Trách nhiệm của người lao động trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:58 (GMT+7)

Bài viết giải thích về trách nhiệm của người lao động trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc

Cũng giống như người sử dụng lao động, người lao động cũng có trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động. Trách nhiệm của người lao động trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc như thế nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Theo Điều 17 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người lao động có 04 trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

1. Chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc

Theo Khoản 1 Điều 17 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người lao động phải chấp hành các quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

Dựa trên quy định này, người lao động tại nơi làm việc phải chấp hành các quy định theo trình tự sau:

- Quy định pháp luật: Các văn bản quy phạm pháp luật (Bộ luật, Luật, Nghị định, Thông tư,…), các văn bản áp dụng pháp luật có tác động trực tiếp đến người lao động (Quyết định, công văn,…)

- Thỏa ước lao động tập thể do người sử dụng lao động ký kết

- Các quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động mà người sử dụng lao động ban hành và được áp dụng tại nơi làm việc

Các quy định này đều được xây dựng dựa trên quy trình nghiêm ngặt và có sự tham khảo ý kiến từ các chủ thể đại diện cho người lao động như Công đoàn, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở,… Vì vậy các quy định này phải được người lao động thực hiện một cách nghiêm túc tại nơi làm việc.

2. Thực hiện, tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động

Theo Khoản 2 Điều 17 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người lao động có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật, nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao. Trong đó:

- Người lao động không được làm những gì mà pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cấm, như các hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động, các hành vi bị cấm về an toàn, vệ sinh lao động được quy định tại Điều 8 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, Điều 12 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015.

- Tự mình trau dồi, nắm vững kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động để tự đảm bảo an toàn cho bản thân khi thực hiện công việc để thực hiện tốt các quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

- Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được người sử dụng lao động cung cấp, do đây cũng được coi là tài sản của người sử dụng lao động, phục vụ đảm bảo trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với an toàn, vệ sinh của người lao động.

3. Tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

Người lao động, trong hai trường hợp làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và trường hợp người lao động thông thường đều phải tham gia khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (Theo quy định tại Điều 14 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015).

Ngoài ra người lao động cũng phải tham gia các khóa huấn luyện định kỳ, huấn luyện cập nhật kỹ năng, kiến thức, huấn luyện khi trở lại làm việc sau thời gian nghỉ,… nhằm đảm bảo thực hiện công việc với kỹ năng, hiểu biết tốt nhất về an toàn, vệ sinh lao động, nhất là khi người lao động sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

4. Có hoạt động ngăn chặn các nguy cơ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố, hành vi vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động

Theo Khoản 4 Điều 17 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, các hoạt động ngăn chặn các nguy cơ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố, hành vi vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:

a. Các hoạt động ngăn chặn nguy cơ trực tiếp an toàn, vệ sinh lao động, hành vi vi phạm quy định an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc như ngừng việc khi có nguy hiểm tại nơi làm việc, cảnh báo cho người lao động khác không thực hiện các thao tác nguy hiểm với các thiết bị, máy móc,…

b. Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi biết tai nạn lao động, sự cố hoặc phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp: Khi có các sự cố, tai nạn lao động, nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động, người lao động có trách nhiệm báo ngay với người sử dụng lao động, đồng thời người lao động cũng phải báo cho Cơ quan Công an (các cấp), Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nếu xảy ra tai nạn lao động dẫn đến hậu quả chết người.

c. Chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó:

- Người lao động có trách nhiệm tự tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố trong trường hợp nơi làm việc xảy ra sự cố, tai nạn lao động theo phương án mà người sử dụng lao động đề ra nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.

- Người lao động phải chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo lệnh của người sử dụng lao động trong tình trạng khẩn cấp nhưng không quá 60 ngày cộng dồn trong 01 năm.

- Người lao động làm một số công việc đặc thù phải làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong trường hợp có yêu cầu từ cơ quan Nhà nước khi có sự cố liên quan đến an ninh, quốc phòng và các tình trạng khẩn cấp khác.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư