2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là những loại bảo hiểm bắt buộc đối với những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm bắt buộc. Vậy, trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, người sử dụng lao động như thế nào trong Bộ luật lao động năm 2019? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
Theo Khoản 1 Điều 168 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.”
Người lao động, người sử dụng lao động hầu hết đều có trách nhiệm phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Riêng đối với người lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là các đối tượng bắt buộc phải tham gia các loại bảo hiểm này theo Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xác định thời hạn (bao gồm cả hợp đồng lao động với người lao động dưới 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật)
- Cán bộ, công chức, viên chức
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu
- Sĩ quan, quân nhân quân đội,...
- Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn
Trong đó, người lao động ở đây không thuộc các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức (chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008, sửa đổi ngày 25/11/2019) hay nhóm công nhân quốc phòng, sĩ quan quân đội (chịu sự điều chỉnh của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng số 98/2015/QH13 ngày 26/11/2015, Luật sĩ quan quân đội Việt Nam, văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH ngày 16/12/2019). Như vậy, có thể nói các trường hợp người lao động mà Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 điều chỉnh là các trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý hợp tác xã có hưởng tiền lương và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Đồng hành với nghĩa vụ phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng các quyền lợi tương ứng với từng loại bảo hiểm. Ví dụ: Người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ, khi đến tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu. Người đóng bảo hiểm y tế, khi có bệnh cần đi khám thì được giảm tiền khám, chữa trị bệnh nhờ bảo hiểm y tế. Người đóng bảo hiểm thất nghiệp, khi thất nghiệp thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngoài việc quy định trách nhiệm phải tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc, người lao động còn được Nhà nước khuyến khích tham gia các loại bảo hiểm khác nhằm bảo vệ các quyền lợi của người lao động trong quá trình tham gia lao động, sản xuất.
Người sử dụng lao động luôn có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Người sử dụng lao động phải thực hiện đóng các loại bảo hiểm này cho người lao động từ mức tiền lương mỗi đợt của người lao động. Theo Khoản 2 Điều 168 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động trong thời gian người lao động đang nghỉ và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp 02 bên có thỏa thuận khác.
Theo Khoản 3 Điều 168 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.”
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kể cả khi người lao động không phải là đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc. Người sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động cùng lúc 02 khoản tiền, 01 khoản là tiền lương của người lao động, 02 là khoản tiền tương đương với số tiền người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm bắt buộc nếu người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội. Ví dụ: Đối với người lao động là người giúp việc trong gia đình không thuộc trường hợp phải đóng bảo hiểm bắt buộc, người sử dụng lao động vẫn phải trả thêm cho người lao động 01 khoản tiền bằng với số tiền đóng bảo hiểm tương ứng với số tiền lương 01 tháng của người lao động.
Như vậy, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 quy định khá rõ ràng về trách nhiệm liên quan đến vấn đề bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động, chủ yếu nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh