Tổ chức bộ phận y tế như thế nào? (Phần 1)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:03 (GMT+7)

Bài viết giải thích về việc tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh

Bộ phận y tế là một bộ phận quan trọng tại cơ sở làm việc, thực hiện công tác y tế, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Vậy tại cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh cần bố trí bộ phận y tế như thế nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

1. Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề chế biến, bảo quản thủy sản, khai khoáng, sản xuất sản phẩm dệt, may, da, giày, sản xuất than cốc, sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, tái chế phế liệu, vệ sinh môi trường, sản xuất kim loại, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất xuất vật liệu xây dựng

Đây là các cơ sở sản xuất, kinh doanh có môi trường sản xuất, kinh doanh dễ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do môi trường làm việc tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại như các chất bảo quản, thuốc nhuộm, hóa chất khác và các kim loại nặng. Điều đó dẫn tới yêu cầu cấp thiết phải có bộ phận quản lý về vấn đề y tế cho người lao động, nhằm giảm thiểu rủi ro do các yếu tố có hại, cũng như chịu trách nhiệm về vấn đề y tế, an toàn, vệ sinh lao động trước người sử dụng lao động và người lao động tại cơ sở. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động khi tổ chức bộ phận y tế phải chú ý về quy mô sản xuất và chất lượng nhân lực để lựa chọn người làm công tác y tế phù hợp với cơ sở làm việc của mình. Do vậy có 04 trường hợp sau:

1.1. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 300 người lao động

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ:

a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 300 người lao động phải có ít nhất 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp

Dựa trên quy định này, đối với các nhóm ngành sản xuất, kinh doanh này, thì người sử dụng lao động phải chú ý 02 yếu tố khi bố trí, tổ chức bộ phận y tế:

a. Số lượng người trong bộ phận y tế: Ít nhất 01 người làm công tác y tế

Do đây là trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh ở quy mô nhỏ (dưới 300 người lao động) nên việc quản lý vấn đề y tế không quá phức tạp, do đó bộ phận y tế chỉ cần tối thiểu 01 người thực hiện các nhiệm vụ quản lý sức khỏe người lao động (hồ sơ sức khỏe, tổ chức khám sức khỏe) và tham mưu cho người sử dụng lao động khi xây dựng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.

b. Trình độ học vấn: Trung cấp

1.2. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 500 người lao động

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ:

b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 500 người lao động phải có ít nhất 01 bác sĩ/y sĩ và 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp

Trong trường hợp này, cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô trung bình, bắt đầu cần phải có chế độ quản lý an toàn, vệ sinh lao động nói chung và y tế nói riêng nhưng cũng chưa cần một đội ngũ hùng hậu để thực hiện công việc này. Người sử dụng lao động của cơ sở sản xuất, kinh doanh có từ 300 đến dưới 500 người lao động cần chú ý 02 yếu tố khi lựa chọn người làm công tác y tế cho bộ phận y tế của mình như sau:

a. Số lượng người trong bộ phận y tế: Ít nhất 01 bác sỹ, y sĩ và 01 người làm công tác y tế (tổng cộng tối thiểu 02 người trong bộ phận y tế)

b. Trình độ học vấn:

- Đối với bác sĩ: Trình độ đại học chuyên khoa y tế, trong đó có thể là bác sĩ hạng I, hạng II, hạng III, bác sĩ y học dự phòng (hạng I, hạng II, hạng III)

- Đối với y sĩ: Trình độ trung cấp về y tế, trong đó có thể là y sĩ hạng I, hạng II, hạng III, y sĩ hạng IV

- Đối với người làm công tác y tế: Trình độ trung cấp

1.3. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động

Theo Điểm c Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ:

c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động phải có ít nhất 01 bác sĩ và mỗi ca làm việc phải có 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp

Đây là trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô trên trung bình, nhưng chưa được coi là mức quá lớn. Do số lượng người lao động làm việc tại cơ sở tương đối đông, cũng như việc quản lý y tế trở nên phức tạp hơn trong môi trường lao động nhiều người và nhiều công việc. Vì vậy, người trong bộ phận y tế phải có năng lực chuyên môn cao hơn so với các trường hợp trên, do đó, bộ phận y tế phải thỏa mãn 02 điều kiện sau:

a. Số lượng người của bộ phận y tế: Ít nhất 01 bác sĩ, mỗi ca phải có 01 người làm công tác y tế có trình độ trung cấp (tối thiểu 02 người trong bộ phận y tế).

b. Trình độ học vấn:

- Đối với bác sỹ: Trình độ đại học chuyên khoa y tế

- Đối với người làm công tác y tế: Trình độ trung cấp

1.4. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 1.000 lao động trở lên

Theo Điểm c Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ:

d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 1.000 lao động trở lên phải thành lập cơ sở y tế theo hình thức tổ chức phù hợp quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh

Đây là trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn, với số lượng người lao động đông đảo khiến hoạt động quản lý của người sử dụng lao động cũng như công tác y tế chung cho toàn bộ người lao động đòi hỏi khả năng làm việc chuyên nghiệp cũng như có tổ chức hơn so với một bộ phận nhỏ tại nơi sản xuất như bộ phận y tế. Khi đã có hơn 1000 người lao động làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, bộ phận y tế gồm số lượng ít người làm công tác y tế, bác sỹ không đủ khả năng khi phải quản lý hồ sơ sức khỏe của hơn 1000 người lao động cũng như xử lý các vấn đề phát sinh, trường hợp khẩn cấp đối với số lượng người lao động lớn như vậy. Vì vậy, người sử dụng lao động phải thành lập một cơ sở y tế khám, chữa bệnh cho người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình. Cơ sở này được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về tổ chức và quản lý y tế, ví dụ, để có thể thành lập cơ sở khám, chữa bệnh tại cơ sở, người sử dụng lao động phải chú ý các điều kiện thành lập quy định tại Điều 42, Điều 43, Điều 44 Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009.

Xem thêm: Tổ chức bộ phận y tế như thế nào? (Phần 2)

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư