Trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động như thế nào?

Thứ sáu, 16/06/2023, 14:28:27 (GMT+7)

Bài viết giải thích về trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động

Hòa giải tranh chấp lao động là một phương thức giải quyết tranh chấp lao động giữa các chủ thể có tranh chấp thông qua bên thứ ba là hòa giải viên lao động. Vậy hòa giải viên lao động là ai? Trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động được quy định như thế nào? 

Căn cứ pháp lý

- Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019 (Bộ Luật lao động 2019);

- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Tranh chấp lao động là gì?

Trên cơ sở của quy định của các Bộ Luật lao động trước đây, Bộ Luật lao động 2019 đã đưa ra định nghĩa về tranh chấp lao động như sau:

 Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Nội hàm định nghĩa tranh chấp lao động theo Bộ Luật Lao động 2019 được mở rộng so với trước đây. Theo đó, tranh chấp lao động không chỉ là tranh chấp phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động trong quá trình thuê mướn, sử dụng lao động mà còn là những tranh chấp phát sinh từ một số quan hệ liên quan đến quan hệ lao động như quan hệ về cho thuê lại lao động, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bồi thường thietj hại giữa người lao động với doanh nghiệp....Ngoài ra, Bộ Luật lao động 2019 cũng thừa nhận tranh chấp phát sinh giữa các tổ chức người đại diện lao động, tranh chấp giữa một/nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một/nhiều tổ chức đại diện người sử dụng lao động là tranh chấp lao động.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

Theo Điều 180 Bộ luật lao động 2019, có 05 nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động:

Thứ nhất, nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động

Các bên tham gia giải quyết tranh chấp lao động vẫn có thể tự thương lượng với nhau trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Nếu cơ chế tự thương lượng đạt hiệu quả thì không cần đến hoạt động giải quyết tranh chấp lao động của hòa giải viên, hội đồng trọng tài và tòa án nhân dân nữa. Các bên không phải tốn nhiều chi phí mà vẫn đạt được ở mức tối thiểu mong muốn của mình. Quyền tự định đoạt thông qua thương lượng này không chỉ thể hiện trong quá trình các bên giải quyết tranh chấp lao động mà còn cả trước khi các bên khiến vấn đề chung thành tranh chấp lao động. Nhà nước tạo điều kiện cho các bên tự quyết các vấn đề của mình nếu không có dấu hiệu vi phạm pháp luật, do đó, trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, dù là ở giai đoạn nào trừ khi đã có phán quyết của tòa án, hội đồng trọng tài lao động, chỉ cần các bên tự thương lượng thỏa thuận được kết quả thì coi như tranh chấp được giải quyết.

Thứ hai, coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật

Việc giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải luôn được ưu tiên hơn so với thông qua trọng tài hay tòa án nhân dân, do trên thực tế biện pháp giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải vẫn dựa trên thỏa thuận, thương lượng giữa các bên dưới sự thúc đẩy của hòa giải viên. Ngoài ra, giải quyết tranh chấp lao động thông qua tòa án nhân dân tốn nhiều chi phí cũng như thời gian của các bên tranh chấp hơn so với hòa giải hay trọng tài. Các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua 02 phương thức này phải tôn trọng kết quả giải quyết tranh chấp, đồng thời kết quả này phải đảm bảo lợi ích của hai bên tranh chấp, không trái với lợi ích chung của xã hội và pháp luật.

Thứ ba, công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật

Các bên cùng tham gia giải quyết tranh chấp lao động theo một trình tự nhất định theo quy định của pháp luật. Trong suốt quá trình này, các chủ thể tham gia giải quyết tranh chấp cũng như các chủ thể có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật. Công khai, minh bạch ở đây là công khai, minh bạch toàn bộ chứng cứ, các văn bản liên quan, quan điểm của các bên. Hoạt động giải quyết tranh chấp cũng phải được thực hiện một cách khách quan và kịp thời, do đó pháp luật lao động có quy định về thời hiệu để giải quyết tranh chấp lao động. Tranh chấp lao động phải được giải quyết theo quy trình nhất quán, đúng pháp luật, các bên tham gia phải đảm bảo tôn trọng các quyết định của hội đồng trọng tài lao động, tòa án nhân dân.

Thứ tư, bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động

Sự tham gia của đại diện ở đây có thể là sự tham gia của người đại diện cho tổ chức đại diện tổ chức người lao động, hoặc người đại diện cho người sử dụng lao động, người đại diện cho tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Đại diện các bên phải tham gia vào các hoạt động giải quyết tranh chấp lao động, từ các phiên họp hòa giải đến các hoạt động giải quyết của hội đồng trọng tài lao động và tòa án nhân dân. Điều này đảm bảo các bên có cơ hội bằng nhau trong giải quyết tranh chấp cũng như thể hiện sự tôn trọng đối với các bên còn lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.

Thứ năm, việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động khi có yêu cầu của bên tranh chấp, nhưng yêu cầu phải trong thời hiệu quy định. Quá thời hiệu mà pháp luật quy định thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện giải quyết tranh chấp cho các bên. Theo nguyên tắc này, việc giải quyết tranh chấp lao động qua cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chỉ được tiến hành khi:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về lao động (hòa giải viên, hội đồng trọng tài, tòa án nhân dân)

- Có yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (được các bên tranh chấp đồng ý).

Như vậy, Bộ Luật lao động 2019 có các quy định đầy đủ hơn về nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động so với Bộ luật lao động cũ (04 nguyên tắc), đồng thời thể hiện định hướng của Nhà nước cho các bên có phạm vi tự giải quyết tranh chấp lớn hơn so với trước kia.

Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, hệ thống giải quyết tranh chấp lao động hiện nay ở nước ta bao gồm:

(i) Hòa giải viên lao động;

(ii) Hội đồng trọng tài lao động

(iii) Tòa án nhân dân.

Trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, vận hành 02 thiết chế là hòa giải viên lao động và trọng tài lao động. Hòa giải viên lao động và trọng tài lao động là thiết chế cơ bản và thông lệ chung của quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp lao động, góp phần hỗ trợ hiệu quả việc phát triển quan hệ lao động lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Phần tiếp theo của bài viết Luật Hoàng Anh sẽ phân tích một số quy định hiện hành liên quan đến hòa giải viên lao động.

Hòa giải viên lao động là gì?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 184 Bộ luật lao động 2019:

Hòa giải viên lao động là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.”

Dựa vào quy định trên có thể thấy: 

- Hòa giải viên lao động là người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, được hưởng một mức tiền bồi dưỡng cho vị trí này, được hưởng chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức, viên chức,… Như vậy, công việc của hòa giải viên được coi là công việc của người có thẩm quyền phía Nhà nước, nêng hòa giải viên được bổ nhiệm, hưởng một số quyền lợi từ phía cơ quan Nhà nước.

- Công việc của hòa giải viên là giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Hòa giải viên tham gia giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề với tư cách là người đứng giữa các bên phân giải, hỗ trợ để các bên đưa ra hướng giải quyết một cách dân chủ và tự nguyện.

Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động

Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động là các tiêu chuẩn cơ bản để một người có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm vào vị trí hòa giải viên, có thể nói đây là tiêu chí cần nhưng chưa phải là đủ với một cá nhân muốn trở thành hòa giải viên. Điều 92 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định có 03 tiêu chuẩn hòa giải viên cơ bản như sau:

Thứ nhất, là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt.

Do hòa giải viên lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, làm công việc theo tiêu chuẩn và chế độ của Nhà nước, nên hòa giải viên phải là công dân Việt Nam (tức có quốc tịch Việt Nam). Đồng thời, người này cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện công việc mang tính chất đặc thù và đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo, trình độ cao, không phải là công việc mang tính thể chất hay đơn giản.

Thứ hai, có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động

Hòa giải viên lao động là công việc có tính chất phức tạp, đòi hỏi người làm việc ở vị trí này phải có hiểu biết sâu rộng không chỉ về kiến thức pháp luật lao động mà còn cả kiến thức thực tế trong vấn đề lao động. Do vậy, hòa giải viên lao động phải có trình độ học vấn cao (đại học trở lên) và đã thực hiện nhuần nhuyễn các công việc liên quan đến quan hệ lao động (ít nhất 03 năm làm việc tgrong lĩnh vực lao động)

Thứ ba, không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích

Hòa giải viên lao động là người giải quyết tranh chấp về lao động và được bổ nhiệm bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện công việc một cách thường xuyên liên tục kể từ khi được bổ nhiệm. Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hòa giải viên lao động không thể thực hiện công việc của mình khi có yêu cầu. Ngoài ra, những người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích thì không có uy tín cũng không có đủ tư cách để trở thành người hướng dẫn cho các bên hướng đến thỏa thuận thực hiện đúng pháp luật.

Trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động

Theo Khoản 2 Điều 95 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, có 02 bước cử hòa giải viên lao động, bao gồm:

Tiếp nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề, và yêu cầu hỗ trợ phát triển quan hệ lao động

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 95 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, có 03 chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận các đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề và yêu cầu hỗ trợ phát triển quan hệ lao động là:

- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

- Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội

- Hòa giải viên lao động

Trên thực tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội mới là các cơ quan cuối cùng tiếp nhận yêu cầu của các bên, do trong thời hạn 12 giờ kể từ khi hòa giải viên tiếp nhận đơn, hòa giải viên lao động phải chuyển đơn cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng lao động – Thương binh và Xã hội đang quản lý hòa giải viên lao động. Nói cách khác, hòa giải viên không thật sự tiếp nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp hay yêu cầu hỗ trợ phát triển quan hệ lao động mà chỉ có vai trò như bên trung gian chuyển đơn của chủ thể yêu cầu đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận.

Nguyên nhân là do hai cơ quan này có chức năng, nhiệm vụ quản lý hòa giải viên cũng như điều phối các yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề và yêu cầu hỗ trợ phát triển quan hệ lao động nên dù hòa giải viên có nhận được nhiều đơn yêu cầu thì cũng không được tự mình xử lý, thực hiện nhiệm vụ theo đơn yêu cầu, mà phải gửi cho hai cơ quan trên để được phân công thực hiện nhiệm vụ.

Phân loại yêu cầu và có văn bản cử hòa giải viên lao động

Theo Điểm b Khoản 2 Điều 95 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, 02 chủ thể thực hiện việc phân loại và cử hòa giải trong giai đoạn này là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện xử lý đơn theo phân cấp quản lý. Đây là 02 chủ thể tiếp nhận đơn, nếu người yêu cầu gửi đơn đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thì Sở tiến hành phân loại đơn bước đầu, nếu người yêu cầu gửi đơn đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành phân loại đơn. Tương tự, nếu hòa giải viên nhận đơn thuộc sự quản lý trực tiếp của cơ quan nào trong 02 cơ quan này thì thực hiện gửi đơn đến cơ quan đó, cơ quan này tiếp tục thực hiện phân loại đơn.

Trong quá trình phân loại đơn, 02 chủ thể này dựa trên tính chất của tranh chấp (phức tạp, đơn giản), tiến hành lựa chọn hòa giải viên tham gia giải quyết tranh chấp. Nếu tranh chấp có tính chất rất phức tạp, khó giải quyết thì có thể cử nhiều hòa giải viên tham gia giải quyết tranh chấp cùng lúc. Việc cử hòa giải viên phải có văn bản chính thức theo quy định của pháp luật và quy chế hòa giải viên lao động.

Về thời hạn:

- Trong trường hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trực tiếp tiếp nhận đơn, trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, phải tiến hành phân loại và cử hòa giải viên lao động giải quyết.

- Trong trường hợp hòa giải viên lao động tiếp nhận đơn, thì trong 12 giờ kể từ ngày nhận đơn, 02 chủ thể trên theo phân cấp quản lý đối với hòa giải viên lao động nhận đơn, tiến hành cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp.

Như vậy, quy trình cử hòa giải viên tương đối đơn giản, không tốn nhiều thời gian và công sức.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư