Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thông qua hòa giải viên lao động như thế nào?

Thứ hai, 19/06/2023, 15:53:03 (GMT+7)

Bài viết này giải thích về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thông qua hòa giải viên lao động

Hiện nay, tranh chấp lao động có thể xuất phát từ việc quyền lợi của một cá nhân bị vi phạm (tranh chấp lao động cá nhân) hoặc quyền và lợi ích của cả tập thể lao động bị xâm phạm (tranh chấp lao động tập thể). Trong tranh chấp lao động tập thể lại được chia ra thành tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Bài viết sau đây của Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về cụ thể về tranh chấp lao động tập thể về lợi ích cũng như trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp này thông qua hòa giải viên lao động.

Căn cứ pháp lý

- Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019 

- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Tranh chấp lao động tập thể là gì?

Tranh chấp lao động tập thể là một trong các loại tranh chấp được quy định tại Bộ Luật Lao động 2019. Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 179 Bộ Luật lao động 2019 quy định về tranh chấp lao động tập thể như sau: 

Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

Tranh chấp lao động tập thể được hiểu là tranh chấp phát sinh từ những mâu thuẫn, bất đồng giữa một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động (hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động) với một bên là tập thể lao động (hoặc tổ chức đại diện tập thể lao động) về các quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động tập thể. Căn cứ theo quy định tại khoản 2,3 Điều 179 Bộ Luật lao động 2019 thì tranh chấp lao động tập thể chia làm hai loại là tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. 

Theo đó:

- Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong trường hợp sau đây:

+ Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác;

+ Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động;

+ Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.

- Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:

+ Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể;

+ Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là gì?

Hiện nay, Bộ Luật lao động 2019 không đưa ra khái niệm riêng về tranh chấp lao động tập thể về lợi ích mà chỉ quy định tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm: 

- Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể;

- Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

Theo đó, có thể đưa ra khái niệm tranh chấp lao động tập thể về lợi ích như sau: Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong quá trrinhf thương lượng tập thể.

Đặc điểm của tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

Thứ nhất, chủ thể của tranh chấp lao động tập thể bao gồm người sử dụng lao động hoặc tổ chức người đại diện người sử dụng lao động và tập thể lao động (hoặc tổ chức đại diện tập thể lao động). 

Thứ hai, mục đích của tranh chấp lao động về tập thể là nhằm yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới (thường là có lợi hơn cho người lao động) so với quy định của pháp luật hoặc các văn bản có giá trị pháp lý khác trong nội bộ doanh nghiệp, đơn vị. Khác với tranh chấp lao đọng tập thể về quyền thường xảy ra do có sự vi phạm hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hay pháp luật lao động, tranh chấp lao đồng tập thể về lợi ích xảy ra khi tập thể lao động muốn đưa ra các yêu cầu trong thương lượng tập thể nhằm xác lập các điều kiện lao động mới. 

Thứ ba, những thỏa thuận đạt được này thường được xác lập thông qua thương lượng tập thể và thường được ghi nhận bằng văn bản. Xuất phát từ đặc trưng của quan hệ lao động, mục đích cuối cùng của người lao động là có được với làm với thu nhập cao, mục đích của người sử dụng lao động là ổn định sản xuất từ đó nâng cao lợi nhuận, hầu hết những yêu sách của người lao động thường được xác lập thông qua thương lượng tập thể. Những thỏa thuận này sau đó thường được ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể, làm căn cứ để áp dụng và giải quyết tranh chấp lao động nếu có sau này.

Thứ tư, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thường phát sinh khi không có sự vi phạm các quy định của pháp luật lao động, vi phạm thỏa ước lao động tập thể/thỏa thuận tập thể về lao động đã ký kết, Vì lợi ích là những vấn đề mà tập thể lao động cho rầng mình được hưởng nhưng khi đề nghị thì người sử dụng lao động không đồng ý khi thương lượng tập thể, từ đó phát sinh tranh chấp.

Quy định về các trường hợp phát sinh tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 179 Bộ luật lao động 2019, tranh chấp lao động về lợi ích xảy ra trong 02 trường hợp sau

Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể

Thương lượng tập thể là hoạt động đàm phán, thỏa thuận của các chủ thể người lao động, tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Nội dung đàm phán, thảo luận của thương lượng tập thể bao gồm những lợi ích dành cho người lao động như về việc tăng tiền lương, giảm thời giờ làm việc, nâng cao tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động,…

Trong quá trình người đàm phán, thỏa thuận, các bên tham gia các cuộc họp thương lượng tập thể, đồng thời tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến người lao động về các vấn đề được đem ra thảo luận, đàm phán. Thương lượng tập thể có nhiều kết quả khác nhau:

a. Thương lượng tập thể thành công: Nếu trong thời hạn quy định các bên tiến hành công bố thương lượng thành công thì các bên có thể tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể sau khi lấy ý kiến của người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nếu ký thỏa ước tập thể ngành, nhiều doanh nghiệp. Trường hợp này không dẫn đến tranh chấp lao động.

b. Thương lượng tập thể không thành:

- Quá thời hạn quy định về thương lượng tập thể nhưng các bên vẫn chưa đạt được kết quả thỏa thuận.

- Trong thời hạn quy định về thương lượng tập thể nhưng các bên ra tuyên bố thương lượng không đạt được thỏa thuận.

Trong trường hợp này, do kết quả thương lượng không thành, các vấn đề mà các bên tham gia thảo luận, đàm phán sẽ được giải quyết theo quy trình tranh chấp lao động về lợi ích.

Bản chất tranh chấp lao động tập thể về lợi ích này xuất phát từ các lợi ích mà người lao động hướng tới và muốn được nhận từ người sử dụng lao động nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến người sử dụng lao động dẫn đến các bất đồng và không thể có tiếng nói chung. Ví dụ: Tổ chức đại diện người lao động đưa ra ý kiến về việc giảm giờ làm cho người lao động từ 08 giờ 01 ngày xuống còn 07 giờ 01 ngày do người lao động làm công việc nguy hiểm, độc hại nhưng người sử dụng lao động cho rằng người lao động đã được nhận phụ cấp lao động trong môi trường nguy hiểm, độc hại và cũng được nghỉ đủ số ngày mà pháp luật quy định nên yêu cầu giảm số giờ làm việc là không hợp lý. Cuối cùng hết thời hạn quy định mà thương lượng tập thể vẫn chưa đạt được kết quả, vấn đề 02 bên thảo luận trở thành tranh chấp lao động về lợi ích.

Ngoài ra, trong quá trình thương lượng lao động tập thể, hoàn toàn có thể phát sinh các tranh chấp mới do các vấn đề tranh chấp có thể liên quan đến nhau. Ví dụ: 02 bên bắt đầu thương lượng tập thể bằng việc thảo luận về tiền lương, tuy nhiên trong quá trình thảo luận, bên tổ chức đại diện người lao động cho rằng người sử dụng lao động cho rằng thời gian làm việc tính lương của người sử dụng lao động là chưa hợp lý, dẫn đến tranh chấp giữa hai bên.

Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật

Một trong các trường hợp thương lượng tập thể không thành đó là một bên từ chối thương lượng tập thể, hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ các bên nhận được yêu cầu thương lượng tập thể từ chủ thể có quyền yêu cầu thương lượng tập thể mà các bên không tổ chức thương lượng tập thể.

Trên thực tế, trường hợp này thương lượng tập thể chưa được thực hiện. Các bên thể hiện quan điểm không muốn thảo luận, không muốn đàm phán bằng hành vi từ chối tham gia thương lượng tập thể hoặc không tổ chức thương lượng tập thể. Do hành vi thể hiện ý chí, các vấn đề mà các bên định giải quyết qua thương lượng tập thể không còn có thể xử lý bằng cách đàm phán, thỏa thuận được nữa, dẫn đến trở thành tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Hòa giải viên lao động là gì?

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, hệ thống giải quyết tranh chấp lao động hiện nay ở nước ta bao gồm:

(i) Hòa giải viên lao động;

(ii) Hội đồng trọng tài lao động

(iii) Tòa án nhân dân.

Trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, vận hành 02 thiết chế là hòa giải lao động và trọng tài lao động. Hòa giải lao động và trọng tài lao động là thiết chế cơ bản và thông lệ chung của quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp lao động, góp phần hỗ trợ hiệu quả việc phát triển quan hệ lao động lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Phần tiếp theo của bài viết Luật Hoàng Anh sẽ phân tích một số quy định hiện hành liên quan đến hòa giải viên lao động.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 184 Bộ luật lao động 2019:

Hòa giải viên lao động là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

Dựa vào quy định trên có thể thấy: 

- Hòa giải viên lao động là người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, được hưởng một mức tiền bồi dưỡng cho vị trí này, được hưởng chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức, viên chức,… Như vậy, công việc của hòa giải viên được coi là công việc của người có thẩm quyền phía Nhà nước, nên hòa giải viên được bổ nhiệm, hưởng một số quyền lợi từ phía cơ quan Nhà nước.

- Công việc của hòa giải viên là giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Hòa giải viên tham gia giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề với tư cách là người đứng giữa các bên phân giải, hỗ trợ để các bên đưa ra hướng giải quyết một cách dân chủ và tự nguyện.

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể qua Hòa giải viên lao động

 

Dựa trên Điều 196, Điều 188 Bộ luật lao động 2019 và Điều 95 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, có 04 bước trong hoạt động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thông qua hòa giải viên lao động như sau:

Bước 1:

Các bên tranh chấp (tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động) gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền đến các chủ thể có thẩm quyền (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Hòa giải viên lao động). Trong trường hợp hòa giải viên tiếp nhận đơn thì trong 12 giờ phải gửi lại cho Sở Lao động – Thương binh và Xã Hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tùy theo cấp quản lý hòa giải viên, nên trên thực tế 02 chủ thể duy nhất tiếp nhận đơn cuối cùng là Sở Lao động – Thương binh và Xã Hội và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Đơn yêu cầu tranh chấp lao động viết theo mẫu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bước 2:

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành cử hòa giải viên lao động thực hiện nhiệm vụ bằng văn bản trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu, hoặc trong vòng 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu chuyển từ hòa giải viên lao động. Hòa giải viên lao động không được từ chối thực hiện nhiệm vụ nếu không không có lý do chính đáng, nếu từ chối quá 02 lần mà không có lý do chính đáng, hòa giải viên sẽ bị miễn nhiệm.

Bước 3:

Trong 05 ngày kể từ khi nhận được đơn yêu cầu, hòa giải viên lao động tiến hành thực hiện nhiệm vụ hòa giải cho các bên, tổ chức cuộc họp hòa giải với sự chủ trì của Hòa giải viên lao động

a. Hòa giải viên lao động nghiên cứu vụ việc, tập hợp các bên tham gia cuộc họp hòa giải bằng văn bản, trong đó có ghi rõ địa điểm, thời gian. Các bên tham gia có quyền yêu cầu thay đổi thời gian (trong thời hạn giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải viên) và địa điểm nếu thấy cần thiết.

b. Tham gia cuộc họp hòa giải: Các bên dựa trên định hướng của hòa giải viên lao động thực hiện hoạt động hòa giải. Cuộc họp hòa giải có thể có các kết quả khác nhau như sau:

- Nếu các bên trong cuộc họp tự đưa ra được thỏa thuận thì hòa giải thành: Kết quả hòa giải thành được hòa giải viên ghi lại vào biên bản. Vì bản chất tranh chấp lao động là tranh chấp về thương lượng tập thể, mà hoạt động thương lượng tập thể là hoạt động đàm phán, thỏa thuận giữa các bên, nên trên thực tế, khi giải quyết được tranh chấp lao động tập thể về lợi ích chỉ dựa trên hòa giải, thì về bản chất thỏa thuận đạt được như một kết quả thương lượng tập thể thành công, do vậy kết quả này có sự tương đồng như một thỏa ước lao động tập thể.

- Nếu các bên không tự thống nhất ý kiến được thì Hòa giải viên đưa ra phương án giải quyết do mình xây dựng dựa trên quá trình tiến hành hòa giải và các bên tranh chấp phải tiến hành xem xét phương án này một cách nghiêm túc.

+ Nếu chấp thuận thì hòa giải thành: Trường hợp này kết quả hòa giải thành được tương tự như trường hợp các bên tự thỏa thuận trong cuộc họp hòa giải.

+ Nếu không chấp thuận thì hòa giải không thành: Hòa giải viên vẫn tiến hành ghi lại kết quả hòa giải không thành vào biên bản, biên bản này có giá trị như là chứng cứ trong trường hợp tiếp tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thông qua Hội đồng lao động tập thể.

Bước 4:

Chuyển sang giải quyết thông qua các Hội đồng lao động tập thể hoặc đình công

Bước 4 chỉ được thực hiện khi hòa giải không thành. Các bên tiến hành lựa chọn giữa đình công và giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng lao động. Hai hoạt động này không được diễn ra cùng thời điểm, tức không được đình công trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang giải quyết tranh chấp lao động.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư