Trách nhiệm của người làm công tác y tế như thế nào? (Phần 1)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:04 (GMT+7)

Bài viết giải thích về trách nhiệm của người làm công tác y tế

Theo Khoản 2 Điều 73 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người làm công tác y tế có nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử dụng lao động tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh với 06 nội dung chủ yếu. Các nội dung này cũng phản ánh trách nhiệm của người làm công tác y tế đối với không chỉ người sử dụng lao động, mà còn với người lao động và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý về vấn đề y tế. Các nội dung chủ yếu như sau:

1. Xây dựng phương án, phương tiện sơ cứu, cấp cứu, thuốc thiết yếu và tình huống cấp cứu tai nạn lao động, tổ chức tập huấn công tác sơ cứu, cấp cứu cho người lao động tại cơ sở

Một trong các nghĩa vụ của người sử dụng lao động là xây dựng phương án, phương tiện sơ cứu, cấp cứu, thuốc thiết yếu và tính huống cấp cứu tai nạn lao động cho người lao động làm việc cho mình và người lao động làm việc tại cơ sở lao động của mình thông qua nội quy lao động, quy chế làm việc và các quy định khác đối với người lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động (người đại diện người sử dụng lao động) thường không có chuyên môn về y tế cũng như an toàn, vệ sinh lao động, cũng không có thời gian và khả năng để tự mình xây dựng và kiểm tra tính thực tế, phù hợp của các quy định mà mình ban hành.

Giống với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế tham mưu cho người sử dụng lao động thực hiện xây dựng phương án, phương tiện sơ cứu, cấp cứu, thuốc thiết yếu và tình huống cấp cứu tai nạn lao động, dựa vào khả năng chuyên môn về y tế (đối với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động là khả năng quản lý và chuyên môn kỹ thuật), cũng như tình hình y tế tại cơ sở (số người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tình hình sức khỏe chung của người lao động), các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc mà trong quá trình thực hiện nhiệm vụ người làm công tác y tế xác định được. Người làm công tác y tế chịu trách nhiệm trước người sử dụng về các nội dung tham mưu cho người sử dụng lao động.

Đồng thời, người làm công tác y tế thực hiện tổ chức tập huấn cho người lao động thực hiện hoạt động sơ cứu, cấp cứu để phòng tránh rủi ro và hậu quả nghiêm trọng ngay cả trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động tại nơi làm việc.

2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động, tư vấn các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp; đề xuất, bố trí vị trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động

Xây dựng kế hoạch và tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, khám giám định y khoa xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động của mình. Tuy nhiên các hoạt động này có quy trình và các tiêu chuẩn cụ thể về y tế, mang tính chuyên môn cao nên người sử dụng lao động không thể tự mình thực hiện được.

Người làm công tác y tế có trách nhiệm tham mưu, hỗ trợ người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch và tổ chức khám sức khỏe, tức là phải hỗ trợ ngưới sử dụng lao động trong 02 giai đoạn: xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Ở giai đoạn xây dựng kế hoạch, người làm công tác y tế hỗ trợ đưa ra các kết quả kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở, thống kê các số liệu y tế tại cơ sở lao động cũng như đưa ra các ý kiến xây dựng cho người sử dụng lao động. Ở giai đoạn thực hiện kế hoạch, tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp,…, người làm công tác y tế phải có khả năng quản lý để giám sát quá trình thực hiện kế hoạch cùng người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Ngoài chức năng trên, người làm công tác y tế, bộ phận y tế còn có trách nhiệm hỗ trợ người lao động điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động, tư vấn các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động để người lao động phòng tránh các bệnh nghề nghiệp cũng như kịp thời phát hiện bệnh nghề nghiệp khi có dấu hiệu. Đồng thời, khi người lao động đã bị bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động nhưng cũng đã điều trị phục hồi và trở lại làm việc, bộ phận y tế có trách nhiệm xem xét bệnh án cũng như tổ chức khám sau khi người lao động trở về làm việc để đề xuất với người sử dụng lao động bố trí, sắp xếp công việc phù hợp cho người lao động.

3. Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh thông thường tại cơ sở và sơ cứu, cấp cứu người bị nạn khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động theo quy định

Đây là trách nhiệm cơ bản của người làm công tác y tế, bộ phận y tế. Bộ phận y tế luôn phải có mặt thường trực tại nơi làm việc nhằm phục vụ cho các hoạt động y tế tại cơ sở lao động như khám, chữa bệnh thông thường tại cơ sở, sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động. Các hoạt động này phải được thực hiện trong thẩm quyền cho phép của người sử dụng lao động cũng như trách nhiệm y tế. Ví dụ: Người làm công tác y tế được thực hiện các hoạt động sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động như cầm máu, băng bó tạm thời, giữ nhiệt,… nhưng không được tiến hành các hoạt động y tế vượt quá sơ cứu, cấp cứu như phẫu thuật, tiến hành cắt chân, tay người lao động, thực hiện các biện pháp không đảm bảo tiêu chuẩn y tế, không có căn cứ khoa học đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.

Xem thêm: Trách nhiệm của người làm công tác y tế như thế nào? (Phần 2)

Luật Hoàng Anh

 

 

 

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư