Trách nhiệm, nghĩa vụ phòng chống quấy rối tình dục của người sử dụng lao động như thế nào?

Thứ tư, 22/11/2023, 09:25:30 (GMT+7)

Bài viết này giải thích về trách nhiệm, nghĩa vụ phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc của người sử dụng lao động

 Quấy rối tình dục là vấn đề luôn được mọi người quan tâm khi mà hành vi này xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội với nhiều cách thức khác nhau. Quấy rối tình dục được hiểu là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào khi mà chưa được sự chấp thuận của người bị quấy rối gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của họ (kể cả nữ giới và nam giới), được thể hiện thông qua nhiều hình thức như: hành động, lời nói, hình ảnh.

Ngày nay, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc cũng diễn ra ngày càng nhiều. Nhằm đảm bảo kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, pháp luật lao động đã quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc của người sử dụng lao động. Theo đó, bài viết sau đây của Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về nội dung này hoặc GỌI NGAY cho Luật Hoàng Anh qua số điện thoại: 0908 308 123 để được LUẬT SƯ tư vấn MIỄN PHÍ về dịch vụ giấy phép lao động cũng như các quyền lợi liên quan.

Căn cứ pháp lý

- Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019 (Bộ Luật lao động 2019);

- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì?

Khoản 9 Điều 3 Bộ Luật lao động 2019 quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sau:

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.

Có 03 tiêu chí để xác định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đó là: (i) có tính chất tình dục, (ii) không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận; (iii) tại nơi làm việc. Quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

Pháp luật lao động Việt Nam cũng đưa ra 03 hình thức cơ bản của quấy rối tình dục bao gồm hành vi mang tính thể chất, quấy rối tình dục bằng lời nói và quấy rối tình dục phi lời nói. 

Những nơi nào được coi là nơi làm việc khi xem xét hành vi quấy rối tình dục?

.Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 84 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ

Nơi làm việc quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

Có thể thấy khái niệm nơi làm việc đã được quy định một cách khá đầy đủ và bao quát. Bởi trên thực tế các vụ quấy rối tình dục thường xuyên xảy ra ở những nơi không phải là nơi làm việc hàng ngày, thương xuyên của người lao động mà là những địa điểm khác như trên ô tô di chuyển, tại sự kiện.... Hơn thế nữa, hành vi quấy rối tình dục cũng có thể diễn ra ngoài giờ làm việc và trên không gian mạng nhưng vẫn liên quan đến công việc.

Những hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì các hành vi thuộc hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm:

- Thứ nhất, hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục. Đây là những hành vi thể hiện qua các cử chỉ và hành động có sự động chạm, tiếp xúc vào cơ thể, mà các cử chỉ và hành động đó hướng tối tình dục. Đây được gọi là hành vi quấy rối tình dục mang tính thể chất, tác động trực tiếp đến cơ thể và tâm lý của nạn nhân. Theo quy định này, hành vi mang tính thể chất đã được liệt kê khá cụ thể là các hành động, cử chỉ có sự tiếp xúc và tác động vào cơ thể nạn nhân. Tuy nhiên. thuật ngữ "mang tính tình dục" nhằm miêu tả bản chất của hành động, cử chỉ đó lại chưa được pháp luật quy định cụ thể, dẫn đến những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp khi xác định hành vi.

-Thứ hai, quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục. Đây là một hình thức quấy rối xuất hiện khá nhiều trong mỗi trường công sở, nhưng phần lớn mọi người không thừa nhận hoặc không biết mà không có phản ứng do tâm lý e ngại, sợ mấy lòng. Khác với hành vi quấy rối thể chất, quấy rối tình dục bằng lời nói không có sự tiếp xúc hay tác động trực tiếp vào cơ thể nhưng nó cũng có thể gây cho nạn nhân những cảm giác tiêu cực như cảm thấy khó chịu, buồ tủi, sợ hãi, ám ảnh. Không chỉ dừng lại ở lời nói trực tiếp mà Bộ Luật lao động 2019 đã quy định mở rộng bao gồm cả lời nói qua điện thoại, lời thể thể hiện bằng văn bản qua phương tiện điện tử như điện thoại di động, email máy tính... mang nội dung tình dục hoặc ngụ ý tình dục.

- Thứ ba, quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử. Hành vi quấy rối tình dục này cũng không có sự tiếp xúc giữa người quấy rối và người bị quấy rối. Ngôn ngữ cơ thể của người quấy rối tình dục được hiểu là những hành động mang tính khiêu khích, không đứng đắn... Bên cạnh đó, việc phô bày những tài liệu, videp, vật thể, tạp thể ....liên quan đến tình dục cũng được coi là quấy rối tình dục phi lời nói. 

Trách nhiệm, nghĩa vụ phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc của người sử dụng lao động

Theo Khoản 1 Điều 86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, người sử dụng lao động có 03 nghĩa vụ cơ bản trong phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Người sử dụng lao động có quyền và nghĩa vụ đầu tiền là điều hành, giám sát, quản lý người lao động. Tại nơi làm việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí môi trường làm việc, điều kiện làm việc, cơ chế làm việc cho người lao động. Đồng thời người sử dụng lao động cũng phải quản lý số lượng lao động, từ thông tin cá nhân cơ bản đến các thông tin về sơ yếu lý lịch, án tích,... của người lao động. Do đó, người sử dụng lao động là chủ thể có khả năng phòng chồng quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhất trong 03 chủ thể người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động.

Người sử dụng lao động phải đảm bảo người lao động làm việc trong điều kiện an toàn cơ bản theo Luật an toàn, vệ sinh lao động, trong đó có hoạt động phân chia buồng tắm, nhà vệ sinh nam, nữ một cách hợp lý. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải bố trí môi trường lao động không quá khép kín, vừa đảm bảo sức khỏe cho người lao động, vừa tránh trường hợp quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Cùng với các biện pháp cơ bản về bố trí nơi làm việc, các biện pháp về quản lý như lắp camera, sắp xếp người lao động nam không làm chung với người lao động nữ,... cũng có thể được áp dụng.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động

Nơi làm việc là nơi tập trung nhiều người lao động. Những người lao động này làm việc theo nhóm, phòng, và có nhiều sự liên kết, mối quan hệ trong môi trường làm việc. Vì vậy người sử dụng lao động có thể tập hợp được lượng lớn người lao động để tham gia hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động cũng có thể kết hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở hoặc các cơ quan Nhà nước quản lý về lao động, giáo dục để thực hiện công tác tuyên truyền này.

Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo

Người sử dụng lao động trong quá trình quản lý của mình có thể nhận được các tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc của người lao động. Khi nhận được khiếu nại này, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

- Thu thập chứng cứ về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc của đối tượng bị tố cáo.

- Đảm bảo an toàn, bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo và thậm chí cả người bị tố cáo vì chưa xác minh thông tin chính xác

- Kịp thời ngăn chặn các hành vi quấy rối tình dục có dấu hiệu xảy ra

Nếu xác định người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại công sở, người sử dụng lao động tiến hành xử lý kỷ luật lao động theo nội quy lao động và quy định của pháp luật, nhưng vẫn phải đảm bảo bảo mật thông tin, danh dự, nhân phẩm cho người bị quấy rối tình dục. Nếu phát hiện có dấu hiệu của hành vi khách quan cấu thành tội phạm theo pháp luật hình sự, người sử dụng lao động phải báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý.

Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Nghị đính ố 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động, bao gồm các nội dung cơ bản sau:

- Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;

- Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;

- Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;

- Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định như sau:

 Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. 

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ Luật lao động 2019 thì người có hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc còn có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải. 

Về truy cứu hình sự hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc chưa được Bộ luật Hình sự quy định cụ thể. Tuy nhiên, nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm; danh dự người khác; thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về: Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự như sau:     

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm; danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
 …
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: 

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư