Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức Nhà nước trong giải quyết tranh chấp lao động như thế nào?

Thứ sáu, 30/06/2023, 10:53:39 (GMT+7)

Bài viết này giải thích về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức Nhà nước trong giải quyết tranh chấp lao động

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Trong những năm qua, tranh chấp lao động trong quan hệ lao động  phát triển theo xu hướng ngày càng lan rộng và phức tạp. Các cuộc tranh chấp lao động nguyên nhân trực tiếp là do quyền và lợi ích của người lao động chưa được đảm bảo như: thanh toán tiền lương còn nợ không đúng thời gian quy định, không thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể về lương thưởng cuối năm, thưởng Tết... Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động khi xảy ra tranh chấp lao động, pháp luật lao động hiện hành quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nhà nước trong giải quyết tranh chấp lao động. Bài viết sau đây của Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về nội dung này.

Căn cứ pháp lý

Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019 (Bộ Luật lao động 2019)

Tranh chấp lao động là gì?

Trên cơ sở của quy định của các Bộ Luật lao động trước đây, Bộ Luật lao động 2019 đã đưa ra định nghĩa về tranh chấp lao động như sau:

 Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Nội hàm định nghĩa tranh chấp lao động theo Bộ Luật Lao động 2019 được mở rộng so với trước đây. Theo đó, tranh chấp lao động không chỉ là tranh chấp phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động trong quá trình thuê mướn, sử dụng lao động mà còn là những tranh chấp phát sinh từ một số quan hệ liên quan đến quan hệ lao động như quan hệ về cho thuê lại lao động, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp....Ngoài ra, Bộ Luật lao động 2019 cũng thừa nhận tranh chấp phát sinh giữa các tổ chức người đại diện lao động, tranh chấp giữa một/nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một/nhiều tổ chức đại diện người sử dụng lao động là tranh chấp lao động.. 

Đặc điểm của tranh chấp lao động

Chủ thể của tranh chấp lao động là các bên trong quan hệ lao động

Các chủ thể trong quan hệ lao động bao gồm: Người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động.

Trong đó phía người lao động gồm người lao động, người đại diện của người lao động dưới 15 tuổi, người giám hộ của người lao động,… Các chủ thể này có quyền giao kết hợp đồng lao động.

Phía người sử dụng lao động bao gồm đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động, người đứng đầu cơ quan, tổ chức là người sử dụng lao động,… Các chủ thể này có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động.

Tổ chức đại diện người lao động bao gồm Công đoàn và tổ chức của người lao động tại cơ sở.

Tổ chức đại diện người sử dụng lao động bao gồm hai chủ thể tiêu biểu là Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Đối tượng của tranh chấp là quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động, quyền và lợi ích của các tổ chức đại diện người lao động

Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động có sự đối lập nhau. Quyền của người lao động là nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, ngược lại, nghĩa vụ của người lao động bảo đảm quyền của người sử dụng lao động. Tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động có nhiệm vụ bảo đảm quyền cho người lao động và người sử dụng lao động, cũng dẫn đến tình trạng tương tự như người lao động và người sử dụng lao động. Suy ra các tranh chấp giữa các chủ thể này với nhau về cơ bản xuất phát từ một bên vượt quá quyền của mình và một bên bị mất, cắt xén quyền của mình. Do đó các tranh chấp này chủ yếu giữa phía người sử dụng lao động (bao gồm tổ chức đại diện người lao động) và phía người lao động (bao gồm cả tổ chức đại diện người lao động). Rất ít khi xảy ra trường hợp tranh chấp lao động giữa người lao động và tổ chức đại diện người lao động, hay giữa tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người sử dụng lao động.

Tuy nhiên theo Bộ luật lao động 2019, hiện nay không chỉ Công đoàn mà có nhiều tổ chức đại diện người lao động khác nhau được thành lập và hoạt động tại cơ sở. Các tổ chức này đều làm các nhiệm vụ đại diện cho người lao động nhưng lại không hề liên kết với nhau, trừ trường hợp kết hợp để yêu cầu thương lượng tập thể khi tất cả các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở không đạt đủ yêu cầu về số lượng thành viên để độc lập yêu cầu tổ chức thương lượng tập thể. Do đó, giữa các tổ chức này có thể có sự cạnh tranh nhất định, dẫn đến xảy ra tranh chấp. Tranh chấp này cũng được gọi là tranh chấp lao động.

Tranh chấp lao động phải được biểu hiện ra bên ngoài

Một tranh chấp lao động phải được biểu hiện ra bên ngoài và biểu đạt rõ yêu cầu của một hoặc tất cả các bên về tranh chấp lao động đó. Các mâu thuẫn về quyền và lợi ích của chủ thể chưa bộc lộ ra bên ngoài mà mới chỉ trong suy nghĩ, trong tư duy thì chưa thể trở thành tranh chấp. Hình thức biếu hiện có thể bắt gặp như thể hiện thái độ của mình về tranh chấp, yêu cầu giải quyết tranh chấp....

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

Theo Điều 180 Bộ luật lao động 2019, có 05 nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động:

Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động

Các bên tham gia giải quyết tranh chấp lao động vẫn có thể tự thương lượng với nhau trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Nếu cơ chế tự thương lượng đạt hiệu quả thì không cần đến hoạt động giải quyết tranh chấp lao động của hòa giải viên, hội đồng trọng tài và tòa án nhân dân nữa. Các bên không phải tốn nhiều chi phí mà vẫn đạt được ở mức tối thiểu mong muốn của mình. Quyền tự định đoạt thông qua thương lượng này không chỉ thể hiện trong quá trình các bên giải quyết tranh chấp lao động mà còn cả trước khi các bên khiến vấn đề chung thành tranh chấp lao động. Nhà nước tạo điều kiện cho các bên tự quyết các vấn đề của mình nếu không có dấu hiệu vi phạm pháp luật, do đó, trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, dù là ở giai đoạn nào trừ khi đã có phán quyết của tòa án, hội đồng trọng tài lao động, chỉ cần các bên tự thương lượng thỏa thuận được kết quả thì coi như tranh chấp được giải quyết.

Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật

Việc giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải luôn được ưu tiên hơn so với thông qua trọng tài hay tòa án nhân dân, do trên thực tế biện pháp giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải vẫn dựa trên thỏa thuận, thương lượng giữa các bên dưới sự thúc đẩy của hòa giải viên. Ngoài ra, giải quyết tranh chấp lao động thông qua tòa án nhân dân tốn nhiều chi phí cũng như thời gian của các bên tranh chấp hơn so với hòa giải hay trọng tài. Các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua 02 phương thức này phải tôn trọng kết quả giải quyết tranh chấp, đồng thời kết quả này phải đảm bảo lợi ích của hai bên tranh chấp, không trái với lợi ích chung của xã hội và pháp luật.

Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật

Các bên cùng tham gia giải quyết tranh chấp lao động theo một trình tự nhất định theo quy định của pháp luật. Trong suốt quá trình này, các chủ thể tham gia giải quyết tranh chấp cũng như các chủ thể có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật. Công khai, minh bạch ở đây là công khai, minh bạch toàn bộ chứng cứ, các văn bản liên quan, quan điểm của các bên. Hoạt động giải quyết tranh chấp cũng phải được thực hiện một cách khách quan và kịp thời, do đó pháp luật lao động có quy định về thời hiệu để giải quyết tranh chấp lao động. Tranh chấp lao động phải được giải quyết theo quy trình nhất quán, đúng pháp luật, các bên tham gia phải đảm bảo tôn trọng các quyết định của hội đồng trọng tài lao động, tòa án nhân dân.

Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động

Sự tham gia của đại diện ở đây có thể là sự tham gia của người đại diện cho tổ chức đại diện tổ chức người lao động, hoặc người đại diện cho người sử dụng lao động, người đại diện cho tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Đại diện các bên phải tham gia vào các hoạt động giải quyết tranh chấp lao động, từ các phiên họp hòa giải đến các hoạt động giải quyết của hội đồng trọng tài lao động và tòa án nhân dân. Điều này đảm bảo các bên có cơ hội bằng nhau trong giải quyết tranh chấp cũng như thể hiện sự tôn trọng đối với các bên còn lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.

Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động khi có yêu cầu của bên tranh chấp, nhưng yêu cầu phải trong thời hiệu quy định. Quá thời hiệu mà pháp luật quy định thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện giải quyết tranh chấp cho các bên. Theo nguyên tắc này, việc giải quyết tranh chấp lao động qua cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chỉ được tiến hành khi:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về lao động (hòa giải viên, hội đồng trọng tài, tòa án nhân dân)

- Có yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (được các bên tranh chấp đồng ý).

Như vậy, Bộ Luật lao động 2019 có các quy định đầy đủ hơn về nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động so với Bộ luật lao động cũ (04 nguyên tắc), đồng thời thể hiện định hướng của Nhà nước cho các bên có phạm vi tự giải quyết tranh chấp lớn hơn so với trước kia.

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức Nhà nước trong giải quyết tranh chấp lao động

Trách nhiệm chung của cơ quan Nhà nước có liên quan giải quyết tranh chấp lao động

Khoản 1 Điều 181 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

Cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.

Các cơ quan quản lý nhà nước về lao động bao gồm Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan chuyên môn về lao động của Ủy ban nhân dân các cấp (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội). Các cơ quan này có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ các bên giải quyết tranh chấp ở các mức độ và cách thức khác nhau. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện xây dựng các quy định hướng dẫn về giải quyết tranh chấp về lao động, tổ chức các hoạt động đào tạo kiến thức về lao động, trong đó có giải quyết tranh chấp về lao động. Cơ quan chuyên môn về lao động của Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện trực tiếp hỗ trợ các bên tham gia tranh thực hiện các trình tự, thủ tục để giải quyết tranh chấp. Trong quá trình này, các cơ quan Nhà nước hỗ trợ nhau, phối hợp thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất.

Trách nhiệm của Bộ lao động – Thương binh và xã hội

Khoản 2 Điều 181 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức việc tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động trong giải quyết tranh chấp lao động.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tập huấn, nâng cao trình độ cho hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động bởi các chủ thể này do Bộ lao động – Thương binh và Xã hội lên kế hoạch bổ nhiệm và bổ nhiệm. Bộ lao động – Thương binh và Xã hội phải chịu trách nhiệm về trình độ của những người được bổ nhiệm vào các vị trí này. Một người muốn trở thành hòa giải viên, trọng tài viên lao động đều cần phải đạt đủ các tiêu chuẩn để trở thành các chủ thể này, đồng thời, sau khi được bổ nhiệm, hòa giải viên, trọng tài viên lao động cũng phải có các hoạt động nâng cao trình độ, khả năng để thực hiện công việc, và Bộ lao động – Thương binh và Xã hội cũng chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động này.

Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân

Khoản 3 Điều 181 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

3. Khi có yêu cầu, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến hòa giải viên lao động đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động, chuyển đến Hội đồng trọng tài trong trường hợp yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết hoặc hướng dẫn gửi đến Tòa án để giải quyết.

Dựa vào quy định trên, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân có các nhiệm vụ sau:

- Tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động trong thời hạn quy định

- Hướng dẫn, hỗ trợ các bên tranh chấp thực hiện đúng quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động trong các trường hợp cụ thể

- Chuyển yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cho hòa giải viên (trong trường hợp bắt buộc phải giải quyết thông qua hòa giải viên), cho Hội đồng trọng tài hoặc hướng dẫn bên yêu cầu giải quyết tranh chấp thực hiện gửi yêu cầu đến Tòa. Thời hạn để thực hiện là 05 ngày kể từ ngày cơ quan này nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp. Nói cách khác, nhiệm vụ này không khác gì điều phối yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động đối với từng người.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư