật lao động năm 2019 (khoản 2 điều 25), vì 60 ngày, tức 02 tháng là quãng thời gian hợp lý nhất để thử việc đối với một người lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên khi các công việc này có tính chất phức tạp, không thể thử việc trong thời gian ngắn hạn nhưng cũng không thể thử việc quá dài hạn, dễ gây lách luật để lấy hợp đồng thử việc trá hình hợp đồng lao động.
Đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ:
Đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ thì thời hạn thử việc do hai bên tự thỏa thuận tuy nhiên không được quá 30 ngày. Quy định này cũng được giữ nguyên từ Bộ luật lao động năm 2012 sang Bộ luật lao động năm 2019 (Khoản 3 Điều 25). Các công việc này có tính chất phức tạp ở mức trung bình, không bằng hai nhóm trên, nên thời gian thử việc ngắn hơn.
Đối với công việc khác:
Đối với những công việc khác không thuộc vào danh mục những công việc nêu trên thì thời hạn thử việc do hai bên tự thỏa thuận tuy nhiên không được quá 6 ngày làm việc. Các công việc khác không thuộc các nhóm trên có thời gian thử việc thống nhất không quá 06 ngày. Những công việc này chủ yếu không đòi hỏi trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao, cũng không đòi hỏi bằng cấp, hay còn gọi là những công việc đơn giản, không cần thời gian thử việc dài ngày.
Theo Điều 28 Bộ luật lao động năm 2019:
“Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”
Như vậy, tiền lương thử việc do các bên tự thỏa thuận nhưng phải đảm bảo điều kiện ít nhất bằng 85% mức lương. Quy định này không khác biệt so với quy định về tiền lương thử việc theo Bộ luật lao động năm 2012. Theo đó, nếu lương của công việc đang được thử việc là 20 triệu Việt Nam đồng thì lương thử việc của người thử việc đối với công việc đó tối thiểu là 16 triệu Việt Nam đồng.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
a. Trường hợp thử việc đạt yêu cầu (Theo Khoản 1 Điều 27 Bộ luật lao động năm 2019):
(i) Nếu giao kết hợp đồng lao động có nội dung thử việc thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.
(ii) Nếu giao kết hợp đồng thử việc thì tiếp tục giao kết hợp đồng lao động.
Tuy nhiên không có quy định rằng đã có thông báo đạt yêu cầu từ phía người sử dụng lao động mà người sử dụng lao động không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động thì hậu quả pháp lý mà người sử dụng lao động phải gánh chịu sẽ như thế nào.
b. Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu (theo Khoản 1 Điều 27 Bộ luật lao động năm 2019):
(i) Nếu giao kết hợp đồng lao động có nội dung thử việc thì chấm dứt hợp đồng.
(ii) Nếu giao kết hợp đồng thử việc thì chấm dứt hợp đồng thử việc và không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động.
Mỗi bên không cần báo trước, không phải bồi thường hợp đồng (Theo Khoản 2 Điều 27 Bộ luật lao động năm 2019), do đây là thời gian thử việc, chưa giao kết hợp đồng lao động hoặc chưa bước vào giai đoạn làm việc chính thức theo hợp đồng lao động.
Như vậy, mục đích của việc thử việc là để hướng đến giao kết hợp đồng lao động hoặc thực hiện hợp đồng lao động một cách chắc chắn hơn đối với người sử dụng lao động. Các quy định về thử việc và hợp đồng thử việc của Bộ luật lao động năm 2019 tương đối chặt chẽ, rõ ràng so với Bộ luật lao động năm 2012.
Trong quá trình thực hiện thử việc nếu người sử dụng lao động cố tình có những hành vi vi phạm các quy định về thử việc dẫn đến xâm phạm trực tiếp về quyền lợi của người lao động thì pháp luật đã đặt ra chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mà người sử dụng lao động thực hiện. Cụ thể tại Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất, Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: (i) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ; (ii) Không thông báo kết quả công việc người lao động đã làm thử theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi sau đây: (i) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc; (ii) Thử việc quá thời gian quy định;(iii) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;(iv) Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Ngoài hình thức phạt tiền, pháp luật còn ghi nhận người sử dụng lao động còn phải khắc phục hậu quả:
Thứ nhất, buộc trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định: (i) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ(ii) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc; (iii) Thử việc quá thời gian quy định; (iv) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó; (v) Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Thứ hai, buộc giao kết hợp đồng lao động với người lao động đối với hành vi vi phạm quy định “Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Hi vọng qua bài viết trên đây, bạn đã nắm bắt được các vấn đề pháp lý cơ bản nhất liên quan đến việc thử việc theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu như có thắc mắc hoặc có vấn đề nào chưa rõ, đừng ngần ngại liên hệ với Công ty Luật Hoàng Anh qua số hotline: 0908 308 123 để trao đổi và làm rõ thêm.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh