2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Hòa giải viên lao động được dự tuyển hòa giải viên lao động tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và được bổ nhiệm bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, được hưởng một số chế độ dành riêng cho hòa giải viên, nhưng vẫn có thể bị miễn nhiệm trong nhiệm kỳ làm hòa giải viên của mình. Vậy, các nào trường hợp miễn nhiệm hòa giải viên lao động? Trình tự, thủ tục miễn nhiệm hòa giải viên lao động được quy định ra sao? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
- Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019 (Bộ Luật lao động 2019);
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, hệ thống giải quyết tranh chấp lao động hiện nay ở nước ta bao gồm:
(i) Hòa giải viên lao động;
(ii) Hội đồng trọng tài lao động
(iii) Tòa án nhân dân.
Trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, vận hành 02 thiết chế là hòa giải lao động và trọng tài lao động. Hòa giải lao động và trọng tài lao động là thiết chế cơ bản và thông lệ chung của quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp lao động, góp phần hỗ trợ hiệu quả việc phát triển quan hệ lao động lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Phần tiếp theo của bài viết Luật Hoàng Anh sẽ phân tích một số quy định hiện hành liên quan đến hòa giải viên lao động.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 184 Bộ Luật lao động 2019:
Hòa giải viên lao động là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
Dựa vào quy định trên có thể thấy:
- Hòa giải viên lao động là người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, được hưởng một mức tiền bồi dưỡng cho vị trí này, được hưởng chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức, viên chức,… Như vậy, công việc của hòa giải viên được coi là công việc của người có thẩm quyền phía Nhà nước, nên hòa giải viên được bổ nhiệm, hưởng một số quyền lợi từ phía cơ quan Nhà nước.
- Công việc của hòa giải viên là giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Hòa giải viên tham gia giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề với tư cách là người đứng giữa các bên phân giải, hỗ trợ để các bên đưa ra hướng giải quyết một cách dân chủ và tự nguyện.
Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động là các tiêu chuẩn cơ bản để một người có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm vào vị trí hòa giải viên, có thể nói đây là tiêu chí cần nhưng chưa phải là đủ với một cá nhân muốn trở thành hòa giải viên. Điều 92 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định có 03 tiêu chuẩn hòa giải viên cơ bản như sau:
Thứ nhất, là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt.
Do hòa giải viên lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, làm công việc theo tiêu chuẩn và chế độ của Nhà nước, nên hòa giải viên phải là công dân Việt Nam (tức có quốc tịch Việt Nam). Đồng thời, người này cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện công việc mang tính chất đặc thù và đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo, trình độ cao, không phải là công việc mang tính thể chất hay đơn giản.
Thứ hai, có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động
Hòa giải viên lao động là công việc có tính chất phức tạp, đòi hỏi người làm việc ở vị trí này phải có hiểu biết sâu rộng không chỉ về kiến thức pháp luật lao động mà còn cả kiến thức thực tế trong vấn đề lao động. Do vậy, hòa giải viên lao động phải có trình độ học vấn cao (đại học trở lên) và đã thực hiện nhuần nhuyễn các công việc liên quan đến quan hệ lao động (ít nhất 03 năm làm việc tgrong lĩnh vực lao động)
Thứ ba, không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích
Hòa giải viên lao động là người giải quyết tranh chấp về lao động và được bổ nhiệm bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện công việc một cách thường xuyên liên tục kể từ khi được bổ nhiệm. Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hòa giải viên lao động không thể thực hiện công việc của mình khi có yêu cầu. Ngoài ra, những người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích thì không có uy tín cũng không có đủ tư cách để trở thành người hướng dẫn cho các bên hướng đến thỏa thuận thực hiện đúng pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 93 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ:
Điều 93. Trình tự và thủ tục bổ nhiệm hòa giải viên lao động
[...]
b) Trong thời hạn đăng ký ghi trong thông báo tuyển chọn hòa giải viên lao động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cá nhân trực tiếp đăng ký hoặc được các cơ quan, đơn vị của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác giới thiệu tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hồ sơ dự tuyển gồm: Đơn dự tuyển hòa giải viên lao động; sơ yếu lý lịch có xác nhận của cấp có thẩm quyền; giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Y tế; bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các văn bằng, chứng chỉ liên quan; văn bản giới thiệu tham gia làm hòa giải viên lao động của các cơ quan, tổ chức liên quan (nếu có)
Theo đó, khi dự tuyển hòa giải viên lao động thì người dự tuyển cần chuẩn bị hồ sơ gồm những tài liệu sau đây:
- Đơn dự tuyển hòa giải viên lao động;
- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cấp có thẩm quyền;
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Y tế;
- Bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các văn bằng, chứng chỉ liên quan;
- Văn bản giới thiệu tham gia làm hòa giải viên lao động của các cơ quan, tổ chức liên quan (nếu có).
Theo Khoản 1 Điều 94 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, có 05 trường hợp hòa giải viên bị miễn nhiệm, bao gồm:
Người làm hòa giải viên lao động được tự nguyện ứng cử làm hòa giải viên lao động dưới sự đề cử của các cơ quan, tổ chức (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công đoàn cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động) và khi được bổ nhiệm thì thực hiện công việc này một cách hoàn toàn tự nguyện. Nên nếu hòa giải viên cảm thấy mình không có đủ khả năng, hoặc đơn giản là không muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên thì được tự nguyện xin chấm dứt thực hiện công việc này một cách tự nguyện. Ngược lại, với trách nhiệm của hòa giải viên được bổ nhiệm, hòa giải viên không được tự ý bỏ nhiệm vụ dù với lý do gì, nếu không muốn, không thể thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên thì hòa giải viên phải làm đơn xin thôi làm hòa giải viên.
Đơn xin thôi làm hòa giải viên lao động là căn cứ để Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét miễn nhiệm hòa giải viên.
Theo trình tự thông thường, một người đã được bổ nhiệm trở thành hòa giải viên thì đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành hòa giải viên lao động (bao gồm 03 tiêu chuẩn). Vậy nếu một hòa giải viên không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật thì có 02 trường hợp có thể xảy ra:
a. Hòa giải viên không trung thực trong khai báo thông tin của mình trong hồ sơ dự tuyển nộp lên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Ví dụ: Ông A là hòa giải viên lao động, nhưng khi ông A nộp hồ sơ dự tuyển làm hòa giải viên, ông đã làm giả bằng đại học của mình, cùng với làm giả cả giấy khám sức khỏe. Ông A không bị phát hiện và được bổ nhiệm làm hòa giải viên. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên, ông A bị phát hiện chưa tốt nghiệp đại học. Đây là căn cứ để miễn nhiệm ông A khỏi vị trí hòa giải viên lao động.
b. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hòa giải viên lao động, người này không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn như thời điểm dự tuyển và bổ nhiệm hòa giải viên lao động.
Ví dụ: Ông B khi dự tuyển, được bổ nhiệm trở thành hòa giải viên lao động vẫn đạt đủ mọi yêu cầu để trở thành hòa giải viên lao động nhưng sau 02 năm, ông B có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, khi đi khám được xác nhận mắc bệnh tâm thần phân liệt, sau đó Tòa án tuyên bố ông B mất năng lực hành vi dân sự. Tại thời điểm đó, ông B không còn đạt đủ điều kiện về năng lực hành vi dân sự để trở thành hòa giải viên lao động. Đây là căn cứ để miễn nhiệm ông B.
Đây là trường hợp có sai phạm trong quá trình hoạt động dưới tư cách hòa giải viên lao động. Các hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến miễn nhiệm bao gồm các hành vi vi phạm pháp luật gây phương hại đến lợi ích của các bên, các hành vi vi phạm pháp luật gây phương hại đến lợi ích của Nhà nước và các hành vi vi phạm pháp luật gây phương hại đến cả lợi ích của các bên cũng như lợi ích của Nhà nước. Đây có thể coi là các hành vi nguy hiểm, và gắn liền với hoạt động thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động. Điển hình như nhận hối lộ từ một trong các bên tranh chấp, giải quyết tranh chấp lao động theo cảm tính, không vô tư, hướng các bên giải quyết tranh chấp lao động theo một hướng nhất định để đạt được lợi ích của bản thân, có các hành vi trục lợi khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động. Các hành vi vi phạm pháp luật này tùy theo mức độ và phạm vi ảnh hưởng có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Bản thân người hòa giải viên khi bị phát hiện có các hành vi này với chứng cứ xác thực thì đây là căn cứ xác đáng để miễn nhiệm hòa giải viên lao động.
Quy chế quản lý hòa giải viên lao động là quy chế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nhằm quản lý hòa giải viên lao động, trong đó có nội dung về các nhiệm vụ mà hòa giải viên lao động phải thực hiện và hoàn thành. Dựa trên quy chế này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hòa giải viên lao động qua từng năm. Nếu 02 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì người này không có đủ khả năng, năng lực để thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động. Do vậy, đây là căn cứ để miễn nhiệm một hòa giải viên lao động.
Hòa giải viên lao động có nhiệm vụ hòa giải tranh chấp lao động. Khi được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện cử đi hòa giải các tranh chấp lao động, đây là nghĩa vụ, là trách nhiệm, nhiệm vụ của hòa giải viên lao động. Vậy nên nếu hòa giải viên từ chối nhiệm vụ mà không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động được coi là không tôn trọng nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Ngoài ra, việc từ chối thực hiện hòa giải trong các tranh chấp lao động hoặc tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề dẫn đến nghi ngờ về năng lực của hòa giải viên lao động cũng như tâm huyết đối với công việc của người này. Do đó, đây là 01 căn cứ để miễn nhiệm hòa giải viên lao động.
Như vậy, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định khá rõ ràng về các trường hợp miễn nhiệm đối với các hòa giải viên lao động. Các trường hợp này ngoài trường hợp tự xin thôi làm hòa giải viên lao động thì đều là các trường hợp hòa giải viên có lỗi nghiêm trọng, dẫn đến trở thành căn cứ miễn nhiệm hòa giải viên lao động.
Theo Khoản 2 Điều 94 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ:
Theo Điểm a Khoản 2 Điều 94 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, hòa giải viên nộp đơn xin thôi làm hòa giải viên lên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Nội dung của đơn xin thôi làm hòa giải viên lao động rất đơn giản, bao gồm: Thông tin cá nhân của hòa giải viên lao động (họ tên, tuổi, giới tính, chức danh nếu có), thông tin về nhiệm kỳ hoạt động của hòa giải viên (được bổ nhiệm vào ngày nào, tháng nào, năm nào bởi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, theo Quyết định nào) và lý do xin thôi làm hòa giải viên, chữ ký của người làm đơn. Lý do xin thôi làm hòa giải viên phải là lý do chính đáng, được trình bày ngắn gọn, xúc tích và đủ ý.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm (trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn) trình văn bản đề nghị lên chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và quyết định miễn nhiệm hòa giải viên lao động. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tiếp nhận đơn xin thôi làm hòa giải viên do cơ quan này trực tiếp quản lý hòa giải viên lao động, cũng là cơ quan xây dựng phương án dự tuyển hòa giải viên lao động, tiếp nhận đơn dự tuyển hòa giải viên lao động, cũng như có đề nghị đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm hòa giải viên lao động. Vì vậy mà hoạt động xin miễn nhiệm hòa giải viên lao động cũng được thực hiện theo con đường gần tương tự với bổ nhiệm hòa giải viên.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định miễn nhiệm đối với hòa giải viên có đơn xin thôi làm hòa giải viên lao động. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ thể duy nhất có quyền bổ nhiệm hòa giải viên lao động nên cũng là chủ thể duy nhất có quyền quyết định miễn nhiệm hòa giải viên lao động. Các đề nghị của Sở Lao động –Thương binh và Xã hội chỉ có tính chất tham khảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vẫn có thể xem xét có miễn nhiệm hòa giải viên lao động hay không.
Đây là các trường hợp: Không đáp ứng đủ tiêu chuẩn trở thành hòa giải viên lao động, có hành vi vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích các bên hoặc lợi ích của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động theo quy định của pháp luật, có 02 năm bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ theo quy chế quản lý hòa giải viên lao động, từ chối nhiệm vụ hòa giải từ 02 lần trở lên khi được cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động hoặc tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề mà không có lý do chính đáng theo quy định tại quy chế quản lý hòa giải viên lao động.
Trong các trường hợp này, căn cứ miễn nhiệm dựa vào lỗi hoặc sự thay đổi về bản chất của hòa giải viên lao động. Các căn cứ này đều được coi là nghiêm trọng đến mức phải miễn nhiệm không tham khảo ý chí của hòa giải viên. Điều đó có nghĩa là cần phải xác thực, xác minh một cách minh bạch về các hành vi, lỗi và sự thay đổi của hòa giải viên. Theo đó trình tự miễn nhiệm đối với các trường hợp này cũng khác so với trường hợp tự nguyện thôi không làm hòa giải viên trên.
- Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát, sau đó gửi kết quả cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Sở Lao động – Thương binh và xã hội xác nhận về các căn cứ miễn nhiệm của hòa giải viên lao động thông qua kết quả này và đề nghị lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định miễn nhiệm hòa giải viên lao động.
Như vậy, trình tự, thủ tục miễn nhiệm hòa giải viên được quy định rõ ràng tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, các quy trình đảm bảo việc quá trình miễn nhiệm hòa giải viên được diễn ra minh bạch, không miễn nhiệm do nhầm căn cứ, sai trường hợp.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh