2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Thưởng là hoạt động mà người lao động luôn mong muốn người sử dụng lao động thực hiện trong quá trình người lao động làm việc cho người sử dụng lao động. Vậy thưởng là gì? Người sử dụng lao động thưởng cho người lao động như thế nào, căn cứ vào đâu? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
- Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019 ( Bộ luật lao động 2019);
- Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 (Bộ luật Dân sự 2015)
Tại Khoản 1 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2019 có quy định:
Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
Theo định nghĩa trên, người lao động là cá nhân, có thỏa thuận với người sử dụng lao động (thông qua hợp đồng) và được trả lương dựa trên công việc mà cá nhân này làm. Trong quá trình làm việc, các cá nhân này chịu sự quản lý, điều hành, giám sát từ người sử dụng lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động cũng chỉ được quản lý, điều hành và giám sát trong phạm vi nhất định, liên quan đến quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Khái niệm này có sự khác biệt so với khái niệm của Bộ luật lao động năm 2012 bởi Bộ luật lao động năm 2012 quy định người lao động là người “làm việc theo hợp đồng lao động”. Vậy theo Bộ luật lao động năm 2019, nếu không phải là chủ thể của hợp đồng lao động thì có là “người lao động”? Trên thực tế, người lao động vẫn là người làm việc có hợp đồng lao động. Bởi theo Khoản 6 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2019 thì người làm việc không có quan hệ lao động là người làm việc trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động. Tuy nhiên chỉ có người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới là chủ thể trong quan hệ lao động. Như vậy, người lao động cũng là người làm việc cho người sử dụng lao động và có hợp đồng lao động, tuy nhiên, hợp đồng lao động sẽ không còn là một điều kiện để xác định người lao động nữa.
Theo Khoản 1 Điều 104 Bộ luật lao động năm 2019:
“1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.”
Trên cơ sở quy định trên, có thể hiểu thưởng chính là khoản tiền bên cạnh khoản tiền lương chính thức theo hợp đồng lao động hoặc các loại tài sản khác mà người lao động được nhận nếu như có thành tích xuất sắc hoặc chăm chỉ làm việc chăm chỉ, năng suất. Và đây cũng là một trong những chính sách để doanh nghiệp có thể thu hút nhân tài vào làm việc tại công ty. Khi một công ty có chế độ đãi ngộ, thưởng hợp lí, người lao động sẽ có công lực để làm việc và cống hiến hơn.
Dựa trên quy định tại khaonr 1 điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, thưởng có 03 hình thức:
(i) Bằng tiền
(ii) Bằng tài sản
(iii) Bằng hình thức khác
Tuy nhiên, theo Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định tại Điều 105: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Suy ra trên thực tế, thưởng có 02 dạng là tài sản và hình thức khác. Các hình thức khác ở đây bao gồm thưởng bằng quyền lợi, bằng lợi ích,... tức các hình thức không bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Trường hợp người lao động được thưởng bằng tiền, số tiền được thưởng không được tính vào tiền lương của người lao động, vì tiền lương chỉ bao gồm tiền lương theo công việc hoặc chức danh, chức vụ của người lao động, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, trong đó không bao gồm tiền thưởng. Như vậy, tiền thưởng không được tính vào số tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hay đóng thuế thu nhập cá nhân.
Căn cứ để thưởng cho người lao động dựa trên
(i) Kết quả sản xuất, kinh doanh
(ii) Mức độ hoàn thành công việc của người lao động
Kết quả sản xuất, kinh doanh mà người lao động đạt được ở một mức đột phá, hoặc đạt được tiêu chí thưởng của người sử dụng lao động, mức độ hoàn thành công việc của người lao động cao, đạt tiêu chí hoàn thành tốt công việc của người lao động thì người sử dụng lao động dựa vào các căn cứ này để thưởng hoặc chỉ là đã hoàn thành công việc không sai sót trong một năm. Đây là một quy định tương đối khái quát. Thông thường, người sử dụng lao động tự xây dựng các quy định của mình về căn cứ thưởng đối với người lao động. Trong nhiều trường hợp, vấn đề về căn cứ thưởng cho người lao động cũng được đưa vào thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể. Người sử dụng lao động khi tham gia vào các thỏa ước lao động tập thể này phải xây dựng các quy định về căn cứ, hình thức thưởng dành cho người lao động của mình tương xứng với nội dung của thỏa ước lao động tập thể.
Theo Khoản 1 Điều 104 Bộ luật lao động năm 2019:
“2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.”
Như đã nêu trên, người lao động tự xây dựng các quy định về thưởng, gọi là quy chế thưởng. Quy chế này được người sử dụng lao động quyết định nhưng phải có tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có tổ chức đại diện tại cơ sở). Việc tham khảo ý kiến này rất quan trọng vì tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có chức năng đại diện cho người lao động, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người lao động. Hoạt động thưởng vốn nhằm khuyến khích, động viên người lao động tiếp tục hăng hái thực hiện công việc đạt kết quả tốt, vậy thì việc căn cứ thưởng, thưởng như thế nào cũng nên có sự góp ý của người lao động, vì thưởng chỉ có giá trị khi thưởng có ý nghĩa với người lao động. Ngoài ra, nếu thỏa ước lao động tập thể mà người sử dụng lao động tham gia có quy định về thưởng, người sử dụng lao động cũng phải xây dựng quy chế thưởng sao cho phù hợp với nội dung của thỏa ước lao động tập thể. Nếu quy chế thưởng của người sử dụng lao động được xây dựng trước khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết thì người sử dụng lao động phải tiến hành sửa đổi, bổ sung những phần không phù hợp của quy chế thưởng mà mình đã xây dựng để phù hợp với nội dung của thỏa ước lao động tập thể.
Quy chế thưởng thường được xây dựng cùng với quy chế lương, chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp.
Pháp luật không quy định công ty bắt buộc phải thưởng cho nhân viên, việc thưởng Tết cho nhân viên hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình của doanh nghiệp và do doanh nghiệp tự quyết định. Do đó, việc công ty không thưởng Tết cho nhân viên là không trái với quy định của luật. Vì vậy, công ty sẽ không bị phạt bởi không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nhìn nhận lại trên thực tế, cả một năm người lao động cống hiến hết mình cho doanh nghiệp, mang lại doanh thu, lợi nhuận, do vậy, công ty cũng nên có những chính sách để hỗ trợ một khoản tiền lương thưởng cho công nhân viên để họ có động lực cống hiến và làm việc nhằm tạo năng suất và hiệu quả cao hơn, qua đó cũng xem như một chính sách thu hút nhân tài của công ty.
Như vậy, Bộ luật lao động năm 2019 quy định tương đối khái quát về thưởng cho người lao động, đặc biệt về quy chế thưởng, nhằm đảm bảo người sử dụng lao động có thể sử dụng hình thức và mức độ thưởng phù hợp nhất đối với người lao động của mình mà không có sự can thiệp quá sâu của các quy định pháp luật.
Căn cứ khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH , tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác:
- Tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến;
- Tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
- Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Như vậy, tiền thưởng Tết của người lao động sẽ không làm căn cứ tính đóng BHXH. Đây là khoản tiền mà doanh nghiệp thưởng thêm cho người lao động sau một năm cống hiến cho công ty. Do đó, người lao động sẽ được hưởng toàn bộ số tiền thưởng Tết mà không phải trích để đóng BHXH.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh